Cổ phiếu VCB giảm gần 1% kể từ đầu năm
Phiên giao dịch thứ Sáu (17/9) ghi nhận sắc xanh bao trùm nhóm cổ phiếu ngân hàng với 26/27 mã tăng giá. Trong đó, một loạt mã ngân hàng tăng giá mạnh như SGB (+10,4%), TPB (+5,6%), EIB (+3,2%), VPB (+3,08%)... giúp các chỉ số chính tăng điểm trong ngày giao dịch cuối tuần.
Ở phía ngược lại, "anh cả" VCB của Vietcombank là mã ngân hàng duy nhất giảm giá khi đóng cửa ở mức 97.200 đồng/cp, mất 0,92% giá trị so với ngày trước đó.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu VCB đã giảm 0,7% trong khi chỉ số VN-Index tăng tới 22,5% và chỉ số VN30-Index tăng 33,7%.
Xét riêng trong nhóm ngân hàng, VCB có diễn biến giá tệ thứ hai toàn ngành chỉ sau BID của BIDV (giảm 16,5%).
Cụ thể, cổ phiếu VCB gần như bất động khi các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Đợt sóng đáng chú ý nhất của cổ phiếu này là vào cuối tháng 5 đến hết tháng 6 nhưng thị giá chỉ tăng được khoảng 20% sau đó điều chỉnh về vùng giá cũ 96.000 - 97.000 đồng/cp.
Diễn biến một số cổ phiếu ngân hàng kể từ đầu năm đến nay (Nguồn: Tradingview)
Đáng nói, cổ phiếu gần như "giậm chân tại chỗ" trong bối cảnh Vietcombank vẫn duy trì được vị thế ngân hàng tốt nhất Việt Nam với các hệ số tài chính đứng đầu toàn ngành.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trước thuế với 13.570 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái và có khoảng cách khá an toàn so với các đối thủ xếp sau như Techcombank (11.536 tỷ đồng), VietinBank (10.850 tỷ đồng).
Về khía cạnh an toàn hoạt động, Vietcombank cũng đứng đầu với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt hơn 350% vào cuối quý II/2021, bỏ xa các ngân hàng đứng kế sau như Techcombank (260%), MB (240%), ACB (210%),... Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc hàng thấp nhất hệ thống và tiên phong áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel II.
Ngoài ra, ngân hàng cũng liên tiếp được các tổ chức, định chế tài chính uy tín của khu vực và toàn cầu đánh giá rất cao, được vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng lớn như Top 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu; đứng thứ 403 (đứng đầu nhóm ngân hàng tại Việt Nam) trong bảng xếp hạng của The Banker; Top 2 ngân hàng có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất toàn cầu (theo Brand Finance) và là đơn vị có giá trị thương hiệu lớn nhất ngành ngân hàng tại Việt Nam (theo Forbes Việt Nam)…
Vì sao VCB tăng không nổi?
Nhìn lại lịch sử giá của VCB, cổ phiếu này có nhịp tăng rất mạnh từ nửa cuối năm 2017 đến đầu năm 2020 với mức tăng tổng cộng khoảng 160% và là mã ngân hàng có diễn biến tốt nhất trong giai đoạn trên. Điều này đã đẩy mức định giá P/E, P/B của Vietcombank vượt xa so với các ngân hàng khác, qua đó làm giảm sức hấp dẫn so với các cổ phiếu ngân hàng khác.
Diễn biến cổ phiếu VCB kể từ năm 2016 đến nay (Nguồn: Tradingview)
Thêm vào đó, chiến lược kinh doanh mang tính an toàn cao của Vietcombank cũng khiến khả năng tăng trưởng lợi nhuận bị bó hẹp. Cụ thể, việc duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu thường xuyên trên mức 300% khiến ngân hàng phải liên tục dành ra những khoản trích lập dự phòng "kếch xù" chục nghìn tỷ; do đó lợi nhuận không thể tăng trưởng đột biến như những ngân hàng khác.
Nguyên Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng chia sẻ, ngân hàng rất thận trọng trong dự phòng, trích lập đầy đủ. Chẳng hạn theo quy định thì với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65% nhưng ngân hàng chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% coi như vẫn trích lập đủ 100%. Hay cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, ví dụ một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 hay Vietnam Airlines sẽ không phải trích lập dự phòng, nhưng ngân hàng vẫn dự phòng.
"Quy định chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, cơm không ăn gạo còn đó, lại an toàn cho ngân hàng, đúng thông lệ quốc tế. Riêng trong quý I/2021, Vietcombank trích lập dự phòng thêm 2.000 tỷ đồng", ông Thành cho hay.
Không chỉ vậy, nhà đầu tư cũng băn khoăn về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank khi ngân hàng này phải liên tục triển khai các gói hỗ trợ lãi suất theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước.
Mới nhất, Vietcombank thông báo sẽ thực hiện đợt giảm lãi suất thứ 8 bắt đầu từ ngày 18/8 kéo dài đến cuối năm. Chương trình này áp dụng cho tất cả các khách hàng tín dụng doanh nghiệp và cá nhân tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội. Ngân hàng ước tính thu nhập lãi sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng trong đợt hỗ trợ này, nâng tổng số thiệt hại về thu nhập lãi sau các đợt giảm lãi suất vừa qua lên 7.100 tỷ đồng.
Một nguyên nhân khác khiến giá cổ phiếu VCB không có đột phá kể từ đầu năm đến nay là bởi thiếu "game".
Trong khi các ngân hàng khác liên tục thực hiện chia cổ tức, chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược thì Vietcombank vẫn chưa có bất kỳ động thái gì.
Năm 2021, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research đã giảm ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietcombank xuống còn 24.300 tỷ đồng (chỉ tăng 5,4% so với năm 2020) do thu nhập lãi thuần giảm và tăng trích lập dự phòng gia tăng.
"Do các biện pháp giãn cách xã hội có thể sẽ kéo dài hơn tại các tỉnh miền Nam, chúng tôi cho rằng khả năng trả nợ của khách hàng sẽ suy giảm và tỷ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ tăng nhanh", báo cáo của SSI Research viết.
Trong năm 2022, SSI Research cũng giảm 5,9% ước tính lợi nhuận trước thuế xuống còn 31.700 tỷ đồng (+30,6% so với cùng kỳ) với dự báo chi phí tín dụng tăng 20 điểm cơ bản lên 0,98%.
Yếu tố hỗ trợ đối với khuyến nghị của SSI Research bao gồm: tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu thấp hơn dự kiến, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ được tái khởi động trong quý IV/2021 sau khi dịch COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát. Rủi ro giảm giá đối với khuyến nghị là tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu cao hơn dự kiến.