Nghi phạm bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh có thể bị xử lý ra sao?

Long Quyền - Minh Nhân, Theo Báo dân sinh 08:55 23/08/2020
Chia sẻ

Theo quan điểm của Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Như đã đưa tin, Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ Nguyễn Thị Thu (SN 1988, Cao Bằng) và Đặng Văn Bằng (SN 1987, trú tại Tuyên Quang) vì nghi có liên quan đến vụ bắt cóc bé trai Nguyễn Cao Gia Bảo (2,5 tuổi) tại công viên hồ điều hòa Nguyễn Văn Cừ ở TP. Bắc Ninh chiều 21/8.

Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh có thể bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Thị Thu tại cơ quan điều tra.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, đối tượng cho biết khi đang di chuyển bằng xe có thấy một em bé chơi 1 mình, người này đã tiếp cận và rủ em bé đi theo.

Sau khi bắt được cháu bé đã đưa về phòng trọ để sáng hôm sau đưa về Tuyên Quang. Đối tượng Thu khai mục đích bắt cóc cháu bé là vì tình cảm cá nhân nhưng không có bất cứ quan hệ nào với gia đình cháu Gia Bảo.

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trẻ em là tương lai của đất nước, chính vì vậy trẻ em xứng đáng và cần phải được nuôi dưỡng, trưởng thành trong một xã hội an toàn và đầy đủ.

Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh có thể bị xử lý ra sao? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).

"Pháp luật hiện nay đã dần hoàn thiện các quy định để bảo vệ môi trường sống của trẻ em và giảm thiểu triệt để, loại trừ các hành vi xâm hại", Luật sư Bình chia sẻ.

Theo Luật sư Bình, thời gian qua, những vụ bắt cóc trẻ em diễn ra ngày càng táo tợn với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Loại tội phạm này đang trở thành vấn nạn của xã hội.

"Về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tội phạm và hình phạt được quy định rất rõ tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015 ", Luật sư Diệp Năng Bình thông tin.

Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh có thể bị xử lý ra sao? - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Cũng liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, để có căn cứ xử lý các đối tượng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích bắt cháu bé để xử lý tương ứng về hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.

"Hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Chính vì vậy cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh.

Theo cả 2 luật sư về hướng xử lý là căn cứ vào quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm rõ động cơ, mục đích phạm tội để bắt đối tượng sẽ chịu trách nhiệm một trong các tội dưới đây:

Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;

c) Đối với từ 2 người đến 5 người;

d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Phạm tội 2 lần trở lên;

g) Vì động cơ đê hèn;

h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 6 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Đối với từ 2 người đến 5 người;

đ) Phạm tội 2 lần trở lên;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đối với 6 người trở lên;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Đối với 2 người trở lên;

e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 2 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;

d) Làm chết người.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày