Nghe về kho vàng, nhóm người ở Lạng Sơn đu thang vào hang nhưng rời đi ngay vì vật ở trong

Thanh Tú, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 11:03 08/12/2021

4 người đàn ông mang theo chiếc thang dây đi lên đỉnh núi, họ bàn bạc để H. và T. trèo xuống tiếp cận chiếc hang bí ẩn, hai người còn lại ở trên đỉnh núi lo các công việc còn lại.

Nghe về kho vàng, nhóm người ở Lạng Sơn đu thang vào hang nhưng rời đi ngay vì vật ở trong - Ảnh 1.

Các quan tài ở núi Phia Mòn hầu hết đã bị cậy nắp 

Câu chuyện về một nhóm đàn ông ở Lạng Sơn từng lên kế hoạch mạo hiểm dùng thang dây tiếp cận chiếc hang bí ẩn trên đỉnh núi cao tại huyện Văn Lãng, đến nay vẫn ẩn chứa nhiều dấu hỏi.

Theo thuật lại của tờ Tri Thức & Cuộc Sống, hang này ở khoảng giữa của vách đá dựng đứng tại núi Phia Mòn (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Hang cách chân núi khoảng 60m và cách đỉnh núi chừng 50m, miệng hang rộng khoảng 3m, cao khoảng 3m.

Sự việc bắt đầu khi đơn vị chức năng phát hiện 4 người đàn ông gồm H., Q., P., và N. (đều trú tại thị trấn Na Sầm) đu thang lẻn vào hang để tìm vàng giữa đêm 13/10/2017. Thời điểm đó, 4 người đàn ông mang theo chiếc thang dây đi lên đỉnh núi, họ bàn bạc để H. và T. trèo xuống tiếp cận chiếc hang bí ẩn, hai người còn lại ở trên đỉnh núi lo các công việc còn lại.

Nguồn trên dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho hay, nhóm người đã tiếp cận hang thuật lại, miệng hang có một gò đá cao chừng 1m. Bên trong có nhiều khoang, song những người này mới chỉ tiếp cận được 3 khoang, họ đã đi đoạn dài 400m - 500m mà vẫn chưa thấy điểm cuối của khoang.

Trong đó, khoang đầu tiên dài 10m, rộng 6m. Khoang thứ hai là một lối nhỏ hướng lên trên, rộng khoảng 60m2 và ở vị trí song song với khoang đầu tiên.

Đáng nói, theo thuật lại của Tiền Phong, trong khoang hai có khoảng 20 chiếc quan tài gỗ hình tròn với chiều dài 1m, có hộp sọ và các khúc xương nghi là xương người. Số quan tài được xếp hai hàng theo kiểu ruộng bậc thang. Những người đàn ông định tiếp tục khám phá hang thì đột ngột dừng lại, nhanh chóng rời khỏi đây vì trông thấy trong "khoảng tối có bóng dáng một con vật khổng lồ, hình hài giống con trăn chắn ngang đường".

Nghe về kho vàng, nhóm người ở Lạng Sơn đu thang vào hang nhưng rời đi ngay vì vật ở trong - Ảnh 2.

Ở phần khoanh đỏ là miệng hang đá có quan tài bên trong (Ảnh: Duy Chiến/Tiền Phong)

Nghe về kho vàng, nhóm người ở Lạng Sơn đu thang vào hang nhưng rời đi ngay vì vật ở trong - Ảnh 3.

Chiếc quan tài gỗ có bộ xương nghi là xương người (Ảnh: Tri Thức & Cuộc Sống)

Trả lời Tiền Phong hồi tháng 5/2021, ông Nông Đức Kiên (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn) nói, theo các thông tin thu thập được thì các quan tài trong hang núi Phia Mòn hầu hết đã bị cậy nắp. Từ mẫu vật, ông dự đoán cổ vật này đã có cách đây chừng 300 - 400 năm và là hình thức mộ táng cổ khá độc đáo.

Theo đó, người chết không đem chôn mà táng ở hang, quan tài làm bằng thân cây có hình dáng giống chiếc thuyền độc mộc loại nhỏ.

Do việc vào hang rất khó khăn, nên địa phương đã bàn tới phương án thuê nhóm thám hiểm có máy móc chuyên dụng vào đó thu thập cổ vật phục vụ công tác nghiên cứu.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho tờ Tri Thức & Cuộc Sống biết, chưa thể xác định được nguồn gốc của những chiếc quan tài trong hang, song nhận định có thể là phong tục "thiên táng" của một dân tộc trong tỉnh. Ông khẳng định, trong hang không hề có giấu vàng bạc như thông tin nhiều người đồn thổi. Địa phương đã lập đoàn khảo sát thực địa, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải tạm dừng.

Từng phát hiện quan tài cổ trong hang đá khác

Theo thông tin Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cung cấp trên tờ Tiền Phong, những quan tài trong hang Phia Mòn có điểm giống với quan tài phát hiện tại hang Kéo Lầm (thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn) vào năm 2016. Hang nằm cách chừng 300m so với thung lũng của thôn, hình dạng ống, phần cửa chỉ vừa đúng một người chui qua. Độ cao trung bình từ nền hang đến trần khoảng 3,5m - 4m, bên trong khô.

Theo trang điện tử của Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, quan tài trong hang Kéo Lầm được làm bằng một thân cây gỗ đinh lớn bổ đôi thành 2 phần bằng nhau.

Giữa thân cây khoét kiểu lòng thuyền độc mộc để đặt thi hài, úp khít lên nhau, có lỗ cài then ở hai đầu được khoá bằng những chiếc nêm. Quan tài dài 2,2m, đường kính 0,45m, bị mục và đã bị cậy nắp.

Ở quan tài không phát hiện di cốt và đồ tùy táng mà có mảnh gốm có hoa văn thừng với kích thước 4cm x 3,7cm.

Tuy nhiên, cách chiếc quan tài vài chục mét ghi nhận được 11 mảnh xương, kích thước dài từ 3cm đến 8,5cm, là xương của người được mai táng trong quan tài trước đây. Trong khu vực hang còn có di vật như mảnh gốm nâu đen có họa tiết hoa văn thừng và khắc vạch, các mảnh gỗ mục và một lớp tro dày 0,2cm. Đơn vị chức năng nhận định, chỗ các mảnh gỗ mục có thể là các quan tài khác.

Nghe về kho vàng, nhóm người ở Lạng Sơn đu thang vào hang nhưng rời đi ngay vì vật ở trong - Ảnh 4.

Quan tài hình thuyền độc mộc trong hang (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)

Theo nguồn trên, cùng với Lạng Sơn, hình thức mộ táng cổ độc đáo trong hang động đã được phát hiện ở tỉnh Thanh Hóa và Sơn La.

(Tổng hợp)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày