Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Không chỉ đơn thuần ở số tiền phạt

Trung Thu, Theo Đời sống Pháp luật 00:12 23/04/2025
Chia sẻ

Khi danh tiếng bị gắn với phát ngôn gây hiểu lầm, điều mà nghệ sĩ mất đi không đơn thuần là tiền.

Thời gian gần đây, loạt vụ việc nghệ sĩ vướng tranh cãi vì quảng cáo đã trở thành đề tài gây bàn tán rộng khắp mạng xã hội. Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến sữa tăng chiều cao, không ít người nổi tiếng sử dụng sức ảnh hưởng cá nhân để giới thiệu sản phẩm mà không kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả và mức độ chính xác của nội dung quảng bá. Khi lời quảng cáo vượt quá mức cho phép, đặc biệt là với những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ người dân hoặc đặc biệt là tương lai của trẻ em, hậu quả không chỉ nằm ở một video bị xoá hay vài dòng xin lỗi muộn màng.

BTV Quang Minh, MC Vân Hugo đối diện với mức phạt dự kiến vì quảng cáo lố

Sau buổi làm việc ngày 18/4 vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử đã lập biên bản cũng xử lý liên quan đến việc quảng cáo của BTV Quang Minh và MC Vân Hugo.

Nội dung quảng cáo do BTV Quang Minh và MC Vân Hugo thực hiện được đánh giá là "quảng cáo lố", "quảng cáo không phù hợp" so với các tài liệu mà nhãn hàng cung cấp. Dù cả hai cá nhân này đưa ra các tài liệu và kịch bản từ nhãn hàng, nhưng nội dung thực tế trong video quảng cáo lại không khớp với tài liệu cũng như công bố chính thức của sản phẩm.

Dự kiến sẽ có mức phạt đối với BTV Quang Minh là 37,5 triệu đồng về hai hành vi. Thứ nhất là quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, điều 52 của Nghị định 38. Thứ hai là quảng cáo sử dụng tên của bác sĩ, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4, điều 52 của Nghị định 38.

Với Vân Hugo vi phạm quy định liên quan đến quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng công dụng của sản phẩm, dự kiến mức phạt 70 triệu đồng, quy định tại khoản 5 điều 34 nghị định 38/2021.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Không chỉ đơn thuần ở số tiền phạt- Ảnh 1.

BTV Quang Minh và MC Vân Hugo đối diện với mức phạt dự kiến vì quảng cáo lố, sai sự thật

Cái giá thật sự của quảng cáo lố

Mức phạt hành chính không chỉ là biện pháp xử lý vi phạm, mà còn mang tính răn đe rõ ràng đối với những nghệ sĩ sử dụng danh tiếng để quảng bá một cách thiếu kiểm chứng. Con số 37,5 triệu đồng hay 70 triệu đồng là lời nhắc rằng nghệ sĩ không thể vô tư phát ngôn trong vai trò đại diện cho sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, trẻ em hoặc niềm tin tiêu dùng. Những con số này không chỉ xử lý hành vi cụ thể, mà còn như hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ giới nghệ sĩ, nhấn mạnh rằng phát ngôn sai lệch – dù là vô tình – vẫn sẽ để lại hậu quả pháp lý rõ ràng.

Nhưng hậu quả thực sự không dừng lại ở những con số. Với nghệ sĩ, cái giá lớn nhất không nằm trong biên lai xử phạt – mà là hình ảnh bị tổn hại và lòng tin từ khán giả bị lung lay. Trong thời đại mạng xã hội và nội dung số phát triển, công chúng không chỉ tiêu thụ sản phẩm giải trí, mà còn đặt niềm tin vào nhân cách, lựa chọn và trách nhiệm của nghệ sĩ. Một khi họ gắn gương mặt mình vào một sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc phát ngôn vượt quá công dụng thật, điều khán giả cảm thấy hụt hẫng không chỉ là thất vọng, mà còn là bị lợi dụng lòng tin.

Niềm tin công chúng là thứ không thể mua lại bằng tiền. Một nghệ sĩ từng được yêu mến bởi hình ảnh chỉn chu, gần gũi như Quang Minh hay Vân Hugo, chỉ cần một lần vướng lùm xùm quảng cáo sai sự thật, toàn bộ quá trình xây dựng hình ảnh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và với khán giả, việc quay lưng một lần đôi khi là vĩnh viễn, đặc biệt trong thời đại truyền thông số như hôm nay.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Không chỉ đơn thuần ở số tiền phạt- Ảnh 2.

Không chỉ là mức xử phạt, nghệ sĩ quảng cáo lố còn đánh rơi lòng tin của khán giả dành cho mình

Nghệ sĩ quảng cáo: Trách nhiệm trước tiên phải từ chính mình

Quảng cáo không phải là hành vi sai. Nghệ sĩ có quyền hợp tác thương mại. Nhưng khi dùng hình ảnh cá nhân để gắn với một thương hiệu, trách nhiệm cũng theo đó mà tăng lên. Trước khi đồng ý quảng bá một sản phẩm, họ cần tìm hiểu kỹ về giấy phép, công dụng, giới hạn được phép nói và đối chiếu với tài liệu của nhãn hàng. Việc nhận kịch bản từ phía doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc nghệ sĩ có thể phủi trách nhiệm nếu có sai sót. Một khi đã dùng hình ảnh cá nhân để nói thay cho thương hiệu, phát ngôn của nghệ sĩ không còn là cảm xúc riêng, mà trở thành thông điệp truyền thông có ảnh hưởng rộng rãi.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Không chỉ đơn thuần ở số tiền phạt- Ảnh 3.

NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu cho rằng bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chiều 21/4, NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ quan điểm về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Ông cho rằng bất kỳ nghệ sĩ, người nổi tiếng hay người bình thường nào nếu quảng cáo sai sự thật hoặc nói sai sự thật trong quảng cáo đều phải xử lý nghiêm.

NSND Xuân Bắc nhấn mạnh thêm rằng, mặc dù Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, Bộ Quy tắc này không có chế tài xử phạt mà chỉ góp phần nâng cao nhận thức và cảnh báo các nghệ sĩ về ứng xử có chuẩn mực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trên không gian mạng

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày