Nghệ sĩ khó thoát trách nhiệm vì quảng cáo sai sự thật

Hà Trang, Theo Tiền Phong 21:29 27/05/2025
Chia sẻ

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng đối mặt nguy cơ xử lý hình sự vì quảng cáo sai sự thật, nhất là với sản phẩm liên quan sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc giảm cân. Trong bối cảnh hoạt động bán hàng online và quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội phát triển mạnh, cơ quan chức năng đang siết chặt quản lý.

Nhiều nghệ sĩ, KOL bị "bóc trần" hành vi quảng cáo, bán hàng giả , nhất là các sản phẩm thực phẩm chức năng gây xôn xao dư luận.

Chuyên gia pháp lý cho rằng nghệ sĩ, KOL cần ý thức đầy đủ về hậu quả pháp lý và đạo đức khi đồng ý giới thiệu một sản phẩm đến công chúng.

Pháp luật quy định gì với hành vi quảng cáo sai?

Trao đổi với Tiền Phong , Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay hành vi quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội, niềm tin vào thị trường hàng hóa.

Với tính chất lan tỏa mạnh, mức độ tác động lớn, hành vi vi phạm của người nổi tiếng cần được xử lý nghiêm khắc hơn so với các trường hợp thông thường.

Nghệ sĩ khó thoát trách nhiệm vì quảng cáo sai sự thật- Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm như kem chống nắng, dầu gội do ca sĩ Đoàn Di Băng quảng cáo bị thu hồi, tiêu hủy. Ngày 24/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm đối với hai công ty liên quan đến chồng ca sĩ Đoàn Di Băng.

Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) xác định rõ, việc đưa ra thông tin không đúng về giá trị, tác dụng, công dụng của sản phẩm là quảng cáo sai sự thật. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ và hậu quả của hành vi.

Cụ thể, theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị phạt 60-80 triệu đồng đối với cá nhân và 120-160 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tái phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự về tội Quảng cáo gian dối.

Mức phạt bao gồm: phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề từ 1-5 năm hoặc bị phạt bổ sung từ 5-50 triệu đồng.

Nếu hành vi quảng cáo liên quan đến sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, người vi phạm có thể bị xử lý theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức phạt từ 2-5 năm tù. Trường hợp nghiêm trọng có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Pháp nhân thương mại vi phạm cũng không nằm ngoài trách nhiệm. Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối có thể bị phạt đến 18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực.

Trách nhiệm của nghệ sĩ

Theo luật sư Trần Viết Hà (Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn - Đoàn Luật sư TP.HCM), nghệ sĩ, người nổi tiếng có trách nhiệm rõ ràng khi tham gia quảng cáo sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm giảm cân.

Nghệ sĩ khó thoát trách nhiệm vì quảng cáo sai sự thật- Ảnh 2.

Sản phẩm giảm cân do Ngân 98 quảng cáo Cục An toàn thực phẩm yêu cầu ngành y tế TP HCM, Hà Nội kiểm nghiệm và kiểm tra quy trình sản xuất.

“Họ là những người có sức ảnh hưởng xã hội, nên mỗi lời giới thiệu, phát ngôn đều có khả năng định hướng hành vi tiêu dùng. Do đó, nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây hại cho người tiêu dùng, họ phải chịu một phần trách nhiệm”, ông Hà nhấn mạnh.

Việc nghệ sĩ nói “không biết” hoặc “chỉ làm theo hợp đồng” không được xem là căn cứ miễn trừ trách nhiệm. Luật hiện hành quy định sản phẩm khi lưu hành phải có giấy công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo, giấy chứng nhận hợp quy… Nếu không kiểm tra các điều kiện pháp lý này trước khi nhận lời quảng bá, nghệ sĩ hoàn toàn có thể bị liên đới trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra vi phạm.

Ngoài trách nhiệm pháp lý, nghệ sĩ vi phạm còn đối mặt với sức ép lớn từ dư luận. Uy tín cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động nghệ thuật và hợp đồng thương mại về sau cũng có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt.

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định để kiểm soát tình trạng quảng cáo sai sự thật, gian lận thương mại, cần có cơ chế pháp luật đồng bộ, hệ thống kiểm tra, xử lý hiệu quả và chính sách truyền thông phù hợp.

“Nghệ sĩ cần hiểu rằng sự ảnh hưởng của họ đi kèm với trách nhiệm. Mỗi sản phẩm được họ quảng cáo không chỉ là một hợp đồng thương mại, mà còn là cam kết uy tín trước công chúng”, ông nói.

Nghệ sĩ khó thoát trách nhiệm vì quảng cáo sai sự thật- Ảnh 3.

Trong các vụ việc liên quan đến quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng thường là bên chịu thiệt hại trực tiếp. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết để bảo vệ quyền lợi, người mua cần chủ động lưu giữ thông tin về sản phẩm, nội dung quảng cáo, lời cam kết chất lượng, đặc biệt là các đoạn livestream bán hàng - những căn cứ quan trọng nếu xảy ra tranh chấp hoặc khiếu nại.

Người tiêu dùng có thể yêu cầu đổi trả sản phẩm, hoàn tiền nếu chất lượng không đúng như quảng cáo. Nếu không được giải quyết, có thể trình báo sự việc với chính quyền địa phương, cơ quan điều tra, quản lý thị trường, hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc phản ánh qua báo chí.

Trong trường hợp có dấu hiệu hình sự như sản xuất, buôn bán hàng giả, quảng cáo gian dối, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng cũng có thể nộp đơn khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại, ngay cả khi vụ việc chưa đủ yếu tố xử lý hình sự.

Siết chặt hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội

Ngày 23/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nội dung chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo

Bộ VHTTDL đang tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín để quảng cáo sai sự thật, nhất là trên nền tảng mạng xã hội.

Bộ đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất bổ sung chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân hoạt động nghệ thuật, kinh doanh trên không gian mạng.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày