Gần đây dịch vụ "bạn trai theo ngày" đang trở thành từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, bên cạnh việc cung cấp "trải nghiệm yêu đương", các soái ca còn gặp không ít khách hàng muốn thử cảm giác bị "bạn trai" mắng chửi hoặc chỉ kể lể chuyện mình bị trầm cảm và khóc trước mặt đối phương hàng tiếng đồng hồ.
Vào tháng 4 năm ngoái, cô gái tên A Hiệp đã vô tình nhìn thấy 1 đoạn video có nội dung cho thuê bạn trai trong 1 ngày trên Weibo. Vì hiếu kỳ, cô đã thử tìm theo đường link mua dịch vụ tương tự trên Taobao và chọn loại dịch vụ trực tuyến - chat voice kéo dài 10 phút. Nhưng trong 10 phút ngắn ngủi ấy, A Hiệp chỉ cảm thấy bên kia trả lời như 1 con robot nên không mấy hài lòng, sau cuộc trò chuyện cô thẳng tay để lại đánh giá trung bình. Để xin khách sửa lại đánh giá, chủ shop đã chủ động liên hệ gửi "bạn trai thứ 2" cho cô trải nghiệm đầy đủ hơn.
Trong buổi hẹn hò, "bạn trai" đã cùng cô gái đi uống trà sữa, ăn vặt và chụp ảnh nhưng không chịu nắm tay, hôn hay có bất kỳ cử chỉ thân mật nào với "người yêu"
Trên trang web Dianping (1 trang web chuyên về các bảng xếp hạng tại Trung Quốc), 1 cửa hàng ở thành phố Thượng Hải được cư dân mạng gọi là "nơi tụ hội các soái ca". Trong đó có video và hình ảnh của nhiều "bạn trai" khác nhau.
Cách đây không lâu, Senna đã nhận được 1 món quà sinh nhật từ người bạn gái - 1 phiếu ưu đãi cho dịch vụ "bạn trai theo ngày". Tấm phiếu tặng kèm 1 chàng "soái ca" và mô phỏng mối quan hệ lãng mạn với cô gái trong 1 ngày.
Vào ngày hẹn hò, ngoại hình cao ráo cùng khuôn mặt sáng của đối phương đã không khiến Senna thất vọng. Tuy nhiên, nếu muốn nắm tay thân mật, cô sẽ phải trả phí 100 tệ (tương đương 350 nghìn đồng)/lần.
Ảnh minh họa
Trong số video đăng trên mạng với chủ đề "bạn trai theo ngày", video có lượng truy cập cao nhất lên tới 2,08 triệu lượt xem, trong đó có nhiều video "trải nghiệm" do các blogger nghiệp dư đăng tải. Không chỉ thuê theo ngày, có người cảm thấy hợp liền không tiếc tiền mà thuê luôn theo tháng để được trải nghiệm lâu hơn.
A Đường, năm nay 22 tuổi, anh là "CEO" trong 1 cửa hàng "bạn trai theo ngày". Cửa hàng mà A Đường làm việc có cài đặt cấp độ bạn trai, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn khác nhau, trong đó có "Ngẫu nhiên", "Kim bài", "Thị trấn" và "CEO", với mức giá tăng dần và có thể cung cấp dịch vụ theo ngày, tuần hay tháng. Về phong cách, mỗi "bạn trai" đều có cá tính riêng, bao gồm kiểu em trai, tổng tài bá đạo, ấm áp, hài hước, v.v...
Theo chia sẻ của A Đường, anh và cửa hàng được chia theo tỷ lệ 50:50. Tức là đối với 1 đơn hàng 100 tệ (tương đương 350 nghìn đồng) anh có thể nhận được 1 nửa, 10 tệ (tương đương 35 nghìn đồng) chi cho nhân viên chăm sóc khách hàng và 40 tệ (tương đương 140 nghìn đồng) còn lại thuộc về cửa hàng. Nếu khách hàng đồng ý "gia hạn đơn hàng", thì chi phí gia hạn sẽ chia theo tỷ lệ 60:40 (cửa hàng vẫn nhận 40%). Ngoài ra, nếu khách hàng muốn xem ảnh và nghe giọng để lựa chọn trước khi đặt hàng sẽ phải trả thêm phí 3 tệ (tương đương 10 nghìn đồng)/người. Cửa hàng còn phục vụ ban đêm từ 0h đến 7h sáng hôm sau, giá gấp rưỡi ngày thường. Nếu phải làm ca đêm, "bạn trai" thường xin thêm tiền bo của khách sau khi kết thúc dịch vụ.
A Đường chia sẻ rằng mình bắt đầu làm công việc bán thời gian này sau khi xem Douyin và mục đích chủ yếu là để kiếm tiền trả học phí, không muốn tạo gánh nặng cho gia đình (Ảnh minh họa)
A Vạn - bạn trai theo ngày ở 1 cửa hàng khác - mới bắt đầu làm công việc trên chưa đầy 1 tuần. Chàng trai 21 tuổi và đến từ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc được giới thiệu là có giọng hát tuyệt vời. A Vạn cho biết thêm, nguồn thu nhập chính của anh là từ những khách hàng "gia hạn đơn hàng".
Các cửa hàng sẽ đánh giá tổng thể xếp hạng của "bạn trai" dựa trên số lượng đơn đặt hàng mà họ nhận được, gia hạn đơn hàng hàng tháng, giọng nói cá nhân có lượt nghe nhiều nhất, tính cách, ngoại hình, thái độ phục vụ và phản hồi của khách hàng.
"Chúng tôi sẽ bắt đầu làm từ cấp thấp nhất. Nếu các thành viên trong nhóm (nhóm chat riêng trong cửa hàng) nhận được lượng đơn hàng hàng tháng ít và tỷ lệ gia hạn thấp, họ sẽ bị sa thải." - A Vạn nói.
A Đường tiết lộ rằng "bạn trai" bán thời gian có 1 nhóm làm việc, nơi mọi người thường chia sẻ kinh nghiệm thú vị mà họ gặp phải trong công việc và học hỏi lẫn nhau, bởi đa phần trong số họ đều là sinh viên đại học.
Theo quy định của cửa hàng, các ứng viên không được phép sử dụng hình ảnh trên mạng vì còn phải ra ngoài gặp khách (Ảnh minh họa)
"Thực ra nếu cửa hàng cho rằng khuôn mặt của bạn không hợp mắt khách hàng lắm, thì cũng sẽ cho phép bạn chỉnh sửa đôi chút để tăng lượt tương tác." - A Đường nói.
Bên cạnh những nghi ngờ về danh tính hay gương mặt thật của các "bạn trai", thì nhu cầu của các "khách hàng" cũng rất kỳ quái. Thậm chí, 1 số còn khiến "bạn trai" cảm thấy không thể chiều nổi.
Chẳng hạn như A Vạn đã từng nhận được 1 đơn đặt hàng lạ - 1 khách hàng muốn trải nghiệm dịch vụ bị "bạn trai" mắng chửi; thậm chí còn có 1 chàng trai muốn trải nghiệm dịch vụ thuê "bạn trai theo ngày". Còn A Đường gặp phải 1 khách hàng tự nhận mình mắc bệnh trầm cảm, rồi còn gửi chẩn đoán của bác sĩ cho anh. Và trong suốt 1,5 tiếng đồng hồ, người đó liên tục kể cho A Đường nghe về tuổi thơ bi thảm của mình. Ngoài ra, còn có cả những trường hợp "bạn trai" nảy sinh quan hệ tình cảm với khách hàng nữ, sau khi chia tay, người phụ nữ sẽ quay lại phàn nàn với cửa hàng.
Ảnh minh họa
Hi Bồi Thực, giáo viên Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, đồng thời là Phó tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Luật vị thành niên của Hội Luật Thượng Hải cho rằng, hành động thuê 1 "người nam (nữ) theo ngày" là 1 hợp đồng tương tự như hợp đồng lao động giữa 2 bên dưới góc độ pháp lý, người thuê trả tiền công, còn "bạn trai" hoặc "bạn gái" cung cấp các dịch vụ thông thường như trò chuyện, đi mua sắm.
Nhưng cần lưu ý rằng hoạt động của dịch vụ "phải tuân thủ pháp luật và không vi phạm trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục". Ông cho biết trong quá trình cung cấp dịch vụ, nền tảng với tư cách là bên trung gian cung cấp dịch vụ nên kiểm duyệt chặt chẽ "nội dung", nếu có bất kỳ hoạt động phạm pháp hoặc phạm tội nào xảy ra, phía nền tảng cần phải chịu trách nhiệm giám sát tương ứng. Do đó, từ quan điểm tránh rủi ro và đảm nhận trách nhiệm xã hội, nền tảng nên cấm giới thiệu dịch vụ như vậy với các cá nhân.
"Các bạn trẻ nên trân trọng tình cảm của mình và người khác, tránh làm gì hối hận về sau." - Ông Hi Bồi Thực nói.
Tống Đông Vĩ, cố vấn của Khoa Vận tải Thương gia thuộc Đại học Hàng hải Thượng Hải lại cho rằng, hành vi thuê người yêu chủ yếu do 2 nguyên nhân. 1 là do quan điểm của họ chưa trưởng thành và bị ảnh hưởng xấu từ xã hội, 2 là do thiếu cảm xúc.
Ông tin rằng có những yếu tố rất khó kiểm soát trong hoạt động "bạn trai theo ngày", chẳng hạn như có sự xuất hiện của giao dịch tiền bạc, và có thể có sự xuất hiện của việc quan hệ tình dục không chính đáng. Mặc dù "bạn trai theo ngày" có những giao dịch tiền bạc rõ ràng, nhưng chỉ cần không có bằng chứng chứng minh họ có quan hệ khác thì rất khó để quản lý.
Hiện loại hình hẹn hò mới trên đang được các cơ quan chức năng Trung Quốc nhập cuộc theo dõi để tránh những biến tướng không đáng có, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường hẹn hò lành mạnh.
Nguồn: QQ, Sohu