Ngày mai (9/10), TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 33 bị cáo trong vụ án khai thác hơn 3,1 triệu tấn than trái phép tại mỏ than ở xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Cách đây 1 tháng, phiên toà này được mở nhưng phải tạm hoãn do vắng mặt một số luật sư bào chữa cho bị cáo và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong vụ án này, hai anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (cổ đông Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" và "Mua bán trái phép hóa đơn".
Thanh và Giang là hai "đại gia" chơi lan ở Quảng Ninh, từng nổi tiếng trên mạng khi tổ chức giao dịch một cây lan đột biến với giá 250 tỷ đồng.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty Yên Phước) bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Các bị cáo từ trái qua phải: Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh (Ảnh: Bộ Công an).
Ngoài ra, các bị cáo Nguyễn Ngô Quyết (SN 1974, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Văn Phong (SN 1960, nguyên Trưởng phòng thuộc Sở Công Thương); Đỗ Huy Cương (SN 1982, nguyên Trưởng phòng Sở Công Thương); Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1966, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Thế Giang (SN 1974, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT); Lại Trung Hiếu (SN 1975, nguyên Phó Trưởng phòng thuộc Sở TN&MT); Cao Sỹ Linh (SN 1975, cựu chuyên viên Sở TN&MT) bị truy tố về các tội "Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, Công ty Yên Phước được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do bà Châu Thị Mỹ Linh là Tổng giám đốc.
Công ty Yên Phước sau đó được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép khai thác than trong khu 59ha ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đến giữa năm 2031 với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn một năm.
Tuy nhiên, Linh đã "cấu kết" với Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Giang - Bùi Hữu Thanh góp vốn, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.
Tính đến thời điểm bị khởi tố, nhóm người này đã khai thác tổng số hơn 3 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm. Trong đó, có 2,7 triệu tấn than; 420.000m3 bã sàng và đá đen.
Để che giấu hoạt động khai thác than trái phép, vượt quá trữ lượng, Linh và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã tạo lập khống các hợp đồng khai thác than với sản lượng 8.000 tấn/năm; hợp đồng mua bán thành phẩm sau khai thác, và nhiều hóa đơn, chứng từ, nhằm hợp thức việc kê khai, báo cáo với các cơ quan chức năng.
Linh còn chỉ đạo cấp dưới lập và ký với Bùi Hữu Khoa (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương) các biên bản nghiệm thu khối lượng than nguyên khai được khai thác hàng tháng chỉ từ 900 đến 1.400 tấn, để phù hợp với sản lượng khai thác ghi tại hợp đồng khống và phù hợp với số lượng than được phép khai thác hàng năm.
Quá trình điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.
Các bị cáo Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang và đồng phạm khai nhận, để hợp thức số than khai thác và tiêu thụ trái phép, các bị cáo này đã mua 475 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị gồm cả thuế lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn tiền để trả cho việc mua hóa đơn chủ yếu lấy từ tiền bán than lậu.
Cũng theo cáo trạng, để xảy ra việc khai thác trái phép mỏ than Minh Tiến, một số cựu lãnh đạo tại Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều vi phạm, trong đó, tại 4 lần kiểm tra, các sai phạm của nhóm khai thác lậu đều bị bỏ qua.
Bên cạnh đó, một số cựu lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cũng vi phạm trong việc thẩm định, tham mưu và ký ban hành Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt quá khối lượng được phê duyệt trước đó, "tạo điều kiện" cho doanh nghiệp có vật liệu nổ công nghiệp để sử dụng khai thác than trái phép.
Cựu Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngô Quyết khai đã nhận 100 triệu đồng từ Châu Thị Mỹ Linh để tổ chức Đại hội Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Thái Nguyên (do Quyết làm Chủ tịch Liên đoàn).
Liên quan tới vụ án trên, cơ quan chức năng cũng xác định, hành vi cấp giấy phép khai thác cho Công ty Kim Sơn và chuyển nhượng cho Công ty Yên Phước; cấp giấy phép khai thác cho Công ty Yên Phước đã thực hiện không đúng quy định; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về Đảng, hành chính theo quy định của pháp luật đối với 9 cá nhân.
Trong số đó có ông Dương Ngọc Long (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên); Đặng Viết Thuần (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh) và Dương Văn Khanh (nguyên Giám đốc Sở TN&MT) cùng một số cá nhân khác.