Trong cuộc sống với bộn bề lo toan, xô bồ thì điều khiến người ta có thể vững vàng vượt qua mọi khổ ải có lẽ là tình yêu. Và tình yêu thương cũng là thứ duy nhất trên thế giới này có thể hàn gắn tất cả mọi vết thương. Nó là sợi dây để kết nối hai người bất kể bạn là người không có ngoại hình, khuyết tật nhưng vẫn luôn có người bạn đời ở bên cạnh chăm sóc, lo toan...
Tình yêu cũng góp thêm sức mạnh để những cặp đôi chiến thắng khoảng cách về địa lí, về thời gian để đưa hai người đến gần nhau hơn và có được kết thúc ngọt ngào.
Đó có lẽ là đám cưới nhiều nước mắt nhất ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chú rể làm nhiệm vụ ở Trường Sa, theo lịch sẽ về trước ngày cưới ba ngày, nhưng bất ngờ sóng to gió lớn không về kịp. Nhẫn cưới đã không được trao trong ngày này...
Đám cưới không có màn cắt bánh, rót rượu, nhẫn cưới cũng chẳng được trao, đến một tấm ảnh cưới cũng không có nốt. Hình ảnh cô dâu diện váy voan màu trắng, bố mẹ hai bên gia đình cùng quan khách đều đã có mặt đầy đủ, duy chỉ có chú rể là không thấy bóng dáng được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người khó hiểu. Nhiều người làng liên tưởng đến một đám cưới thời chiến chinh.
Đám cưới không có sự xuất hiện của chú rể.
Theo tìm hiểu được biết, cô dâu ngồi một mình buồn bã trong tấm ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội là Dương Thị Ly Na, một cô giáo mầm non ở Quảng Trị. Còn chú rể là Thượng úy Nguyễn Văn Đức, cùng quê Quảng Trị nhưng hiện đang công tác tại lực lượng Không quân của đơn vị Hải quân đóng tại Khánh Hòa, làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.
Theo lịch đã đặt tàu về nhưng khi chuẩn bị về thì thời tiết thay đổi, ảnh hưởng xấu tới chuyến đi và chú rể đành phải ở lại. Đám cưới đã mời quan khách nên không thể nào hoãn và rồi chỉ có một mình cô dâu đứng đó, cười gượng vì buồn, vì tủi và vì nhớ chồng khiến ai đến cũng phải lau nước mắt vì thương cô.
Bạn bè đến chúc phúc cho cô dâu, nhưng trong lòng Ly Na không lúc nào thôi lo lắng cho chồng.
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Nở, mẹ của cô dâu chia sẻ, con gái và con rể của mình yêu nhau cũng đã gần 7 năm qua sự "mai mối" của một người bạn. Lúc đó, chàng trai Đức vào Huế luyện thi và tình cờ gặp được cô sinh viên năm nhất trường Đại học Sư phạm Huế.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Đức đã thầm yêu cô sinh viên vừa đẹp người, lại đẹp nết. Không lâu sau đó, anh Đức thi đậu vào Học viện Hậu Cần và phải ra Hà Nội học. Kể từ đó, đôi uyên ương này cũng đã quen với việc yêu xa. Rồi đến ngày ra trường, họ lại tiếp tục chịu cảnh nghìn trùng xa cách khi anh Đức ra đầu sóng ngọn gió, nhận nhiệm vụ giữ từng tấc đất hải đảo của Tổ quốc, còn Ly Na về với tiếng ê a của lớp học mầm non trong làng.
Không có chú rể, Ly Na vẫn gượng cười bên bè bạn.
Suốt 6 năm yêu xa, họ chủ yếu nói chuyện, quan tâm nhau qua điện thoại, máy tính. Thế rồi, sau gần 7 năm yêu nhau, Ly Na - Văn Đức quyết định "về chung một nhà" bằng lễ tổ chức lễ ăn hỏi từ cách đây hơn một năm.
Cũng kể từ đó đến nay, do đặc thù công việc ngoài hải đảo của anh Đức, nên 2 người chưa được gặp lại nhau. Dù biền biệt xa cách, nhưng cô giáo mầm non xinh đẹp vẫn một lòng chung thủy với chàng lính biển.
Bức ảnh hiếm hoi mà Ly Na và Văn Đức chụp chung. Ảnh Facebook nhân vật.
Nói về tình yêu của mình, Ly Na chỉ nói rất ngắn gọn, giữa 2 người chỉ có tình yêu thôi. "Mình đã xác định làm vợ lính đảo rồi thì phải luôn mạnh mẽ để chồng không phải bận tâm lo lắng điều gì ngoài việc canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng cho Tổ quốc. Mình nhớ khi làm lễ trên sân khấu, nhìn xuống thấy nhiều người lau nước mắt, họ thương mình trống trải trong ngày lấy chồng, thương cả anh đang phải vật lộn với sóng gió ngoài khơi xa".
Sau khi câu chuyện của cô dâu cùng chú lính đảo được chia sẻ, dân mạng càng khâm phục cô dâu thì lại càng ngưỡng mộ cho một tình yêu đẹp, cũng đầy sự cảm thông cho người lính luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tất cả những ai đọc được câu chuyện này đều mong anh chị về sau có cuộc sống hạnh phúc, mãi mãi hiểu và yêu thương, thông cảm cho nhau.
Chuyện tình yêu của chị Nguyễn Thị Thu Trang (39 tuổi, Phú Thọ) và anh Nguyễn Văn Trung (39 tuổi, quê Yên Bái) vẫn được ví như chuyện cổ tích giữa đời thường. Cưới nhau được 3 tháng, anh Trung bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người khác.
Anh Nguyễn Văn Trung và chị Nguyễn Thị Trang đến với nhau từ sự đồng điệu về hoàn cảnh sống, nhưng cuộc hôn nhân của họ gặp phải nhiều khó khăn.
Mặc kệ mọi người “nói vào ra”, khuyên đi bước nữa, chị Thu Trang (39 tuổi, Phú Thọ) vẫn gắn bó, tần tảo chăm sóc chồng bị liệt, phải nằm một chỗ. Chị bảo, có lúc bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn anh cười, chị lại có thêm động lực để cố gắng…
Từ đó đến nay, ròng rã gần 10 năm, chị Trang thuê nhà trọ ở Hà Nội, tần tảo làm đủ mọi việc để có tiền chạy chữa và chăm sóc chồng. Người phụ nữ có thân hình nhỏ thó chỉ nặng 35 kg, cao 1,5m khuôn mặt khắc khổ liên tục bật khóc khi nhắc về những ngày tháng đã qua.
Chị làm đủ nghề, bán nước, bán ngô,... cố gắng kiếm tiền nuôi chồng bệnh tật. Gần đây, chị được tuyển vào làm công nhân bán thời gian cho một xưởng giấy bên Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, có mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Chị nghỉ ngày nào, bị trừ lương ngày đó.
Mỗi sáng, chị thức dậy vào 5h30, gọi anh rồi xoa bóp chân tay cho chồng. Sau đó, với thân hình chỉ nặng 35kg, chị xốc nách anh, kéo lê tới chiếc ghế trong góc phòng để anh ngồi chơi. Chị lủi thủi ra đầu ngõ mua đồ ăn sáng, về nhẹ nhàng bón cho chồng ăn, trước khi dắt chiếc xe máy cũ mèm phóng hơn 6km đến chỗ làm.
12h trưa tan ca, chị về nhà, hết hơn 20 phút, chưa kịp nghỉ ngơi đã vội lao vào nấu cơm cho anh. Nếu anh ăn nhanh, chị sẽ có thời gian "đánh" vội bát cơm. Còn không, chị phải ăn tạm bánh ngọt hoặc nhịn đói, để kịp 13h30 ca làm chiều.
Gần 10 năm bên nhau, chị Trang và anh Trung không thể có con. Chị bảo, cũng có những lúc chạnh lòng, nghe tiếng trẻ con khóc, chị cũng mong lắm nhưng bản thân “bất lực, không biết phải làm sao”. "Nếu có con, ai sẽ nuôi nó, ai sẽ chăm sóc nó. Bố mẹ tôi và bố mẹ anh đều đã li hôn, gia cảnh phức tạp. Tôi biết, sau này khi về già, 2 vợ chồng sẽ rất đau khổ, vì không có ai bầu bạn và chăm sóc. Tôi không còn con đường nào khác, hay có thể bấu víu vào ai, chỉ mình tôi cố gắng từng ngày bên anh".
Chị yêu và thương anh, nhiều đến mức không thang đo nào đong đếm nổi.
Người đời khuyên chị nên "tái giá", tìm cho mình một con đường hạnh phúc mới. Chị tận nghĩa với anh 10 năm qua, thế là đủ rồi. Nhưng chị chỉ im lặng."Bây giờ nếu không có anh, tôi không sống nổi, vì đến nay chúng tôi đã gắn bó với nhau trên một chặng đường dài. Dẫu rằng người ta muốn tốt cho tôi nên mới khuyên như thế, nhưng quyền quyết định lại ở tôi. Tôi không thể bỏ anh, tôi không muốn lương tâm mình bị cắn rứt. Mỗi ngày trôi qua, không ai có thể nói trước được điều gì".
Chị không có ước mơ cho riêng mình, vì chị nói cuộc đời chị đến giờ không còn gì phải hối tiếc. Chị có một người chồng luôn bên cạnh nghe chị tâm sự đủ thứ chuyện. Mỗi ngày đi làm về, vẫn được nhìn thấy anh là chị mãn nguyện lắm rồi
Đám cưới hạnh phúc của "cặp đôi tí hon" như học sinh tiểu học
Ngoại hình chưa bao giờ là vấn đề cản trở bạn đến với một tình yêu thực sự và minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là đám cưới cổ tích của "cặp đôi tí hon" có ngoại hình chẳng khác nào học sinh tiểu học.
Hình ảnh cưới của cặp đôi tí hon khiến nhiều người ngưỡng mộ
Theo tìm hiểu, tân nương có tên Lê Thị Diễm My (30 tuổi), cao 1,18m nặng 18kg đến từ Bình Thuận, còn chú rể tên Nguyễn Văn Hùng, 31 tuổi, cao 1,20m, nặng 20kg, quê Nghệ An.Như bao cặp đôi khác, trong ngày trọng đại anh Hùng diện vest đen lịch lãm sánh bước bên cô dâu diện chiếc váy trắng tinh khôi. Xung quanh họ là rất đông bạn bè, người thân có mặt chúc phúc.
Hùng vốn sinh ra ở vùng quê nghèo của huyện Nam Đàn, từ khi lên 7 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lùn tuyến yên vì thiếu hoóc môn tăng trưởng. Kể từ đó đến nay, chàng trai 31 tuổi này chỉ cao 1,17m.
Chia sẻ về bản thân, Hùng cho biết, sau khi học hết cấp 3, anh ra Trung tâm Nghị lực sống ở Hà Nội (trung tâm giáo dục cho người khuyết tật) học Trung cấp Kỹ thuật tin học. Những năm tháng sống xa nhà Hùng buồn vì nhớ gia đình, lại tự ti về ngoại hình nên chàng trai chỉ biết tự động viên bản thân cố gắng vươn lên.
Cô dâu - chú rể rạng rỡ trong ngày trọng đại.
Có trình độ tin học tốt, Hùng sau đó được giữ lại trường làm người quản lý đào tạo, giáo viên dạy công nghệ thông tin ở đây.Còn Diễm My, cô cùng mắc chứng bệnh như Hùng. Trong một lần nhìn thấy Hùng xuất hiện trên tivi chia sẻ về câu chuyện của bản thân, My đã đem lòng cảm mến và ngưỡng mộ.
Trong mắt cô, chàng trai bé xíu ấy đầy nghị lực và tài giỏi. My chủ động liên hệ với anh, thổ lộ tình cảm nhưng anh từ chối.
Bằng quyết tâm của mình, My xin ra Hà Nội học nghề tại Trung tâm Nghị lực sống, nơi anh đang làm việc để được gần anh hơn. Tuy nhiên, anh Hùng vẫn luôn tránh mặt và hạn chế liên lạc với cô.
Quá buồn và tủi hổ bởi ở nơi "đất khách quê người", vừa không có người thân, vừa bị từ chối tình cảm nên suốt 3 ngày liên tục My đã uống bia. Trong cơn say, cô gọi cho anh nấc nghẹn ngào. Những người bạn khác đã nhờ anh hỏi thăm và động viên cô. Cơ duyên này khiến đôi trẻ gần nhau hơn, ngày càng gắn bó và có cái kết đẹp của ngày hôm nay.
Qua những lần gặp gỡ, hò hẹn, hai trái tim đã được gắn kết, chung nhịp đập. Sau 3 năm tìm hiểu, được sự ủng hộ của gia đình hai bên, đầu tháng 11/2019, Hùng và My quyết định nên duyên vợ chồng.
Ngay sau khi những hình ảnh trong đám cưới của cặp vợ chồng "tí hon" khiến nhiều người xúc động, đồng thời không quên gửi lời chúc phúc khi cả hai đã vượt qua tất cả để chung sống bên nhau.