Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre, xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam). Ảnh: Hữu Nghĩa
Phong trào Đồng khởi ngày 17-1-1960 là sự kiện chính trị nổi bật, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ngày 17-1-1960, Đồng khởi nổ ra đồng loạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Định Thủy là nơi nổi dậy đầu tiên ở ba xã điểm (Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh), do Tỉnh ủy chỉ đạo, hàng ngàn đồng bào trương cờ, đốt đuốc họp mít-tinh mừng thắng lợi. Từ tay không vùng dậy, nhân dân có lực lượng vũ trang và bước đầu hình thành cách tiến công địch bằng hai chân, ba mũi.
Từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và chiến tranh nhân dân ở địa phương, ở Bến Tre, các đội du kích ra đời và phát triển, đã bám trụ tại xã, ấp cùng với bộ đội địa phương và nhân dân thực hiện chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trong đó có một cánh quân đặc biệt, đó là "Đội quân tóc dài" do Nữ tướng Nguyễn Thị Định lãnh đạo.
Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre đã làm sáng tỏ tính đúng đắn và kịp thời của đường lối cách mạng mà Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 đã vạch ra và là kết quả của sự lãnh đạo sáng tạo và linh hoạt của Đảng bộ, tinh thần kiên cường, quật khởi của nhân dân Bến Tre.
Trong phong trào Đồng khởi, quân và dân Bến Tre đã sáng tạo ra và phát triển nghệ thuật tiến công địch một cách độc đáo, thể hiện rõ nét sự kết hợp hai chân: chính trị, quân sự và ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận. Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre mở đầu cho cao trào tiến công và nổi dậy của quân và dân toàn miền Nam, qua đó chuyển tình thế cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch.
Sau giải phóng năm 1975, Bến Tre cũng như nhiều nơi khác ở miền Nam rơi vào cảnh hoang tàn, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội bị bom đạn tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, vận dụng kinh nghiệm và bài học từ Đồng khởi năm 1960, nhằm khơi dậy và huy động sức mạnh tổng hợp vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.
Kết quả qua gần 20 năm thực hiện phong trào "Đồng khởi mới", mọi mặt văn hóa, kinh tế - xã hội Bến Tre phát triển nhanh chóng, trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã dấy lên và lan tỏa tinh thần "Đồng khởi mới", nêu cao tinh thần đoàn kết, chung lưng đấu cật, đồng lòng triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nói riêng, các phong trào hành động cách mạng nói chung đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Nhất là kể từ cuối năm 1986 trở đi, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế cả nước và địa phương chuyển từ tập trung quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh doanh, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nguồn lực lao động địa phương thật sự được giải phóng.
Hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh thực hiện phong trào "Đồng khởi mới", tập trung cao cho các hoạt phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển địa phương, đạt được nhiều thành tựu mới. Từ ý nghĩa lịch sử quan trọng của phong trào Đồng khởi năm 1960, việc kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng khởi 17-1 luôn được quan tâm, chú trọng bằng các văn bản cụ thể.
Việc công nhận ngày truyền thống tỉnh Bến Tre có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, giúp mọi người hiểu đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bến Tre, truyền thống lịch sử của địa phương, lịch sử hình thành vùng đất, khắc sâu những sự kiện lịch sử, những chiến công, những tấm gương anh hùng, những địa danh lịch sử, những giá trị cao đẹp, trân quý đã được cha ông dày công vun đắp; góp phần nâng cao nhận thức về dân tộc, cộng đồng, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tiền nhân, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đó là tinh thần Đồng khởi trong chiến đấu và phong trào Đồng khởi mới trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước.
Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày truyền thống sẽ có ý nghĩa rất lớn đến công tác giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.