Theo thông báo tối ngày 10/1, trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, chủ yếu thuộc lĩnh vực kỹ thuật gồm: Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý). Trong đó, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo dự kiến tuyển 100 sinh viên mỗi ngành, còn lại chỉ tiêu là 50 sinh viên/ngành.
Trong số đó, ngành Hệ thống thông tin được các bạn sĩ tử vô cùng quan tâm. Ngành Hệ thống thông tin (HTTT) là ngành học tập trung vào thiết kế, quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong tổ chức, doanh nghiệp với các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như biết cách làm cho doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh và hoạt động hiệu quả. Đây là một trong những chuyên ngành của Công nghệ thông tin tuy nhiên bạn phải học nhiều môn về kinh doanh hơn. Bạn có thể nghĩ về ngành IS như một ngành có 50% IT và 50% business.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Chuyên ngành đào tạo Hệ thống thông tin hướng đến mục tiêu đào tạo các cử nhân có khả năng thu thập thông tin, thống kê và khai thác các khía cạnh thuộc lĩnh vực thông tin. Cử nhân sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng nắm vững kiến thức chuyên ngành và được thực hành rèn luyện kỹ năng thông thạo. Khi đó họ sẽ có nhiều cơ hội để ứng tuyển vào các công ty ở nhiều vị trí khác nhau.
Một số khối thi được xét tuyển vào ngành Hệ thống thông tin như sau: Khối A00: Toán - Lý - Hóa; Khối A01: Toán - Lý - Anh; Khối C01: Văn - Toán - Lý; Khối D01: Văn - Toán - Anh; Khối D10: Toán - Địa - Anh...
Các trường đào tạo về ngành Hệ thống thông tin nổi tiếng hiện nay có thể kể đến như: Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM; Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP. HCM; Đại học Công nghiệp TP. HCM; Học viện Tài chính...
Ảnh minh họa
Lập trình viên: Định hướng nghề nghiệp được nhiều cử nhân Hệ thống thông tin lựa chọn nhiều nhất chính là trở thành một lập trình viên. Đây cũng là vị trí được tuyển dụng nhiều hiện nay.
Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin: Bạn sẽ đảm nhận vai trò khảo sát, thu thập để đưa ra các đề xuất, giải pháp hoàn thiện cho các quy trình, giao diện của hệ thống phần mềm. Bên cạnh đó, còn phối hợp với các bộ phận khác để chuyển giao thông tin liên quan đến dự án. Hơn thế nữa, đảm nhận công việc này, bạn còn tham gia vào kiểm thử chất lượng phần mềm, sản phẩm trước khi chuyển giao.
Chuyên viên phát triển ứng dụng cho hệ thống thông tin: Đảm nhận vị trí này, bạn sẽ phụ trách vấn đề nghiên cứu, phát triển các ứng dụng mới, đồng thời sẽ quản lý, kiểm thử và vận hành hệ thống hoạt động ổn định.
Kỹ sư quản lý hệ thống: Bạn sẽ có trách nhiệm thiết kế ra các phần mềm, vận hành, quản lý và xử lý các lỗi hệ thống. Không những vậy còn phải đảm bảo an toàn bảo mật cho dữ liệu, ngăn chặn các tấn công bất hợp pháp từ bên ngoài.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, còn rất nhiều vị trí phù hợp với kỹ năng và trình độ của bạn như: Giảng viên; Quản trị viên máy chủ và mạng; Quản trị viên các hệ cơ sở dữ liệu; Chuyên viên triển khai, vận hành các hệ thống ERP, CRM..; Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống; Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin...
Hiện nay, mức lương trung bình của cử nhân mới ra trường chuyên ngành Hệ thống thông tin sẽ giao động tùy thuộc vào kinh nghiệm làm việc, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và vị trí công việc, cụ thể:
- Kinh nghiệm từ 1 - 2 năm: Mức lương bình quân giao động từ 15 - 20 triệu/tháng.
- Kinh nghiệm từ 3 - 5 năm: Mức lương bình quân sẽ giao động từ 25 - 35 triệu/tháng.
- Đối với kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên: Lúc này bạn sẽ đảm nhận các vị trí quan trọng trong bộ phận cũng như của doanh nghiệp, mức lương tại thời điểm này sẽ từ 35 triệu trở lên/tháng.
Tổng hợp