Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, Marketing & Quan hệ công chúng (PR) đang trở thành ngành "hot" khi điểm chuẩn đầu vào cao chót vót. Điểm chuẩn ngành báo chí CTĐT CLC của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là 28.5, điểm chuẩn ngành quan hệ công chúng của Đại học Kinh tế quốc dân là 28.6 và ngành Marketing là 28đ. Như vậy, thí sinh đăng ký vào các chuyên ngành này cần đạt số điểm trung bình mỗi môn là từ 9 đến 9,5 điểm. Đây là mức điểm chuẩn rất cao.
Ngành truyền thông, marketing là nhóm ngành đang có sức hút lớn đối với các thí sinh đại học trong những năm gần đây. Trong 3 năm trở lại đây, điểm chuẩn vào ngành này luôn ở mức cao và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Vậy, vì sao ngành học này có gì thú vị mà có sức hút lớn như vậy.
Cơ hội việc làm rộng mở
Ngành marketing hiện đại được hình thành từ những năm 1950. Marketing là phần giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hầu hết mọi tổ chức kinh doanh trên thế giới. Marketing ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động bán hàng của doanh nghiệp. Ngày nay, những công ty về truyền thông, quảng cáo, marketing tại Việt Nam ngày càng nhiều, nhu cầu tuyển dụng nhân lực cũng không hề nhỏ.
Ngày nay, với sự phát triển của Internet, kỷ nguyên Digital Marketing đã bắt ngoài kênh truyền thống là Tivi, Marketing hiện đại ngày nay sử dụng các kênh online khác để truyền thông điệp và sản phẩm của mình đến với khách hàng nhanh hơn. Vì thế mà cơ hội việc làm ngành marketing càng được mở rộng và thu hút nhiều học sinh, sinh viên theo học ngành này.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, ngành truyền thông, marketing đang có nhiều cơ hội rộng mở cho người trẻ. Theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho đến 2025, ngành Marketing sẽ cần tới 21.600 lao động trở lên mỗi năm. Kết quả khảo sát thông số nhân lực trực tuyến Việt Nam cũng cho thấy, ngành marketing vẫn tiếp tục dẫn đầu trong 6 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.
Theo giới thiệu về ngành tuyển sinh của khoa Marketing, trường ĐH Kinh tế quốc dân, sinh viên những kiến thức và kỹ năng gắn liền với các công việc của một chuyên gia marketing, chuyên gia kinh tế-quản trị kinh doanh, kiến tạo và phát triển thị trường. Sau khi ra trường, bạn có cơ hội trở thành chuyên viên nghiên cứu thị trường, chuyên viên sáng tạo, truyền thông, định giá, bán hàng, phân phối trong môi trường thực và môi trường internet… Hoặc chuyên gia truyền thông, hoạch định chiến lược quan hệ công chúng, làm việc trong bộ phận marketing, truyền thông, thương hiệu của các cơ quan nhà nước hoặc tư nhân…
Ngành truyền thông, marketing sẽ phù hợp với những người có tính cách hướng ngoại, năng động, yêu thích các hoạt động cộng đồng…
Mức lương hấp dẫn, cơ hội có nhiều nguồn thu nhập
Công việc trong ngành truyền thông Marketing đòi hỏi sự sáng tạo, năng động và không ngừng học hỏi. Vì thế, mặc dù cơ hội việc làm rộng mở nhưng tỉ lệ cạnh tranh trong ngành khá cao. Ngành truyền thông, marketing luôn ở trong top những ngành hot và có mức lương ổn định nhất. Nếu bạn làm trong công ty nước ngoài, mức lương của bạn có thể lên tới hàng nghìn đô la.
Khảo sát tại các trang tin tuyển dụng hiện tại cho thấy, lương trung bình của chuyên viên Marketing, truyền thông có mức khởi điểm từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng. Đối với vị trí quản lý từ cấp trưởng phòng, mức lương có thể lên tới 25 đến 30 triệu đồng/tháng. Đối với vị trí giám đốc Marketing của một công ty, mức lương có thể lên tới 45 - 50 triệu đồng, hoặc thỏa thuận tùy theo năng lực.
Theo phân tích của trang tuyển dụng Indeed, mức lương trung bình của một Marketer ở Mỹ là khoảng 61.377 USD/ năm (tương đương với 1,4 tỷ đồng).
Cũng như các ngành nghề khác, muốn thăng tiến lên vị trí cao bạn phải trải qua thời gian cống hiến, thành tích đạt được, những kỹ năng cần có của nhân viên Marketing, cũng như những đóng góp cho công ty. Bởi vậy, bạn cần có thời gian khoảng 2 -3 năm để tích lũy kinh nghiệm và thể hiện năng lực bản thân, nắm bắt cơ hội thăng tiến trong công việc.
Ngoài ra thành công trong lĩnh vực truyền thông, Marketing còn được tính bằng những dự án, chiến lược tạo sức ảnh hưởng lớn. Số dự án thành công của bạn sẽ tỷ lệ thuận với cơ hội thăng tiến. Những người thực sự cố gắng và tài năng có thể đạt được vị trí giám đốc Marketing trong 5 năm…
Theo anh Trần Thanh Phong, phụ trách bộ phân truyền thông thương hiệu tại Gia sư eTeacher - TP Hồ Chí Minh, ngành truyền thông marketing trong vài năm gần đây hot, có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều và năm nay có điểm chuẩn cao top đầu bởi các yếu tố:
"Sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội và các hình thức marketing mới, đa dạng và hiện đại, đặc biệt là Digital Marketing, khiến ngành này trong mắt các bạn sinh viên vô cùng thú vị. Một ví dụ mà ai cũng thấy là sự vươn lên ngoạn mục của mạng xã hội TikTok trong giai đoạn dịch Covid-19, sự ra đời của hàng loạt TikToker cũng như các hình thức quảng bá thương hiệu được áp dụng trên kênh này.
Thứ hai, công ty nào cũng cần người làm Truyền thông – Marketing. Không chỉ làm giỏi, sáng tạo mà còn phải thích ứng nhanh và nắm bắt xu thế không ngừng thay đổi của thị trường, nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự trẻ của ngành này trong tương lai là rất lớn và các có mức thu nhập vô cùng cạnh tranh.
Ngành truyền thông marketing luôn khát nhân lực
Thứ ba, các bạn sinh viên hiện nay đều là thế hệ thuộc nhóm GenZ và các bạn GenZ được đánh giá là những công dân toàn cầu, không thờ ơ với những vấn đề xã hội, thích trải nghiệm những điều mới mẻ và luôn biết sáng tạo nội dung, biến những thứ giản đơn thành thú vị. Do đó ngành Truyền thông – Marketing rất phù hợp với tính cách của thế hệ này.
Bên cạnh đó, bằng trải nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy công việc của ngành này rất linh hoạt, năng động và hay được đi đây đi đó, có thể làm từ xa hay thậm chí là nhận thêm việc tay trái "Freelancer (Công tác viên) để gia tăng thu nhập".
Theo anh Phong, các bạn trẻ ngày càng năng động, có kiến thức và nắm bắt nhanh xu thế của thị trường. Kết quả tuyển sinh năm học này cho thấy xu hướng lựa chọn các ngành học liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thiết kế ngày càng thu hút nhiều thí sinh đăng ký, khiến cho điểm chuẩn của các ngành học này tăng khá cao. Và rõ ràng, xu thế này rất đúng với nhu cầu thị trường và tích cách của thế hệ GenZ.