Trong tổng số chi phòng chống dịch, có 8.400 tỷ đồng cho mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch; 13.100 tỷ đồng chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vaccine tiêm phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020; thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đến nay, Quỹ đã huy động được khoảng 8.000 tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25.000 tỷ đồng.
Để bước đầu thực hiện chiến lược vaccine mở rộng, ngày 30/6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7.650 tỷ đồng để mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch, tăng chi đầu phát triển và giảm bội chi NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bảo đảm nguồn kinh phí NSNN để thực hiện các chính sách này.
Về tổng chi ngân sách, Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán.
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Dù vậy, riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt gần 33,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.
Để gỡ vướng về đầu tư công, Bộ Tài chính chủ động tổ chức hội nghị trực tuyến với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để rà soát, tháo gỡ khó khăn và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA năm 2021. Đồng thời chỉ đạo hệ thống Kho bạc nhà nước rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục giải ngân, tạo thuận lợi khuyến khích các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành, gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc nhà nước.
Bộ Tài chính cho biết do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi), trong đó, cân đối ngân sách Trung ương bội chi khoảng 63.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư gần 150.000 tỷ đồng.