Tại buổi lễ, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết sữa mẹ không chỉ giúp trẻ lớn nhanh và phát triển toàn diện mà còn tăng cường hệ miễn dịch, nhất là trong giai đoạn hệ thống miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện. Những bằng chứng y khoa cho thấy, đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ nhiễm COVID-19, sữa mẹ là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường sức đề kháng, miễn dịch, giúp khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Ý tưởng hình thành một ngân hàng sữa mẹ cho trẻ đến với tập thể y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương khi đại dịch COVID-19 đang cao trào, lúc mỗi ngày bệnh viện có hơn 200 thai phụ trở thành F0. Số trẻ sơ sinh được sinh ra từ thai phụ mắc COVID-19 gia tăng, các bé thiệt thòi, không được về nhà, bởi hầu như tất cả người thân trong gia đình đều là F0. Bên cạnh đó, bệnh viện quá tải khi mỗi ngày có hơn 200 trẻ được sinh ra trong khi năng lực chăm sóc tại đây chỉ là hơn 100 trẻ. Vì vậy, bệnh viện thành lập Trung tâm H.O.P.E để tạm thời nuôi dưỡng trẻ trong khi chờ các bà mẹ âm tính với SARS-CoV-2. Tuy có nhiều chị em phụ nữ tình nguyện làm mẹ, chăm sóc các bé rất kỹ lưỡng nhưng các bé vẫn chịu thiệt thòi khi không có nguồn sữa mẹ.
Ngân hàng sữa bệnh viện Hùng Vương có công suất thanh trùng 62 lít sữa/ngày
Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương đã được thành lập đúng dịp những ngày cao điểm nhất của dịch COVID-19 (tháng 7,8/2021). Sau hơn 9 tháng nỗ lực thì bệnh viện chính thức đưa vào hoạt động, sau khi được thẩm định của Sở Y tế. Với quy mô đầu tư gần 6 tỉ đồng, đây là Ngân hàng sữa mẹ thứ tư của Việt Nam nhưng quy mô lớn nhất nước.