Ngã ngửa với trào lưu app nhắc bài tán tỉnh ở Trung Quốc: Toàn bí kíp thượng thừa, có "gấu" nổi không thì hên xui

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 12:34 25/10/2019

Sau khi trải nghiệm dùng thử ứng dụng giúp tán tỉnh đang nổi lên tại đất nước tỷ dân, hóa ra mọi thứ vẫn chỉ được gán 2 chữ "hên xui" mà thôi.

Nếu cảm thấy mình thuộc tuýp người không giỏi làm quen hoặc xoay xở chiếm cảm tình của người khác giới - đặc biệt là khi tiếp cận với crush - vậy thì hãy thử học tập cách làm của giới trẻ Trung Quốc ngay và luôn. Chỉ có điều, nó hơi khác người một chút: Dựa vào các ứng dụng có sẵn để tư vấn cách tán tỉnh người khác trong mọi tình huống hàng ngày.

Không phải một, mà có tới cả tá ứng dụng như vậy đang nổi lên dành cho các thiết bị smartphone thoải mái tải về, nhận được rất nhiều sự chú ý và tò mò từ thế hệ trẻ. Cách dùng rất đơn giản, chỉ cần nhập một từ khóa chủ đề chính của cuộc nói chuyện vào thanh tìm kiếm, ứng dụng sẽ trả về ngay lập tức những kết quả liên quan tới câu hỏi cũng như cách đáp lời "chất chơi" nhất. Mọi thứ còn lại chỉ là copy, chỉnh sửa tí chút cho hợp bối cảnh và nhắn lại phía bên kia là xong.

Ngã ngửa với trào lưu app nhắc bài tán tỉnh ở Trung Quốc: Toàn bí kíp thượng thừa, có gấu nổi không thì hên xui - Ảnh 1.

Giao diện chính của một app có tên "Romantic Chat Skills Master".

Ngã ngửa với trào lưu app nhắc bài tán tỉnh ở Trung Quốc: Toàn bí kíp thượng thừa, có gấu nổi không thì hên xui - Ảnh 2.

Sau khi nhập xong từ khóa hoặc thông tin câu hỏi liên quan, rất nhiều lời đáp gợi ý được hiện ra.

Hầu hết những ứng dụng này được tạo ra cho người dùng nam tiếp cận và hồi đáp nữ giới là chính. Chúng được xây dựng trên nền tảng "big data" khá công phu, cho phép tự động tìm kiếm, học hỏi, ghi nhớ và xử lý các kết quả liên quan nhất cho người dùng. Tuy nhiên, nó vẫn phụ thuộc phần lớn vào những quan điểm được lập trình sẵn khi ra mắt, vì vậy đôi khi có thể khiến người ta "sởn da gà" vì ý tưởng sến súa và độ sáng tạo không ngừng của các lập trình viên làm ra ứng dụng.

Thử dùng qua đôi chút, dưới đây là một ví dụ được ghi lại, hãy đọc và cảm nhận nhé:

- Cô gái: Chào anh, dạo này anh thế nào?

- Chàng trai: Nhớ em nhiều, em có nhớ anh không?

Thật sự, với cách trả lời được đánh giá có phần vồ vập và "ảo tưởng sức mạnh" quá sớm như vậy, nhiều khả năng vé block một chiều sẽ được tặng cho anh chàng kia ngay và luôn.

"Những ứng dụng này phải chịu trách nhiệm về việc khiến bệnh 'FA' của nhiều người trở nên ngày một nặng hơn," một ý kiến trên Weibo bình luận hài hước.

Theo một số nguồn tin, những câu hồi đáp trong ứng dụng thậm chí được đặt ra bởi những "chuyên gia tư vấn tình yêu", kết hợp với nhiều dữ liệu tổng hợp để cho ra kết quả tốt nhất với tổng cộng tối đa 200.000 ngữ cảnh. Đáng tiếc là đôi khi lý thuyết có sẵn không thể dễ dàng áp dụng mượt mà vào thực tế.

Dù sao, một vài app khác cũng tỏ ra có thêm chút tác dụng khi ngoài chức năng đáp lời tán tỉnh, nó còn cung cấp một kho truyện hài để tăng phần đa dạng cho nội dung gợi chuyện, tránh bị ngộ nhận là kẻ sến súa lý thuyết cứng nhắc mất cảm tình. Ở một diễn biến khác, đôi khi người dùng còn được tư vấn cách phản ứng khi nhận tin nhắn không có emoji, rằng nên dùng một ảnh động GIF để đáp lại và gia tăng không khí sôi nổi.

Ngã ngửa với trào lưu app nhắc bài tán tỉnh ở Trung Quốc: Toàn bí kíp thượng thừa, có gấu nổi không thì hên xui - Ảnh 3.

Cả một rừng tri thức có sẵn nhưng thành công được không chỉ là hên xui...

Tuy nhiên, một trong những hành động phản tác dụng là khi ứng dụng gợi ý các câu đùa gợi tình. Những ứng dụng này được cho là có sự hợp tác bởi những lập trình viên từ các nước phương Tây, với tư tưởng cởi mở hơn và cách dẫn dắt ngôn ngữ cũng khác tiếng Trung. Vì vậy, đây thật sự là một tính năng "phản đam" cực mạnh đối với những ai không nhận thức được tình trạng và tính chất thân thiết của mối quan hệ mình có.

Trường hợp gặp phải thể loại câu hỏi "bẫy" từ phía cô gái, chẳng hạn như "Anh nghĩ sao về bộ đồ này ở shop em thử mặc lên người?", câu trả lời trợ giúp đưa ra từ app có thể gây khá choáng váng đến nỗi xây xẩm mặt mày. Ban đầu, lời đáp được gợi ý "Em thật xinh đẹp, chiếm hết cả spotlight của người khác rồi" thì quá tâng bốc và máy móc, tới lần hai thì quả thật hết thuốc chữa: "Ồ đẹp đó. Em định mua nó cho mẹ mình à". Nếu có ai đó ngây thơ tin vào những câu như vậy, hãy tập cho quen lại với tình trạng độc thân vui vẻ đi là vừa...

Nhưng đó vẫn chưa phải là tình huống tránh bẫy tối thượng nhất. Khi thử tìm kiếm kết quả cho câu hỏi kinh điển "Nếu em và mẹ anh cùng rơi xuống nước và không biết bơi, anh sẽ cứu ai trước?", kết quả thu được là cả một bầu trời tri thức đạt cảnh giới thượng thừa qua 3 cách sau.

- Hỏi ngược lại cô gái để đổi chủ đề sang "Nếu anh và bố em cũng trong tình huống đó, em sẽ làm gì?" rồi đối phó dần sau.

- Gây bối rối bằng loạt giả thuyết gây loạn óc: "Anh sẽ cứu mẹ tương lai của em, bởi mẹ anh sẽ là mẹ dâu tương lai đó, còn em sẽ là mẹ tương lai của con chúng ta." (Tác giả thực hiện thử nghiệm cũng không thể hiểu nổi hàm ý sâu xa tới tận tâm Trái đất của câu gợi ý này)

- Đổi hướng đóng kịch thật đạt và thuyết phục: "Không cứu được 2 người phụ nữ quan trọng nhất đời anh, cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa. Anh cũng nên đâm đầu xuống nước luôn cho xong (chèn thêm emoji khóc lóc bi thương).

Chưa biết đã có bao nhiêu cặp đôi được ghép thành công nhờ những câu gợi ý tán tỉnh thần sầu của các ứng dụng này, chỉ biết một điều rằng chó cứ sủa và đoàn người vẫn cứ đi - cư dân mạng Trung Quốc cứ liên tục chế giễu và không tin vào kết quả, nhưng vẫn có hàng triệu lượt tải về giúp những ứng dụng đó lên top xếp hạng lúc nào không hay.

Tham khảo: AbacusNews