NFT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Non-fungible Token. NFT hoạt động như một chữ ký số, giúp tác giả có thể xác thực quyền sở hữu đối với tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, blockchain đóng vai trò như một sổ cái công khai, cho phép bất kỳ ai cũng có thể xác minh tính xác thực của NFT và ai là người sở hữu.
NFT giống như một món hàng của các nhà sưu tầm nhưng dưới dạng kỹ thuật số. Khi mua tài sản NFT, người mua sẽ nhận được một tệp tin kỹ thuật số và được xác nhận quyền sở hữu.
NFT được giao dịch bằng tiền điện tử và blockchain có chức năng lưu giữ hồ sơ các giao dịch. Bất kỳ ai cũng có thể xem hay tải xuống NFT, nhưng chỉ người mua mới có tư cách sở hữu tác phẩm NFT đó.
NFT được giao dịch thông qua tiền điện tử, do đó giá bán cũng chịu sự biến động như bất kỳ loại tiền điện tử nào khác, có thể tăng hoặc giảm giá trị. Độ khan hiếm của NFT là một trong số các yếu tố làm thay đổi mức giá của NFT.
NFT mã hóa có thể đại diện cho bất cứ thứ gì, điển hình như âm nhạc, nghệ thuật, tên miền website,… NFT ra đời được nhiều năm và mới bắt đầu bùng nổ gần đây khi nhiều tác phẩm được bán với giá hàng chục nghìn USD.
Trên thực tế, nhiều người coi NFT như một loại tài sản kỹ thuật số. Tại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã tham gia trào lưu NFT.
Hiện nay, các mạng xã hội cũng đang chạy đua xây dựng tính năng NFT. Mạng xã hội Twitter là mạng xã hội lớn đầu tiên cho phép người dùng chọn tài sản NFT làm ảnh đại diện. Tuy nhiên, việc này mới chỉ giới hạn cho một số tài khoản đăng ký dịch vụ trả phí Twitter Blue. Bên cạnh đó, Meta đang xem xét tung ra một số chức năng liên quan đến NFT cho Facebook và Instagram.
Các tài sản NFT không giao dịch bằng USD mà mua bằng token/coin được phát hành. Việc tài sản NFT đắt hay rẻ tuỳ thuộc vào lúc quy đổi. Nếu mua các token/coin vào các đợt giá trước khi lên sàn, giá của token/coin sẽ rất rẻ, chỉ bằng 1/10 hoặc 1/100 sau khi lên sàn.
Lý do giá tài sản NFT ngày càng cao là vì niềm tin của nhà đầu tư vào một NFT nhất định. Nhiều người bỏ ra hàng triệu USD để mua một tài sản NFT vì tính duy nhất và tin vào tiềm năng của loại tài sản này trong tương lai.
Việc mua NFT gần giống như việc bỏ tiền mua một bất động sản ngoài đời thực và chờ tăng giá trong tương lai. Niềm tin và giá trị kỳ vọng đã đẩy nhiều tác phẩm NFT có giá quá cao so với thực tế.
Mới đây, trên nền tảng giao dịch OpenSea, chủ sở hữu có tên AFENFT đã tạo ra hình ảnh ông Trịnh Văn Quyết dưới dạng NFT và rao bán với giá 5 ETH (ethereum, một đơn vị tiền điện tử được dùng trên sàn giao dịch NFT OpenSea). Căn cứ vào dữ liệu ngày 4/4 của Coinmarketcap, giá đồng Ethereum đang được giao dịch ở mức 3.520 USD. Như vậy, bức hình NFT ông Trịnh Văn Quyết có giá bán rơi vào khoảng 17.500 USD.
Không chỉ vậy, hình ảnh về ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã xuất hiện trên nền tảng giao dịch OpenSea. Các sản phẩm có hình ông Đỗ Anh Dũng được rao bán với giá khá cao. Cụ thể, các hình ảnh này có giá rơi vào khoảng 5 – 13 ETH, tương đương 17.600 - 45.760 USD.