Đó là lời khuyên của chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho nhà đầu tư. Theo vị chuyên gia này, việc vào thị trường BĐS thời điểm này hay không phụ thuộc vào mục đích của mỗi nhà đầu tư.
Với nhóm đối tượng mua nhà ở thực, theo ông Quang, nếu thực sự có nhu cầu thì nên tìm mua những căn hộ đã bàn giao. Bởi dòng sản phẩm này có mức giá tốt hơn các dự án mới từ 30-50%. Tốt nhất nên mua nhà bằng nguồn tài chính có sẵn, nếu không chỉ nên vay ngân hàng ở mức 30-50% giá trị căn hộ do lãi suất vay đang cao.
Với những người mua nhà để đầu tư lướt sóng (trong 6 tháng), đây không phải là thời điểm tốt để tham gia thị trường. Còn các nhà đầu tư dài hạn (1-3 năm) nếu cân đối được khoản tiền nhàn rỗi, thì nên tìm các dự án đẹp và thương lượng để có mức giá tốt. Thời điểm hiện tại nên hạn chế sử dụng vốn vay ngân hàng do xu hướng tăng lãi suất trong thời gian tới.
"Hiện tại, có một lượng nhà đầu tư dòng vốn tốt tham gia thị trường nhà ở trong thời điểm hiện tại là những người có nhu cầu trú ẩn tài sản, tránh lạm phát. Đây là nhóm nhà đầu tư với nguồn tiền lớn, họ sẽ tìm đến các dự án có vị trí đắc địa đang được khai thác. Hiện tại, bất động sản vẫn là kênh trú ẩn tài sản an toàn", ông Quang nhấn mạnh.
(Ảnh: HV)
Theo các chuyên gia có 3 "điểm huyệt" rủi ro thường gặp nếu nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính trong đầu tư BĐS ngắn hạn.
Thứ nhất, không kiểm soát được khả năng thu hồi vốn và khả năng sinh lời của tài sản. Đây là điều nguy hiểm nhất có thể xảy ra khi NĐT quyết định sử dụng hình thức đòn bẩy tài chính khi mua bán nhà đất. Số tiền vay được "giam" lại khi thị trường biến động (do chính sách của nhà nước, do cung cầu,...) gây khó khăn cho việc bán BĐS thuộc sở hữu của NĐT. Nếu NĐT không có nguồn vốn cố định hoặc không quản lý kịp thời sẽ "trắng tay" thì tất nhiên sẽ lỗ.
Thứ hai, thách thức lớn khi thị trường biến động. Nếu NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS, sự biến động của thị trường có thể khiến giá BĐS giảm thất thường, điều này ngoài việc tạo ra cơ hội còn có thể tạo ra thách thức lớn. Nếu giá BĐS đóng băng hoặc giảm, đòn bẩy có thể bị phản tác dụng.
Thứ ba, thách thức của việc lựa chọn nguồn vay. Đối với các NĐT, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quyết định phần lớn đến sự thành bại của hoạt động đầu tư. Nếu NĐT chọn công ty nặng lãi thì lợi nhuận bị giảm sút và trong kinh doanh nếu chẳng may gặp phải rủi ro thì lãi suất cao sẽ khiến NĐT khốn đốn. Đối với vay ngân hàng, hiện nay trên thị trường có rất nhiều NH với mức lãi suất dao động 9-11%. Tuy nhiên, nếu NĐT có thể được hỗ trợ để lựa chọn ngân hàng có lãi suất tốt và phù hợp với bản thân, hay NĐT có thể vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi năm đầu là 7%.
Còn theo ông Lê Quốc Kiên, Nhà đầu tư kì cựu tại Tp.HCM, một điều chắc chắn là càng lạm phát, vật giá càng leo thang, người có tiền lại càng không giữ tiền mà bỏ hết vào tài sản, trong đó bất động sản luôn đóng vai trò chủ lực để tích trữ tài sản chống trượt giá.
Với những người không bị áp lực nợ ngân hàng thì họ cũng không có nhu cầu bán, trừ khi được giá thật tốt, bởi bán xong rồi họ lại phải đi kiếm mua chỗ khác chứ không thể giữ tiền mặt trong thời điểm lạm phát như vậy.
Nguồn cung sẽ đến nhiều hơn từ những người sử dụng đòn bẩy ngân hàng và không còn dòng tiền đủ đóng cho ngân hàng. Sau 2 năm dịch bệnh, sản xuất kinh doanh khó khăn, túi tiền bị ảnh hưởng, nhiều nhà đầu tư bắt đầu rơi vào trường hợp hết tiền đuối vốn. Với nhóm nguồn cung này thì chỉ cần giảm 5-10% (nhà phố) hay 15-20% (đất tỉnh, vùng ven) là sẽ có nhóm tích trữ tài sản chống lạm phát mua ngay.
Theo đó, đây cũng là cơ hội để những NĐT có dòng tài chính tốt vào mua, chờ cơ hội mới.