*Dưới đây là bài chia sẻ của một người dùng cho chủ đề “Người tiết kiệm tiền lâu dài đang có cuộc sống như thế nào?” trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và cung cấp kiến thức).
Thực ra tôi thuộc loại người tiết kiệm quá độ, mỗi tháng bất kể kiếm được bao nhiêu, tôi cũng chỉ tiêu hơn 20% tổng thu nhập, số còn lại tiết kiệm.
Trước đây, khi làm studio với thu nhập cao, tôi có thể kiếm được vài chục triệu đồng một tháng thậm chí cả trăm triệu, khi đó chi phí hàng tháng vẫn không vượt quá mức quy định bao nhiêu.
Số tiền còn lại được gửi vào ngân hàng theo thời hạn cố định. Kết hôn được 15-16 năm, thói quen này vẫn luôn được duy trì.
Nếu bạn hỏi hiện tại chúng tôi đang sống thế nào, tôi sẽ nói rằng chúng tôi đang rất ổn. Vì dịch bệnh nên studio đóng cửa và tôi thất nghiệp hơn hai năm. Nhưng vì sống chắt chiu suốt 10 năm qua nên mặc dù không có thu nhập trong hai năm nhưng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại của chúng tôi. Thậm chí hiện tại chúng tôi đã có thể nghỉ hưu sớm.
Mọi người xung quanh không thể hiểu được lối sống này, ngay cả mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi cũng không thích chúng tôi sống quá tằn tiện.
Một chiếc áo ấm của tôi có thể mặc trong 10 năm và chỉ thay mới khi cũ nát. Vài ngày trước tôi đã mua một chiếc trên mạng với giá chưa đến hai trăm nghìn. Đây là lần đầu tiên tôi mua quần áo mới sau vài năm.
Dù không chú trọng nhiều đến việc ăn mặc nhưng chúng tôi vẫn ăn uống đủ đầy. Thịt cá, rau củ, trái cây… không bao giờ thiếu, thậm chí còn phong phú là đằng khác.
Vợ tôi quy định một năm chỉ được tiêu một khoản nhất định cho mỹ phẩm. Cô ấy không bao giờ đến tiệm cắt tóc và luôn nhờ tôi cắt hộ. Tôi có thể làm được vì kiểu tóc vợ muốn rất đơn giản, không cần tạo kiểu.
Bạn bè xung quanh luôn cho rằng chúng tôi sống vất vả. Nhưng thực tế nếu quen với lối sống này thì sẽ không bao giờ cảm thấy vất vả. Ngược lại, vì nhiều trường hợp mạnh dạn từ chối và không tiêu tiền chỉ vì thể diện với người khác nên tôi sống dễ dàng, thoải mái hơn.
Có một số người bạn đồng nghiệp, thu nhập của họ tương đương với tôi, nhưng chi tiêu hàng ngày tương đối xa hoa. Khi có thu nhập khá hơn một chút, họ lấy tiền đi du lịch nước ngoài, mua xe xịn và đồ hiệu.
Kết quả là hiện tại chúng tôi đã có thể nghỉ hưu, tận hưởng cuộc sống vô lo vô nghĩ thì nhiều người trong số họ vẫn đang lo lắng về các khoản vay mượn tín dụng và tìm kiếm việc làm khắp nơi.
Người ta thường nói rằng: Kiếm tiền là để tiêu, người chỉ biết tiết kiệm không hiểu thế nào là tận hưởng cuộc sống. Nhưng nếu kiếm tiền chỉ để tận hưởng mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào cho tương lai thì ngày tháng về sau rất bất ổn. Tuy nhiên đó là sự lựa chọn của họ, tôi không hề phán xét. Sự khác biệt ở đây có lẽ là quan điểm về cảm giác an toàn trong cuộc sống của mỗi người.
Thời trẻ, tôi và vợ chấp nhận sống trong cảnh khó khăn, tầm thường, không sang trọng như những người khác, thậm chí chúng tôi chưa bao giờ đến quán bar hay ăn ở các nhà hàng lẩu nổi tiếng.
Nhưng hơn 10 năm vất vả đó lại có cơ hội kiếm tiền, chúng tôi chọn việc dành nhiều thời gian và sức lực để kiếm tiền tiết kiệm, thay vì tiêu tiền hay đi chơi hưởng thụ.
Cách đây vài năm, trước đại dịch, hai vợ chồng đã mua một chiếc xe nhà di động với đầy đủ tiện nghi. Đây cũng là một khoản chi cho sự tận hưởng cuộc sống của chúng tôi. Sau khi mất việc, chúng tôi đã dùng nó để đi chơi rất nhiều nơi, thăm thú cảnh đẹp non sông.
Nhớ lại những năm tháng mệt mỏi và khó khăn nhất, tôi thường nói với vợ rằng bây giờ mình còn trẻ nên cố gắng hơn nữa, chỉ cần một tháng làm việc chăm chỉ là đủ trang trải cuộc sống cho nhiều tháng sau.
Bởi lẽ tôi biết rất rõ rằng không có gì tồn tại mãi mãi, con người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, khi có cơ hội kiếm tiền thì phải nắm bắt.
Tiết kiệm quá mức thực ra không phải là điều xấu, nhưng phải đảm bảo tiền đề là không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bình thường. Chi phí sinh hoạt hàng tháng nên được quy định rõ ràng, vẫn phải có sự vui thú trong việc ăn uống và giải trí.
Kế hoạch của chúng tôi là đợi cho đến khi mọi thứ ổn định hơn, con cái vào đại học, chúng tôi sẽ mua một chiếc xe nhà di động khác to hơn và đi du lịch khắp đất nước để bù đắp cho công sức đã bỏ ra thời trẻ.