Nên kinh doanh gì với 300 triệu đồng?

HUY TRÌNH/ VTC News, Theo VTC News 18:02 27/09/2024
Chia sẻ

Các chuyên gia cho rằng, có thể có nhiều cách đầu tư khác nhau với 300 triệu đồng nhàn rỗi.

Theo ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh, với số tiền 300 triệu đồng, để tính phương án đầu tư mua bất động sản giai đoạn này là không khả thi. Bởi giá nhà đất hiện đang quá cao, việc vay tới 70 - 80% để mua nhà là quá rủi ro. Tuy nhiên, nếu chọn phương án đi thuê nhà rồi cho thuê lại thì vẫn có thể đem về một khoản lợi nhuận tốt.

Cụ thể, theo ông Tuấn, nhà đầu tư có thể thuê 1 toà nhà nhỏ với khoảng 10 phòng cho thuê, giá thuê cả toà khoảng 40 triệu đồng/tháng, thông thường sẽ đóng tiền 6 tháng là 1 lần là 240 triệu đồng. Sau đó, cho thuê lại các căn hộ đó với giá khoảng 6 triệu đồng/tháng, tính ra 1 tháng lãi được khoảng 20 triệu đồng.

Nếu không tìm thuê được cả tòa nhà thì người thuê cũng có thể thuê từng căn hộ rồi cho thuê lại.

Chi phí đầu tư cho mỗi căn ban đầu thường bao gồm tiền đặt cọc + một kỳ thanh toán đầu tiên. Ví dụ, người thuê đầu tư thuê căn hộ ở Hà Nội, ban đầu cần bỏ ra 8 triệu x 7 tháng = 56 triệu đồng. Với 300 triệu, người thuê có thể cùng lúc đầu tư vào khoảng 5 căn hộ, mỗi căn lãi tầm 4 triệu đồng/tháng, tức lợi nhuận thu về có thể lên tới 20 triệu/tháng. Đây là số lợi nhuận có thể đạt được trong điều kiện kinh tế bình thường và các căn hộ cho thuê luôn được lấp đầy.

Nên kinh doanh gì với 300 triệu đồng?- Ảnh 1.

Nên kinh doanh gì với 300 triệu đồng? (Ảnh minh họa)

Với mô hình này, người thuê nên chọn những căn hộ đầy đủ nội thất, đỡ tốn kém phí đầu tư ban đầu và không bị áp lực thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là người thuê phải quản lý nhiều căn hộ cho thuê cùng một lúc và mất nhiều thời gian, công sức hơn. Đồng thời phải học tập, nghiên cứu, phát triển nhiều kỹ năng như làm chủ một công việc kinh doanh thực thụ.

Trong khi đó, theo chuyên gia của CTCP Chứng khoán SSI, với 300 triệu đồng, nhà đầu tư nên có một kế hoạch tài chính cá nhân chi tiết, với các mục tiêu mong muốn đạt được theo các mốc thời gian cụ thể, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Đồng thời, cần tính toán phân bổ hợp lý tài sản hiện có vào các quỹ dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp, trước khi xác định số tiền mà mình có thể đầu tư. Trong đó, chứng khoán là lựa chọn hợp lý để bắt đầu đầu tư.

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh, khoản đầu tư tốt nhất trước khi đổ tiền vào chứng khoán đó là đầu tư chính vào bản thân, nâng cao nhận thức, kiến thức cơ bản về tài chính, đầu tư…Có hiểu được bản chất của kênh đầu tư mới tránh được rủi ro và đầu tư hiệu quả. Nhà đầu tư có thể tham khảo các nội dung đào tạo về đầu tư trên các kênh thông tin chính thống, uy tín.

Thông thường, người trẻ có xu hướng chọn thời điểm để bắt đầu. Chẳng hạn như khi thu nhập đủ lớn, khi số tiền đã tiết kiệm được đủ nhiều… Tuy nhiên, đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn và thời gian mới là quan trọng. Do đó, thời điểm đầu tư tốt nhất chính là bây giờ, nhất là với người trẻ, khi thời gian để đầu tư còn rất dài nếu tính tới thời điểm nghỉ hưu ”, vị chuyên gia phân tích.

Chuyên gia này cho rằng, việc phân bổ khoản tiền 300 triệu đồng nên tập trung vào các chứng chỉ quỹ để có sự đa dạng hóa rủi ro, chứ chưa nên đầu tư vào các cổ phiếu riêng lẻ.

Ngoài ra, để đầu tư dài hạn trở thành một thói quen, nhà đầu tư có thể trích một phần thu nhập hàng tháng, kể cả là số tiền rất nhỏ, chỉ khoảng 500.000 đồng để mua chứng chỉ quỹ. Sau này, khi có đủ tự tin hơn, nhà đầu tư có thể trích một phần nhỏ của danh mục đầu tư của mình đầu tư vào cổ phiếu riêng lẻ. Từ đó, có thể tăng dần nếu thấy mình phù hợp với cách đầu tư này.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, gửi tiết kiệm vẫn là phương án tối ưu, an toàn cho những người có số tiền nhàn rỗi tương đối nhỏ. Bởi theo ông, khi đầu tư cần đảm bảo sinh lời, an toàn vốn và đầu tư phải có tính thanh khoản. Trong khi gửi tiền ngân hàng hưởng lãi suất đạt được tất cả những điều đó.

Các nhà đầu tư có kinh nghiệm thực tế khác lại cho rằng với số vốn 300 triệu đồng có thể nhận chuyển nhượng lại 1 quán cà phê khoảng 80m2, 2 tầng tại quận nội thành ở Hà Nội với đầy đủ nội thất, máy móc, giá thuê hàng tháng khoảng 25 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân tích kỹ lưỡng nhiều yếu tố như xu hướng thị trường, phân khúc khách hàng, địa điểm, thời gian mở quán cà phê...để việc đầu tư được hiệu quả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày