Nên coi người lái xe sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự, kể cả chưa gây tai nạn?

Nông Xuân Lộc, Theo Sức khoẻ và đời sống 09:55 05/06/2022
Chia sẻ

Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia kiến nghị với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự.

Xem xét trách nhiệm hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả

Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) về hành vi "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" .

Qua điều tra xác định, trước khi gây tai nạn khiến 2 vợ chồng và bé gái tử vong, Nguyễn Đức Thịnh có sử dụng rượu bia, hát karaoke.

Sau khi xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có kiến nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn xử lý hình sự lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn theo điều 260 Bộ luật Hình sự.

TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia dẫn giải số liệu: Tại Việt Nam trong những năm gần đây, có tới 70% số vụ va chạm giao thông đường bộ liên quan tới nhân tố con người, và 40% số vụ va chạm giao thông đường bộ do hành vi có nguy cơ cao dẫn tới mất an toàn giao thông hoặc hậu quả lớn: vi phạm về tốc độ, sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại...

Trong một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Y tế tại Việt Nam (2013) với số lượng mẫu khá lớn, nghiên cứu các trường hợp nhập viện do va chạm giao thông tại ba bệnh viện lớn tuyến trung ương cho thấy, tỷ lệ các vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam vào khoảng 36%.

Nên coi người lái xe sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự, kể cả chưa gây tai nạn? - Ảnh 1.

Uỷ ban ATGT Quốc gia thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn ở Bắc Giang.

Theo thống kê chính thức của Cục Cảnh sát giao thông, trong các năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ các vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam xấp xỉ 5%.

Do vậy, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cho khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hpp ko pl l ình sự (khuyến cáo áp dụng với mức nồng độ cồn trong máu cao hơn 240 mg/100 ml máu): Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả.

Cùng với đó là mức phạt hành chính nên được điều chỉnh tăng theo mức độ vi phạm. Hiện nay mức phạt với mức độ vi phạm trên 80 miligam/100 mililít máu đều giống nhau, trong khi tính chất nguy hiểm là khác nhau. Cần có mức phạt tương ứng với mức độ vi phạm cho hành vi trên 80 miligam/100 mililít máu; từ 80-160 miligram/mililít; và từ 160-240 miligram/mililít theo nguyên lý mức sau cao hơn mức trước.

Ngoài ra thực hiện hành vi quy định tại điểm trên bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Cần hình sự hóa hành vi lái xe sau khi uống rượu bia

Cùng trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài mới đủ sức răn đe.

Theo ông Tuấn, hầu hết người uống rượu bia là đi phương tiện cá nhân và đi về cũng dùng phương tiện đó. Hành vi uống rượu bia và lái xe ở Việt Nam mang tính chất thói quen và trở thành nét "văn hóa xấu", tiềm ẩn nhiều nguy hại cho xã hội.

Nên coi người lái xe sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự, kể cả chưa gây tai nạn? - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng đã đến lúc nên coi người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho biết, hiện tại mức xử phạt hành chính người vi phạm nồng độ ở Việt Nam đã là cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan coi thường tính mạng khi tham gia giao thông sau, thậm chí khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã không hợp tác, tìm mọi cách chống đối.

Tại hai đất nước phát triển là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã có giai đoạn cải thiện các quy định pháp luật thực thi cưỡng chế và cả giáo dục, nhưng không giải quyết được triệt để việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn. Sau đó họ đã hình sự hóa hành vi lái xe sau khi uống rượu bia và có tác dụng rõ rệt.

"Sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, là hành vi coi thường pháp luật, bất chấp tính mạng, tài sản của người khác", PGS.TS Vũ Anh Tuấn nói và nhấn mạnh, đã đến lúc nên coi người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự để phòng ngừa tội phạm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày