Này các chàng trai, cô gái “ra Tết đi làm”, hết Tết rồi đó còn cớ gì để chần chừ ở nhà nữa không?

SKYE | Design Lê Quang Dũng, Theo Helino 10:25 13/02/2019

“Ui giời ra Tết tôi đi làm ông bà ạ”, “Con ra Tết đi làm bố mẹ nhé” là câu cửa miệng của nhiều người trẻ hiện nay. Bên cạnh một số bạn đã bắt đầu “xuất hành” đầu năm thì một số khác vẫn cứ ậm ừ chơi Xuân chơi Tết. Đi làm thôi chứ các bạn? Hết Tết rồi? Hê lô?

Nghỉ dài luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người - sướng thì cũng sướng thật đấy nhưng nghĩ đến cảnh sau hơn tuần nghỉ ngơi chơi bời lại phải quay lại công ty, ngồi đếm lịch bao giờ Tết tiếp thì thực sự khá cám cảnh. Tuy nhiên, những người có việc làm còn thế, bảo sao những người chưa tìm được việc còn “ngại” đi làm lại. Hứa hẹn “ra Tết đi làm” nhưng cứ đủng đỉnh qua hết Tết, có khi không biết Tết năm nào mới đi làm nữa.

2019 rồi, hứa được phải làm được mọi người ơi!

Này các chàng trai, cô gái “ra Tết đi làm”, hết Tết rồi đó còn cớ gì để chần chừ ở nhà nữa không? - Ảnh 1.

Sao cứ phải chờ qua Tết?

Nhiều khi tôi cứ thắc mắc vì sao nhiều người lại chọn Tết làm cái cột mốc để hứa quyết tâm “ra Tết đi làm” nhưng nhìn lại thì đó có vẻ khá dễ hiểu: Chúng ta chọn Tết để kết thúc một năm, để tổng kết những điều làm sao, để đưa ra giải pháp cho năm mới và cũng là lúc để bắt đầu một công việc mới. Hơn thế nữa, các công ty cũng có xu hướng tuyển dụng mới nhiều vào thời điểm sau Tết âm lịch, việc lựa chọn như vậy cũng có chủ đích.

Tuy nhiên, nhiều người lấy cái cớ đó để biện minh cho sự ì ạch của bản thân: Nghỉ làm từ giữa năm cũ nhưng vẫn phải cho bản thân xả hơi đến vài tháng một cách phung phí rồi mới “ra Tết đi làm”. Họ cứ chờ trời đất giao hòa, vũ trụ như được làm mới lại rồi mới quyết định “reset” bản thân và lúc đó như ở một tâm thế hoàn toàn sẵn sàng. Tết là mọi điều tốt lành sẽ tới, là công việc tốt lành cũng đến cùng xuân. Chúng ta cứ tạo cho bản thân những cái cớ để lười hơn, chờ qua Tết rồi lại chờ đến hè, hết hè xong lại chờ làm chuyến du lịch dài xong mới tập trung hết sức mình vào công việc.

Này các chàng trai, cô gái “ra Tết đi làm”, hết Tết rồi đó còn cớ gì để chần chừ ở nhà nữa không? - Ảnh 2.

Nghĩ đi nghĩ lại, chờ đến Tết chẳng những khiến chúng ta lãng phí vài tháng trời mà thậm chí khiến nhiều người trở nên lười biếng vì qua Tết. Sao cứ phải chờ qua Tết hỡi các chàng trai cô gái, một khi đã quyết tâm thì trong lòng lúc nào cũng là “xuân” - cũng đầy hứng khởi để bắt đầu điều mới mẻ. Mỗi người sống trong một chiếc đồng hồ của riêng mình, đừng lấy một mốc thời gian ra làm cớ để mình lười biếng!

Ngại đi làm - Vì sao nên nỗi?

Từng làm freelancer một thời gian, tôi hiểu sự “cám dỗ” của nó như thế nào khi bạn có thể ở nhà và vẫn kiếm được tiền; và rồi trong xã hội truyền thông luôn “đầu độc” chúng ta về những câu chuyện đáng sợ nơi văn phòng: Chèn ép nhân viên, đồng nghiệp gièm pha nhau… nhiều người nghe thấy đi làm là nản. Nhưng một số ỉ lại vào công việc làm freelancer rồi lâu ngày tâm lý tiêu cực liên quan tới công việc, sợ hãi văn phòng xuất hiện.

Động lực đi làm biến mất và thay vào đó, nhiều người trẻ vẫn ôm lấy cuộc sống tự do như một sự ưu ái của tuổi trẻ cho mình: Ở nhà để có thời gian nghiền ngẫm về cuộc đời, để hiểu bản thân mình. Với vài công việc tự do lặt vặt, bạn cũng kiếm được số tiền đủ để nuôi bản thân và xem đó như một thành công: Không phải đi làm mà vẫn có tiền. Chẳng áp lực cũng không buồn bực, “ra Tết đi làm” chỉ như một cách để đối phó khi bị mọi người hỏi.

Những mốc thời gian đưa ra như chỉ để chúng ta trì hoãn thêm cho việc “lười đi làm” của mỗi người. Đi làm như việc vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân mà nhiều người không muốn bước ra ngoài: Chưa tìm được việc phù hợp, chưa đến thời điểm phù hợp. Vậy trời đất đã chuyển mình sang năm mới rồi đó, công việc mới cũng đầy ắp rồi đấy; thiên thời địa lợi nhân hòa mà sao chúng ta vẫn ngại đi làm?

Đừng chần chừ khép mình trong nhà nữa, freelance là một điều tuyệt vời nhưng đi làm cũng mang đến cho bao nhiều điều không dễ có nếu cứ thu mình một góc. Những mối quan hệ không tự dưng mà có, người ta cũng không trưởng thành lên và biết cách ứng xử hơn trong nhiều tình huống xã hội nếu chỉ tối ngày cắm mắt vào chiếc máy tính, rồi những khoản bảo hiểm khiến nhiều người thở phào khi tự dưng một ngày trái gió trở trời… Nếu ai đó con đường đi làm chông gai hơn, vất vả hơn làm tự do thì đừng quên tự nhắc mình, rằng chỉ có khó khăn mới tôi rèn để ta trưởng thành hơn.

Này các chàng trai, cô gái “ra Tết đi làm”, hết Tết rồi đó còn cớ gì để chần chừ ở nhà nữa không? - Ảnh 3.

Đừng chờ đất trời reset rồi mới “reset bản thân”!

Không phải ai nghỉ làm cũng có thể dựng lên một cơ đồ cho mình khi bao nhiêu công ty khởi nghiệp đã chết yểu; bạn không thể chỉ ngồi không rồi chờ một ngày tự dưng giàu có hay bỗng có hứng đi làm. Nếu chưa biết làm gì để lên tinh thần sau Tết, hãy thử bằng một cuốn sách, một bộ phim truyền cảm hứng, đi bộ hay viết ra những điều khiến bạn thấy hạnh phúc; bạn chỉ cần Google là sẽ có hàng ngàn kết quả để chúng ta “reset bản thân” sau mỗi đợt nghỉ lễ hay bắt đầu một công việc mới.

Lựa chọn là của mỗi người nhưng đã quyết tâm thì cố gắng theo đuổi tới cùng; đã hứa “ra Tết đi làm” thì đừng lừng chừng thêm một cái Tết nào nữa. Chẳng nhất thiết phải là mùa xuân vì một khi đã có mục tiêu thì nghị lực sẽ nảy mầm dù hè nóng bức hay đông giá lạnh. Hãy để Tết làm động lực, đừng biến nó thành gánh nặng cho mỗi người và cái cớ cho sự lười biếng của bản thân.