Trong lịch sử Trái đất, sự kiện đảo cực địa từ đã nhiều lần xảy ra và diễn ra âm thầm trong một thời gian dài.
Đảo ngược địa từ là gì?
Theo các nhà khoa học, đảo cực địa từ là sự thay đổi hướng của từ trường Trái đất, như các vị trí bắc từ và nam từ thay đổi cho nhau.
Dựa vào những vết tích từ trường lưu lại trên những tảng đá từ thời cổ đại, các nhà khoa học kết luận rằng vị trí bắc từ và nam từ đã đổi vị trí cho nhau cứ mỗi 200.000 – 300.000 năm 1 lần (tỉ lệ này không cố định trong suốt chiều dài lịch sử Trái đất).
Sự kiện đảo cực gần đây nhất xảy ra cách đây khoảng 780.000 năm. Điều đó có nghĩa là lần đảo cực tiếp theo đã quá lâu rồi chưa xảy ra. Và một số thông tin trên thực tế cho rằng sự kiện đảo cực này sắp xảy ra, và nó sẽ đến sớm thôi.
Vậy nếu đảo cực xảy ra thì sao?
Nhiều nhà khoa học đưa ra dự đoán rằng để bắc từ và nam từ đổi xong vị trí cho nhau thì sẽ tốn đến hàng nghìn năm. Điều này sẽ có những tác động nhất định đến cuộc sống của con người chúng ta.
Đầu tiên, tin tốt là việc đảo cực diễn ra cực kì chậm giúp chúng ta có thời gian để chuẩn bị và làm hết sức mình để cải thiện điều kiện sống, giảm bớt những tác động xấu của hiện tượng đảo cực này trước khi chúng trở nên thực sự bất lợi và nguy hiểm đến chúng ta.
Từ trường của Trái đất giúp bảo vệ con người và các dạng sống trên hành tinh khỏi các bức xạ từ mặt trời và vũ trụ. Vì vậy, tin xấu là việc đảo cực diễn ra chậm chạp có thể khiến từ trường bảo vệ chúng ta khỏi các loại bức xạ kém hơn trong một thời gian dài hơn.
Từ trường của Trái đất giúp bảo vệ con người và các dạng sống trên hành tinh khỏi các bức xạ từ mặt trời và vũ trụ. Ảnh minh họa
Chúng ta có nên lo lắng hay không?
Theo NASA, đúng là khi đảo cực địa từ xảy ra, từ trường bảo vệ Trái đất sẽ bị thay đổi khả năng ngăn cản các bức xạ, tuy nhiên không nhất thiết là nó sẽ bị yếu đi. Và không có dấu hiệu nào cho thấy từ trường của Trái đất sẽ biến mất hoàn toàn cả.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu từ trường yếu hơn, và diễn ra trong thời gian đủ dài, thì các loại bức xạ năng lượng cao từ mặt trời và vũ trụ sẽ xâm nhập tới bề mặt hành tinh.
Có nghĩa là các dạng sống trên Trái đất sẽ phải chịu ảnh hưởng, bị phơi nhiễm trực tiếp bức xạ mặt trời với mức độ cao hơn.
Thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các bệnh ung thư, cũng như làm hư hại các hệ thống điện, điện tử, viễn thông,… và cả các tàu vũ trụ.
Đây là những tác động bất lợi có thể xảy ra và chúng ta cần phải có sự nghiên cứu chuẩn bị trước. Để giảm thiểu tác hại do nó gây ra, bảo vệ bầu khí quyển cũng là một cách để tạo thêm một lớp lá chắn trước các bức xạ có hại từ bên ngoài.
Hiện nay chúng ta đã và đang xả đủ mọi chất thải có hại gây ảnh hưởng xấu đến bầu khí quyển, làm thủng tầng Ozone, khiến các hệ sinh thái không thể hoạt động bình thường, đó mới là điều đáng lo ngại trong thời gian tới.
Cuối cùng, nếu từ trường của Trái đất yếu đi thì hiện tượng cực quang sẽ xuất hiện cả ở những nơi có vĩ độ thấp hơn, khiến bầu trời đêm trở nên lung linh huyền ảo hơn bao giờ hết.
Hiện tượng cực quang trên bầu trời Alaska. Ảnh: Mark Thiessen - National Geographic Creative
Nguồn: NatGeo