Tôi đã tự hỏi mình khi nhìn thấy nhiều người lau nước mắt sau khi xem Dạ Cổ Hoài Lang, rằng điều gì đã kéo cảm xúc họ lại gần với câu chuyện như vậy? Có lẽ, chính là những khoảng cách, những chữ "xa" khiến lòng mình gần lại.
"Đi để trở về". Đúng! Xem Dạ Cổ Hoài Lang dù phim hay kịch, người ta đều có cảm giác muốn trở về với những thứ mình đã xa cách bấy lâu. Xa tấm lòng, xa quê nhà, xa cả những ngày xưa cũ. Những nỗi nhớ cồn cào, sự hoài vọng da diết, thậm chí là uất ức trong câu chuyện của họ đều xoay quanh chữ "xa".
Mỗi chúng ta, hẳn ai cũng có một người quen đang sống hay định cư ở nước ngoài, tôi cũng cũng vậy. Tôi từng bảo với mấy đứa bạn trong nhóm rằng "Con T. nó qua bển riết nhìn khác quá, chắc được thì nó ở bển làm luôn, sức mấy về đây làm chi nữa!?".
Để rồi dù muốn dù không, cái khoảng cách giữa chúng tôi với nhỏ bạn thân ngày nào dần lớn hơn, có lẽ còn lớn hơn tuyến đường địa lý từ đây sang Mỹ nữa. Khi nó về nước nghỉ hè, vài cái hẹn hò với nhau cũng trở nên khó khăn vì sự xa lạ chẳng biết đã bám rễ trong lòng tự lúc nào. Nhưng tôi, chúng tôi, hoặc những người tương tự chắc chẳng bao giờ mảy may nghĩ rằng cái sự xa mặt cách lòng đó đến từ cả hai phía, chẳng mảy may nghĩ đến những cảm giác mà người xa xứ, như của bạn mình, phải trải qua là như thế nào.
Dạ Cổ Hoài Lang thuở ban đầu với Thành Lộc và Việt Anh
Cho đến khi tôi lặng lẽ chảy nước mắt ở sân khấu 5B khi xem vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang cách đây vài năm. Tự dưng tôi thấy nhớ và có lỗi với nhỏ bạn thân của mình. Rồi tự hỏi những tháng ngày nó nai lưng vừa học vừa làm trên đất khách mà không có cha mẹ người thân bên cạnh khắc nghiệt ra sao. Nếu nó không tự thương mình, thì còn ai thương nó ở cái xứ sở xa lạ cách quê hương đến nửa vòng Trái Đất bây giờ?
Cứ nghĩ đến đó là tôi lại thấy cay cay trong lồng ngực mà chẳng biết cách nào xua đi suốt đoạn đường về nhà. Rồi tôi lại nhớ ông Tư Lành trong vở kịch, nhớ những câu nói chua chát mà chẳng còn rõ lắm từng câu chữ vì cảm xúc đã làm nó nhập nhòe mất rồi. Khốn khổ lắm chứ khi phải trải qua tuổi xế chiều ở một nơi lạnh lẽo như "viện dưỡng lão". Đau lòng lắm chứ khi mỗi ngày mở mắt ra không nhìn thấy đồng lúa, con trâu mà chỉ thấy người ta hối hả lướt qua nhau giữa mùa đông đầy tuyết.
Bảo rằng bay qua đoàn tụ với con với cháu nhưng nhiều khi vẫn thèm muốn cái cảm giác ngồi nhìn mây trời sà xuống ruộng, nghe tiếng gà gáy đều như đánh nhịp mỗi bình minh, lâu lâu làm vài chén tiết canh với ông bạn già. Bạn già giờ vẫn ở cạnh mình đây, nương tựa vào nhau như tri kỉ nhưng tiết canh thì đào đâu ra bây giờ? Ai chẳng biết cái món đó có bổ béo gì, nhưng nó có mùi của quê nhà, nhớ kìm không đặng. Nhưng không đặng thì cũng đâu có mà ăn, thế là lại thèm.
Qua đây rồi mới biết có bất giác thèm một câu vọng cổ, một xị rượu đế, vài trái xoài chua cũng biết kiếm đâu mang về? Thôi thì hai ông già đành hát cho nhau nghe, như hai đứa trẻ chẳng muốn lớn thêm nữa giữa cuộc đời thấm mệt: "Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng, năm canh mơ màng…"
Tôi thấy tội và thương ông Tư, ông Năm. Rồi thương luôn nhỏ bạn của mình vẫn chưa về nước. Không biết nó có thèm một đĩa cơm tấm nóng hổi trong quán ven đường nghi ngút khói mà chỉ ở Sài Gòn này mới có hay không? Chắc chắn là nhớ rồi.
Suốt cả vở kịch hay bộ phim, tôi chưa từng giận cô cháu gái lấy một lần dù cô khiến ông nội cô đau lòng hết lần này đến lần khác. Nhưng trách làm sao được khi mà hai người gần như thuộc về hai thế giới khác nhau dù chảy chung dòng máu.
Cô lớn lên ở Mỹ, được giáo dục và sinh hoạt giữa những con người tôn trọng sự riêng tư, thì làm sao không giận khi ông nội lại lén đọc nhật kí của ba mình?! Làm sao không ngơ ngác khi ông nội cứ nói về những từ ngữ xa lạ như "quê hương" hay "đám giỗ"? Quê hương của cô chính là ở Mỹ, chứ không phải đồng lúa thẳng cánh cò bay hay chùm khế ngọt mà người ta vẫn hát. Nó xa vời như cách người Việt mình vất vả hình dung tàu điện ngầm nó hoạt động như thế nào vậy đó.
Cho nên tôi cảm nhận được, ông Tư có buồn đến mấy, giận đến mấy cũng là giận cho số phận, cho cái gọi là văn hóa, hoàn cảnh chứ nào giận được cô cháu mình. Ở ngay bên cạnh đó, là ruột rà máu mủ đó, gọi ông xưng cháu đó nhưng xa lạ biết bao nhiêu. Chữ "xa" này thậm chí còn xa hơn cái nỗi nhớ quê nhà đau đáu kia nữa. Tôi nhận ra điều này trong những lần nhỏ bạn về nước mà bọn tôi cứ ậm ừ, gặp nhau đôi ba lần cho có. Xa tấm lòng, buồn lắm bạn ơi!
Gần đây xem lại Dạ Cổ Hoài Lang, nhưng là trên màn ảnh rộng, tôi vẫn nguyên những cảm xúc cũ. Rồi bao nhiêu chuyện lại gợi về, bao nhiêu nước mắt lại rấm rứt chảy ra len lén trong rạp, giữa những tiếng thút thít xung quanh. Nếu hồi đó tôi bàng hoàng, rồi thẫn thờ khi ông Tư Lành giã biệt cõi đời trên vai ông Năm Triều ở sân khấu 5B thì bây giờ ngồi trước màn hình khổng lồ của rạp chiếu, tôi thấy chua xót nhiều hơn. Bởi vì cái đau điếng ấy qua rồi, tôi đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận cái kết đó nên không thấy dữ dội như hồi đó nữa. Bù lại là cái dư âm dai dẳng vang lên trong tiếng đàn thê lương của bài hát Dạ Cổ Hoài Lang.
Thương cho một kiếp người lụi tàn giữa đêm tuyết lạnh, xa quê, xa nhà, xa con xa cháu. Nhưng chắc là ông Tư vẫn vui, vì ông đã chết bên cạnh người tri kỉ, bên ông bạn già hiểu mình nhất ở đất khách quê người. Thương cho ông Năm, người ở lại có bao giờ vui được. Đến cả Tư Lành cũng đi rồi thì đến phiên Năm Triều muốn nghe câu vọng cổ lúc ra đi biết còn ai hát nữa?
Ông bạn già đi trước, ngọn lửa trong lòng cũng dường như tắt ngúm, mang theo tất thảy những ngày xưa về với miền ký ức, cùng người con gái mình thương nhưng phải nhường. Cái tình của họ khiến tôi thấy nặng lòng. Từ chỗ tình địch lại trở thành nương tựa, âu cũng vì xa xứ. Từ chỗ cứ gặp là cãi nhau lại trở thành trạm dừng cho một người bước xuống chuyến tàu cuộc đời, dù chữ S mà ông Tư muốn thấy vẫn còn chưa hiện lên ở đằng xa.
Và tôi lại thấy sợ. Sợ một ngày nào đó tôi cũng quên luôn những ký ức tôi và nhỏ bạn đã có với nhau. Sợ cái tương lai mà chúng tôi trở thành xa lạ chỉ vì xa mặt cách lòng rồi không còn bận tâm về nhau nữa.
Tôi nể nghệ sỹ Thanh Hoàng vì đã viết ra câu chuyện đơn giản nhưng nặng trịch tâm tư này, để những người trẻ như tôi bất giác thấy mình đã già đi tự thuở nào trong cuộc sống hối hả. Những mối quan hệ khó giữ đến thế nào giữa vạn điều nghi kị. Những khoảng cách đã trở nên xa như thế nào giữa lúc mình vô tư.
Thôi, có lỡ đi xa rồi thì hãy về gần lại, được chút nào hay chút đó, miễn vẫn còn nhớ nhau là đã vui rồi.