Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 24/03/2017

Phiên bản điện ảnh của "Dạ Cổ Hoài Lang" giữ được tinh thần cốt cán của tác phẩm nhưng vẫn còn thiếu chất điện ảnh cần có để thực sự khác biệt.

Sau gần 2 năm sản xuất và nhiều lần sang Canada quay ngoại cảnh, Dạ Cổ Hoài Lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã ra mắt trong sự kỳ vọng của khán giả. Người thì mong chờ sẽ được sống trong cái không khí đã từng chinh phục họ trên sân khấu kịch, người thì háo hức với sự trở lại của "Dũng Khùng", người lại trông đợi một vai diễn điện ảnh thực sự của Hoài Linh. Và dù với sự kỳ vọng nào thì bộ phim vẫn mang trên vai những gánh nặng bởi nếu không thể đáp ứng được kỳ vọng sẽ lập tức tiêu tùng.

Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét - Ảnh 1.

Phim bắt đầu bằng khung cảnh trắng xóa tuyết rơi trên đất Mỹ, nơi ông Tư Lành (Hoài Linh) đang trải qua cuộc sống xa xứ tuổi xế chiều. Ông trốn từ "nursing home"(có thể hiểu là bệnh xá, nhà thương) về nhà trong một ngày đông lạnh giá để làm đám giỗ cho người vợ quá cố.

Nhưng rồi cái hân hoan háo hức nhanh chóng bị dập tắt khi cô cháu ruột Tâm (Tammy) chẳng mảy may quan tâm đến cái gọi là "đám giỗ". Rồi những tranh cãi xảy ra giữa ông và cháu, giữa một lão già trên đất khách và một cô gái không biết "quê hương" nghĩa là gì. Những xung đột đó được thể hiện theo mức độ tăng dần, qua những câu đối thoại rất thường nhật giữa ông Tư và cháu gái.

Rồi người bạn già Năm Triều (Chí Tài) xuất hiện và cùng ông Tư ôn lại kỉ niệm ngày xưa khi cả hai cùng thích một người. Cái ấm nóng giữa những kẻ tri kỉ trên đất khách, cái tình giữa hai tên tình địch nay lại phải nương tựa vào nhau lúc về già cũng được thể hiện qua những cuộc đối thoại của Năm Triều và Tư Lành. Cho đến khi cái kết thúc đau thương xảy đến.

Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét - Ảnh 2.

Đối với những người kỳ vọng một sự xúc động chảy nước mắt dành cho bản điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang thì phim đáp ứng được. Hầu hết khán giả xem xong đều cảm thấy xúc động và tất nhiên là hài lòng. Đặc biệt là những người đã từng xem vở kịch này, hoặc những người đã từng sống qua cái giai đoạn chia cách người thân thời hậu chiến sẽ càng cảm thấy được chia sẻ.

Cái tình yêu đau đáu luôn hướng về đất mẹ, về những ngày tháng cũ dù rất nhiều khó khăn là thứ cảm xúc "tri kỉ" của rất nhiều người Việt Nam mà có lẽ những người trẻ thời bình sẽ khó lòng hiểu hết. Thứ cảm xúc này được gửi vào Tư Lành và Năm Triều, hai ông già sống trên đất khách chỉ biết bám vào quá khứ và hoài niệm.

Trong ký ức của họ, những xung đột tình cảm về một người con gái hay những vất vả chia xa trong kháng chiến cũng thật ngọt ngào, ngọt hơn cuộc sống ở trời Tây này nhiều lắm. Nên rồi họ cứ bấu vào đó, bấu vào nhau để ca câu vọng cổ thời niên thiếu. Năm Triều và Tư Lành chính là đại diện cho sự hoài vọng quê hương đầy ý nhị, được khơi dậy từ tâm chứ không phải bất kì câu khẩu hiệu nào.

Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét - Ảnh 3.

Còn cô cháu gái chính là đại diện cho lớp trẻ, cho sự xa cách về thế hệ trong gia đình và sự khác biệt văn hóa. Cô sẵn sàng đáp trả lại ông nội những câu nói thẳng thừng nếu cảm thấy bị xâm phạm đến quyền riêng tư. Cô xem ông nội mình như người xa lạ, thậm chí là thừa nhận việc đó. Nhưng cô lại không đáng trách. Vì đó chính là hiện thực cho khoảng cách và sự thấu hiểu. Là minh họa cho sự khác biệt văn hóa Á Đông và Âu Mỹ, nhất là về quyền riêng tư. Vì vậy mà khi những cuộc cãi cọ càng bị đẩy lên cao, ta càng thấy cảm thông cho cả hai phía. Cứ như thế mà kịch bản Dạ Cổ Hoài Lang được lấp đầy bằng những xung đột, rồi cảm thông và sự ấm nóng của tình cảm.

Nhưng, tất cả những điều trên vốn là giá trị nội tại của nguyên tác Dạ Cổ Hoài Lang, từ khi nó được công diễn trên sân khấu năm 1994. Đã 23 năm trôi qua nhưng vở kịch chưa bao giờ trở nên lỗi thời. Do đó khi được đưa lên màn ảnh rộng, nó vẫn dễ dàng lấy được sự đồng cảm của số đông. Tác giả Thanh Hoàng cũng là người chấp bút chính cho kịch bản phim nên những phân đoạn cốt lõi, những câu thoại biểu tượng đều được giữ lại, giúp cho tinh thần của nguyên tác không bị sứt mẻ.

Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét - Ảnh 4.

Tiếc thay, bộ phim đã không làm tròn "trách nhiệm" khi gánh trên vai sứ mệnh chuyển thể. Ngoài việc ghi hình ở nước ngoài cùng những cảnh làng quê Việt Nam ở các phân đoạn hồi tưởng, bộ phim không có những điểm nhấn mạnh mang tính "điện ảnh". Vì thời lượng đối thoại quá nhiều mà bối cảnh cũng trở nên đơn điệu. Căn nhà của gia đình ông Tư chiếm một phần lớn thời gian trên màn ảnh khiến cho bộ phim giống như những vở kịch được phát trên truyền hình hơn là phim điện ảnh.

Việc thay đổi một số tình tiết như người bạn trai của cô cháu gái là người nước ngoài thay vì người Việt như nguyên tác, hay xuất hiện thêm nhân vật người cha cho thấy tâm tư của đạo diễn Quang Dũng đặt vào phim, nhưng tiếc là nó được thể hiện chưa tốt. Khán giả không cảm thấy điều đó sẽ hay hơn bản gốc.

Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét - Ảnh 5.

Chọn Hoài Linh và Chí Tài vào hai vai quan trọng đã từng khiến khán giả nghi ngờ. Vì hai người vốn là "cần câu" của nhà sản xuất trong những phim hài. Nhưng Hoài Linh đã từng đóng vai Tư Lành trên sân khấu của Dạ Cổ Hoài Lang nên hầu hết khán giả đều mong chờ một Hoài Linh thật tuyệt vời trên màn ảnh.

Dù kết quả không làm thất vọng nhưng cũng không thực sự thỏa mãn. Tư Lành đã chạm đến cảm xúc của khán giả ở nhiều phân đoạn nhưng tổng thể vẫn là một Hoài Linh trên sân khấu chứ không hẳn là Hoài Linh trước ống kính. Có một số chỗ anh vẫn còn lên gân và rất kịch, ví dụ như lúc Tư Lành ngã quỵ khi nhắc về người vợ đã mất.

Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét - Ảnh 6.

Nhưng bù lại Chí Tài khiến mọi người bất ngờ. Anh trở thành Năm Triều rất ngọt, rất duyên, rất cảm động mặc cho cái bóng của Hữu Châu và Việt Anh cực kì lớn. Quan trọng nhất là Chí Tài có cách diễn chừng mực của điện ảnh, không bị sa đà vào đài từ như đa số diễn viên kịch. Anh đã khiến cả khán phòng lặng đi trong những tiếng nấc khi cất lên câu Dạ Cổ Hoài Lang ở cuối phim. Năm Triều mới thực sự là "con át chủ bài" của Dạ Cổ Hoài Lang và Chí Tài cũng chính là điểm nhấn thuyết phục nhất ở bản điện ảnh.

Dạ Cổ Hoài Lang - Cảm xúc thì tròn rồi, nhưng vẫn chưa sắc nét - Ảnh 7.

Âm nhạc cũng góp phần quan trọng trong phim và nó đã hoàn thành sứ mệnh một cách trọn vẹn dưới bàn tay nhạc sỹ Đức Trí. Anh chủ đích giữ lại cách hát, cách hòa âm của sân khấu ở những phân đoạn chủ chốt để giữ cho tinh thần nguyên tác được trọn vẹn. Ngay khi đoạn Dạ Cổ Hoài Lang của Năm Triều vừa dứt thì mọi thứ đều bị nhấn chìm trong giai điệu thống thiết như bản giao hưởng không lời cho một khoảnh khắc đầy rúng động. Ở trên tầng thượng giữa trời tuyết, có hai lão già tựa đầu vào nhau, san sẻ cho nhau những hơi ấm và thứ cảm xúc cô độc nghẹn ngào, như những câu vọng cổ khắc khoải của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.

Nói tóm lại, bản điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang gìn giữ rất vẹn tròn tinh thần nguyên tác, đong cho khán giả những xúc cảm rất tự nhiên và quý báu. Nhưng nếu như bộ phim được mài giũa sắc bén hơn, có những thay đổi thiết thực hơn, giàu tính điện ảnh hơn thì sẽ xuất sắc hơn. Với phiên bản này, khán giả chỉ cảm thấy mình được trải qua những điều mà sân khấu đã làm trên màn ảnh rộng chứ không thực sự là một trải nghiệm điện ảnh được kỳ vọng.