Ngày 14/6, bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Trung tâm chấn thương chỉnh hình bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho anh C.D.L (31 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng cổ tay trái đứt lìa, lộ gân đứt, xương cổ tay gãy, mất máu khá nhiều.
Bàn tay đứt lìa của bệnh nhân được các bác sĩ khâu nối thành công
Sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định xử trí mổ cấp cứu khâu nối vi phẫu bàn tay đứt lìa cho anh L. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành thăm khám, hồi sức tích cực và bảo quản lại bàn tay đứt lìa.
Đầu tiên, ekip tiến hành xử trí trước bàn tay bị đứt lìa. Cắt lọc sạch mô dập lấy dị vật, bộc lộ bó mạch thần kinh quay, bó mạch thần kinh trụ, thần kinh giữa, tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền, tìm xác định gân gấp sâu các ngón từ 1 - 5, gân gấp cổ tay, gân duỗi cổ tay, gân duỗi các ngón.
Tiếp đó, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ, các bác sĩ tiến hành cố định xương, nối lại các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch) và các dây thần kinh, gân gấp và gân duỗi cho bệnh nhân.
Hiện tại, nam bệnh nhân đang phục hồi tốt |
Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, ca phẫu thuật vi phẫu khá phức tạp, các thao tác nối lại rất khó, cần sự khéo léo, tập trung cao độ, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm dày dặn.
Ở trường hợp này bệnh nhân đã được sơ cứu ban đầu tốt từ tuyến trước. Phần chi bị tổn thương cũng được băng ép, cầm máu; phần bàn tay bị đứt được bọc kín trong túi nylon và cho vào chậu nước đá và chuyển đến bệnh viện sớm (ở giờ thứ 3).
Bác sĩ Thống cho biết, để chi thể bị đứt rời sống được và phục hồi tốt được chức năng thì yêu cầu của cuộc phẫu thuật là phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: Kết xương, khâu nối gân cơ và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh.
Khi gặp trường hợp đứt lìa hay gần lìa chi (tay hay chân), người nhà cần phải làm sạch vết thương, băng ép cầm máu, bất động phần chi bị đứt hoặc ướp lạnh phần chi đứt lìa và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Để cuộc phẫu thuật nối chi thành công bác sĩ khuyến cáo, cần rửa sạch phần chi bị đứt rời dưới vòi nước máy, sau đó bọc trong một, hai lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch, rồi cho vào trong một túi nylon, thổi phồng, buộc kín và cho vào trong xô nước đá. Tốt nhất nên bảo quản ở nhiệt độ khoảng 4 - 5°C để kéo dài được thời gian sống của tế bào, tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì có thể gây bỏng lạnh.
Việc bảo quản phần chi đúng cách và phẫu thuật càng sớm thì tỉ lệ nối thành công cũng như khôi phục càng cao.