Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đang xác minh nam thanh niên điều khiển phương tiện có kiểu dáng giống xe phân khối lớn va chạm với phụ nữ đi xe máy khác khiến nạn nhân ngã ra đường, tiếp tục va chạm với ô tô cùng chiều.
Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, riêng với hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, nam thanh niên sẽ bị phạt đến 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe đến 3 tháng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ khác của thanh niên này để xử lý theo quy định của pháp luật như đi không đúng phần đường, thiếu chú ý quan sát, xem xét có giấy phép lái xe phù hợp hay không...
Luật Giao thông đường bộ quy định, người tham gia giao thông đường bộ phải đi đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ, phải chú ý quan sát và làm chủ tốc độ; không được quay đầu xe ở nơi cấm quay đầu, trong làn đường một chiều, khi chuyển hướng phải bật đèn tín hiệu và chú ý quan sát.
"Diễn biến qua clip cho thấy, nam thanh niên chuyển hướng mà không bật đèn tín hiệu, thiếu chú ý quan sát nên đã đâm vào xe của người phụ nữ bên cạnh dẫn đến người phụ nữ này mất lái và ngã ra đường...", ông Cường nêu quan điểm.
Nam tài xế đi xe máy mang biển số 29M1-999.00 va chạm với một xe máy khác trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội rồi bỏ chạy (Ảnh cắt từ clip)
Theo Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, hành vi này vi phạm luật giao thông đường bộ, nếu hậu quả làm nạn nhân tử vong hoặc thương tích 61% trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp hành vi gây tai nạn giao thông và hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP với nhiều lỗi cộng dồn như thiếu chú ý quan sát, không bật đèn tín hiệu, gây tai nạn giao thông chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, rời khỏi hiện trường không có trách nhiệm với người bị nạn...
Mức phạt vi phạm hành chính của nam tài xế sẽ là tổng hợp các lỗi vi phạm trong tình huống trên.
Luật sư Cường cũng cho hay, cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính của nam thanh niên, làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi của các bên, xác định hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, hậu quả chưa nghiêm trọng sẽ xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời có thể tước giấy phép lái xe có thời thời hạn.
Về nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, nếu có nhiều hành vi thì sẽ xử phạt ở nhiều mức khác nhau rồi cộng dồn để áp dụng một mức chung.
"Dưới góc độ pháp lý, hành vi của nam thanh niên là vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân", luật sư Cường phân tích.
Ngoài chế tài hành chính hoặc hình sự, người này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và thiệt hại về tài sản do hành vi gây tai nạn giao thông gây ra.