Nam thanh niên bị hoại tử da mặt sau tiêm filler nâng mũi

D.Thu, Theo Người lao động 15:59 12/12/2022

Sau khi tiêm filler để nâng mũi tại một spa, nam thanh niên 36 tuổi đã phải tìm đến bác sĩ trong tình trạng hoại tử vùng da mũi và trán.

Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 36 tuổi (ở Hà Nội) bị hoại tử toàn bộ vùng da mũi, trán và bị tắc một phần động mạch cánh mũi sau khi tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi tại một spa gần nhà.

Nam bệnh nhân cho biết sau tiêm filler, thấy có dấu hiệu bất thường nhưng anh tiếp tục chăm sóc vùng tiêm theo hướng của nhân viên spa. Một tuần sau đó, thấy vùng mũi có dấu hiệu sưng tấy, viêm nhiễm, vùng được tiêm tím đen, bệnh nhân mới đến bệnh viện.

Nam thanh niên bị hoại tử da mặt sau tiêm filler nâng mũi - Ảnh 1.

Bác sĩ khám da cho một nam bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

Tiến sĩ-bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng mũi bị chảy dịch nhầy, filler tràn xuống cánh mũi, mũi nổi mụn, sưng tấy, thâm tím và bị phồng lên. Nguyên nhân có thể do nhân viên thực hiện sai kỹ thuật, làm tắc động mạch khi tiêm filler. Do đến khám và điều trị quá muộn, nên sẽ bị sẹo vùng mũi, trán… không thể phục hồi như trước.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân 35 tuổi (ở Hà Nội) đến khám trong tình trạng vùng da xung quanh mắt mẩn đỏ, có mủ. Bệnh nhân cho biết đã đi tiêm botox để "xóa" nhăn. Tuy nhiên, sau khi tiêm, vùng da xung quanh mắt chị bỗng ngứa ngáy, nổi mẩn. Sau khi uống kháng sinh gần 1 tháng thấy không thuyên giảm, chị mới đến bệnh viện.

Theo bác sĩ Hà, hiện bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân phải nhập viện điều trị các biến chứng sau khi làm đẹp. Do thời gian từ nay đến tết không còn nhiều nên đa phần khách hàng chọn các phương pháp làm đẹp tạo sự thay đổi nhanh chóng như: Căng chỉ, tiêm botox, filler, mesotherapy (tiêm vi điểm trẻ hóa da)…

Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo những người đang có ý định làm đẹp bằng phương pháp nhanh như: Tiêm filler, botox... cần lựa chọn các cơ sở làm đẹp chính quy, được cấp phép với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, bằng cấp chuyên môn. "Các cơ sở được cấp phép không phải là các spa chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu… mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ..." - bác sĩ Hà lưu ý.