Nam sinh đỗ trường ĐH đỉnh nhất cả nước nhưng vẫn bị coi thường chỉ vì một công việc làm trước đó: 4 năm sau ai cũng sáng mắt!

Đông, Theo Thanh niên Việt 20:00 28/07/2025
Chia sẻ

Hành trình nỗ lực của nam sinh khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Năm 2019, nam sinh Lâm Vạn Đông đến từ Vân Nam (Trung Quốc) đã gây chú ý khi đạt 713 điểm trong kỳ thi đại học và đỗ vào Đại học Thanh Hoa - một trong những ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, khi giấy báo trúng tuyển được gửi về, điều khiến mọi người bất ngờ là Lâm Vạn Đông đang… làm phụ hồ tại công trường xây dựng, phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống. Khi câu chuyện này lan rộng, cậu lập tức trở thành hình mẫu vượt khó đầy cảm hứng. Hàng loạt trang tin đăng tải thông tin về Lâm Vạn Đông, còn cộng đồng mạng thì liên tục gửi lời chúc mừng và bày tỏ sự cảm phục.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều. Một số người đố kỵ mỉa mai cậu rằng dù có học Thanh Hoa thì sau này Lâm Vạn Đông cũng chỉ làm những công việc làng nhàng thôi. Thế nhưng, sau bốn năm học đại học, Lâm Vạn Đông đã lựa chọn con đường như thế nào?

Nam sinh đỗ trường ĐH đỉnh nhất cả nước nhưng vẫn bị coi thường chỉ vì một công việc làm trước đó: 4 năm sau ai cũng sáng mắt!- Ảnh 1.

Hành trình nỗ lực của nam sinh khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Cậu học trò nghèo và ước mơ đổi đời bằng con chữ

Lâm Vạn Đông sinh ra tại một ngôi làng nghèo ở xã A Đô, vùng núi sâu của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Gia đình có 6 người, gồm 3 anh em Lâm Vạn Đông, cha mẹ và một người ông đã già yếu. Cha mẹ Lâm Vạn Đông đều là những người lao động chăm chỉ, từng có giai đoạn kinh tế gia đình tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau một tai nạn lao động khiến cha cậu bị chấn thương cột sống và không thể làm việc nặng, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người mẹ.

Dù cuộc sống vất vả, mẹ của Lâm luôn giữ vững niềm tin vào việc học. Bà từng chứng kiến cảnh những người lao động tay chân vất vả cả ngày mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, trong khi những người có học vấn lại làm việc nhẹ nhàng hơn và thu nhập tốt hơn. Bà luôn nhắc nhở các con: “Chỉ cần có ước mơ, nhất định phải cố gắng học hành. Học mới có thể thay đổi số phận”.

Được mẹ truyền cảm hứng, 3 anh em Lâm Vạn Đông đều ngoan ngoãn, chăm học. Riêng Lâm Vạn Đông, với sự nỗ lực bền bỉ, ngày càng nổi bật và được thầy cô xem là “ứng viên cho vị trí thủ khoa”. Đến kỳ thi đại học năm 2019, cậu đạt 713 điểm, trở thành thủ khoa của thành phố Tuyên Uy và được Đại học Thanh Hoa tuyển thẳng.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển

Ngày giấy báo trúng tuyển được phát về, nhân viên bưu điện đến tận nhà nhưng không thấy nam sinh đâu. Sau một hồi hỏi han, người ta mới biết cậu đang cùng mẹ làm thuê tại công trường gần đó. Khi được thông báo, cả hai mẹ con vẫn đang lấm lem bụi vữa, tay chân thô ráp vì lao động nặng nhọc.

Dù chưa từng làm việc chân tay ngày nào, nhưng nam sinh vẫn cố gắng hết sức để giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Tay phồng rộp, người đau ê ẩm, nhưng cậu không nghỉ một ngày nào. Mẹ cậu từng khuyên con dừng lại nghỉ ngơi, nhưng Lâm Vạn Đông từ chối. Câu chuyện của Lâm sau đó được truyền thông ghi nhận rộng rãi, cậu trở thành biểu tượng của nghị lực và hiếu học.

Nam sinh đỗ trường ĐH đỉnh nhất cả nước nhưng vẫn bị coi thường chỉ vì một công việc làm trước đó: 4 năm sau ai cũng sáng mắt!- Ảnh 2.

Trong quá trình chờ điểm thi, cậu cùng mẹ làm thuê tại công trường gần nhà.

Trong khi phần lớn cư dân mạng đều ngưỡng mộ và gửi lời chúc phúc, một số người lại buông lời mỉa mai. Có người nói cậu dù học Thanh Hoa thì sau cũng chỉ là công chức bình thường với mức lương chả đáng là bao.

Bỏ ngoài tai mọi lời gièm pha, nam sinh vẫn tiếp tục đi làm, dành dụm tiền chuẩn bị bước vào đại học. Dù có thể vay vốn sinh viên, nhưng cậu vẫn muốn tự mình lo liệu, không để mẹ thêm vất vả.

Cuộc sống đại học

Ngày nhập học, Lâm Vạn Đông rời công trường, mang theo hy vọng và hành trang đến Bắc Kinh. Trong buổi lễ chào đón tân sinh viên, đích thân hiệu trưởng nhắc tên cậu, biểu dương tinh thần vượt khó. Điều đó khiến Lâm Vạn Đông cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh.

Tuy nhiên, khi học kỳ bắt đầu, cậu nhanh chóng cảm nhận những khó khăn mới. Cậu chọn chuyên ngành quản lý tự động hóa mà không có sự tìm hiểu kỹ. Đây là một ngành yêu cầu kiến thức nền tảng về máy tính và lập trình - thứ mà cậu gần như chưa từng được tiếp xúc khi còn học ở quê.

Nam sinh đỗ trường ĐH đỉnh nhất cả nước nhưng vẫn bị coi thường chỉ vì một công việc làm trước đó: 4 năm sau ai cũng sáng mắt!- Ảnh 3.

Lâm Vạn Đông chọn học ngành quản lý thông tin

Lịch học dày đặc, cộng thêm việc phải đi làm thêm để trang trải chi phí, khiến Lâm không thể theo kịp tiến độ học tập. Sau khi cân nhắc, cậu quyết định chuyển sang ngành quản lý thông tin tuy vẫn liên quan đến máy tính, nhưng nhẹ hơn và phù hợp với định hướng cá nhân hơn.

May mắn thay, các thầy cô hiểu và ủng hộ cậu. Sau khi chuyển ngành, Lâm chăm chỉ học tập, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa và dần bắt nhịp được với cuộc sống đại học. Khi đang dần ổn định, gia đình cậu lại gặp biến cố khi cha qua đời do tái phát đột quỵ. Sau tang lễ, Lâm Vạn Đông quay lại trường, tiếp tục học tập với quyết tâm càng cao hơn.

Tốt nghiệp Thanh Hoa, lựa chọn quay về quê hương

Năm cuối đại học, bạn bè xung quanh đều hướng đến con đường cao học hoặc tìm việc ở các thành phố lớn. Nhưng Lâm Vạn Đông lại chọn trở về quê. Cậu không học lên nữa vì biết bản thân không phù hợp với nghiên cứu. Cậu cũng không mưu cầu mức lương cao ở Bắc Kinh vì điều khiến cậu hạnh phúc hơn là được góp sức cho quê nhà.

Lâm dự thi tuyển dụng công chức tại tỉnh Vân Nam và trúng tuyển vào một vị trí tại huyện Đông Xuyên - một trong những vùng khó khăn nhất tỉnh. Dù nhiều người không hiểu vì sao cậu từ bỏ cơ hội ở thành phố để trở về vùng núi heo hút, nhưng với Lâm Vạn Đông, đây là con đường giúp cậu thực sự sống đúng với lý tưởng.

Nam sinh đỗ trường ĐH đỉnh nhất cả nước nhưng vẫn bị coi thường chỉ vì một công việc làm trước đó: 4 năm sau ai cũng sáng mắt!- Ảnh 4.

Trường Đại học Thanh Hoa nhắc đến tên cậu như một minh chứng cho sự nỗ lực.

Cậu từng viết trong nhật ký: “Thân thể nhỏ bé này không thể tạo ra những kỳ tích vĩ đại, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để nói lên tiếng nói công bằng cho người dân quê hương mình. Chỉ mong mỗi ngày cố gắng một chút, làm tròn bổn phận được giao”.

Trong công việc, Lâm Vạn Đông luôn nỗ lực, thường xuyên xuống cơ sở, lắng nghe dân và chia sẻ khó khăn. Cậu còn đỡ đầu hai học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh nghèo, giúp các em tiếp tục đến trường. Từ một cậu bé bước ra từ núi rừng, Lâm Vạn Đông đang lặng lẽ thay đổi cuộc sống của những người xung quanh, mang hơi ấm và hy vọng trở lại mảnh đất từng nuôi dưỡng mình.

Nam sinh đỗ trường ĐH đỉnh nhất cả nước nhưng vẫn bị coi thường chỉ vì một công việc làm trước đó: 4 năm sau ai cũng sáng mắt!- Ảnh 5.

Tốt nghiệp Thanh Hoa, nam sinh chọn về đóng góp cho quê hương.

Theo Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày