Tháng 6/2024, Tòa án Nhân dân quận Tĩnh An (Thượng Hải) đã đưa ra phán quyết về một vụ việc học sinh bị thương khi can ngăn bạo lực học đường.
Tổn thương mắt vì ngăn bạn đánh nhau
Vụ việc xảy ra vào tháng 4/2021, ba học sinh lớp 8 là Tiểu Hào, Tiểu Long và Tiểu Minh cùng học tại một trường trung học đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Tiểu Long đánh ngã Tiểu Minh xuống đất, sau đó ngồi lên cổ và liên tục đấm vào người bạn. Tiểu Hào khi đi ngang qua đã thấy sự việc và định đi tìm giáo viên can thiệp. Tuy nhiên, do giáo viên chủ nhiệm không có mặt trong phòng nghỉ gần đó, Tiểu Hào đã tiến đến can ngăn Tiểu Long. Bất ngờ, Tiểu Long quay lại và đấm thẳng vào một bên mắt của Tiểu Hào.
Nhà trường ngay lập tức đưa Tiểu Hào đến bệnh viện. Cậu được chẩn đoán bị tăng nhãn áp thứ phát và giãn đồng tử. Sau khi được các cơ quan chuyên môn giám định, Tiểu Hào được xác định bị tổn thương một bên mắt, dẫn đến thương tật cấp độ 10. Mẹ của Tiểu Long ban đầu đã ứng trước hơn 10.000 NDT (khoảng 35 triệu VND) chi phí điều trị nhưng sau đó không tiếp tục hỗ trợ. Trong khi đó, chi phí y tế của Tiểu Hào đã lên tới hơn 30.000 NDT (khoảng 104 triệu VND). Tiểu Hào còn phải đối mặt với nguy cơ tổn thương mắt không thể phục hồi, thị lực giảm sút và cần điều trị định kỳ trong thời gian tới.
Đổ lỗi cho nạn nhân
Bức xúc trước tình hình này, gia đình Tiểu Hào đã đệ đơn kiện Tiểu Long, cha mẹ Tiểu Long và trường trung học lên tòa án, yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 210.000 NDT (khoảng 732 triệu VND) cho các thiệt hại đã phải gánh chịu. Gia đình nạn nhân cho rằng Tiểu Long và cha mẹ cậu ta phải chịu trách nhiệm chính, đồng thời nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm do không hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và quản lý học sinh.
Phía bị đơn lập luận rằng Tiểu Hào mới 15 tuổi, khi gặp sự việc bất ngờ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của giáo viên. Hơn nữa, phòng giáo viên cũng ở gần đó nên Tiểu Hào không nên tự ý can thiệp vào vụ ẩu đả. Do đó, Tiểu Hào cũng có lỗi và phải tự chịu 40% trách nhiệm. Họ cho rằng nhà trường nên chịu 30% trách nhiệm, còn Tiểu Long và cha mẹ chỉ nên chịu từ 20% đến 30% trách nhiệm.
Phía nhà trường thì cho rằng họ không chịu trách nhiệm vì người trực tiếp gây ra thương tích cho Tiểu Hào là Tiểu Long chứ không phải nhà trường. Khi sự việc xảy ra, các thầy cô đã ngay lập tức đưa Tiểu Hào đi bệnh viện, vì vậy họ không có lỗi trong việc xử lý tình huống.
Kết luận của tòa án
Tòa án sau khi xem xét các bằng chứng, bao gồm lời khai của các bên liên quan và video ghi lại sự việc, đã kết luận rằng hành vi gây thương tích của Tiểu Long là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc. Vào thời điểm xảy ra sự việc, Tiểu Long là học sinh lớp 8, đáng lẽ phải có khả năng phân biệt đúng sai và kiểm soát cảm xúc của mình. Tuy nhiên, cậu ta lại đánh bạn học trong giờ ra chơi và tấn công cả người đến can ngăn, hành động bốc đồng, không lường trước hậu quả. Do đó, Tiểu Long và gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này.
Hành động can ngăn bạo lực học đường của Tiểu Hào không những không có lỗi mà còn đáng được khen ngợi. Việc Tiểu Long đánh bạn trong giờ ra chơi mà không có giáo viên nào phát hiện và can thiệp cho thấy nhà trường đã thiếu sót trong việc quản lý học sinh. Do đó, nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ việc này.
Căn cứ vào mức độ lỗi của các bên, nguyên nhân gây ra thương tích và tình hình thực tế của vụ án, tòa án quyết định Tiểu Long và cha mẹ phải chịu 70% trách nhiệm bồi thường, trường trung học chịu 30% còn lại. Sau khi trừ đi số tiền đã ứng trước, Tiểu Long và cha mẹ phải bồi thường cho Tiểu Hào hơn 120.000 NDT (khoảng 418 triệu VND), nhà trường phải bồi thường 60.000 NDT (khoảng 209 triệu VND).
Thẩm phán Lưu Sa, người phụ trách vụ án này, nhận định rằng phần lớn trẻ vị thành niên chưa trưởng thành về tâm lý và nhận thức, dễ bị kích động và mất kiểm soát. Vì vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, chúng có thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu trẻ vị thành niên xâm phạm đến quyền sống, sức khỏe, thân thể, danh dự, nhân phẩm… của người khác thì người giám hộ phải chịu trách nhiệm dân sự. Trong trường hợp nghiêm trọng, bản thân trẻ vị thành niên cũng có thể phải đối mặt với hình phạt hình sự hoặc hành chính.
Việc bảo vệ an toàn trường học cần sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Nhà trường cần thiết lập cơ chế phòng chống bạo lực học đường, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật, tăng cường quản lý và giáo dục học sinh, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây gổ, đánh nhau. Cha mẹ cần hướng dẫn con cái cách ứng xử đúng đắn với bạn bè, giữ bình tĩnh khi xảy ra mâu thuẫn, giúp con hình thành ý thức tuân thủ quy tắc, không trở thành kẻ gây ra bạo lực và dũng cảm nói không với bạo lực học đường.
Theo QQ