"Giấc mơ Mỹ" luôn là mục tiêu của không ít những du học sinh bởi những lời hứa hẹn vô hình về môi trường học tập vượt bậc và cơ hội phát triển tại đây. Chính lý do này đã khiến xứ sở cờ hoa luôn là đích đến của nhiều bạn trẻ, thậm chí nhiều trường hợp còn không ngại bỏ dở việc học tại Việt Nam để "khăn gối" lên đường.
Tuy nhiên, đã có không ít người nhanh chóng rơi vào trạng thái hoang mang khi phải bắt đầu lại cuộc sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Bên cạnh những "cú sốc" về văn hóa, họ còn trải qua cảm giác lạc lõng và không có được sự kết nối, thậm chí tự ti và hoài nghi với sự lựa chọn của bản thân.
Mới đây, trong một nhóm của cộng đồng du học sinh tại nước ngoài đã xuất hiện bài đang nhận về sự quan tâm từ đông đảo netizen. Cụ thể, tài khoản ẩn danh này cho biết bản thân đã thất vọng khi sang Mỹ vì không thể hòa nhập được cộng đồng và cảm thấy áp lực khi nhìn thấy bạn bè trong nước đều có được nhiều thành tựu.
"Em qua đây theo diện định cư bảo lãnh và đã ở được 1 năm rưỡi. Vào năm 2022, sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở Việt Nam, em đã nỗ lực hết sức để vào được Đại học Y Dược TP.HCM. Tuy nhiên, sau 3 tháng, em từ bỏ mọi thứ và sang Mỹ. Ban đầu, em rất háo hức và mong chờ, nhưng thực tế lại khiến em vô cùng thất vọng. Hiện tại, em vừa đi làm nail part-time vừa đi học", tài khoản này cho hay.
Cuộc sống ở đất nước xa lạ với nhiều khác biệt khiến nam sinh hụt hẫng (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân đến từ việc cậu bạn này không có được bất kỳ sự kết nối vào trong suốt thời gian qua hoặc các mối quan hệ chỉ kéo dài trong thời gian rất ngắn. Vấn đề này cũng vô tình ảnh hưởng đến kết quả học tập khiến điểm số của nam sinh này bị tụt đáng kể, thậm chí trở nên hoang mang khi không biết phải bắt đầu lại từ đâu.
"Nhìn xung quanh em ai cũng đi làm và bạn bè em ở Việt Nam thì cũng bắt đầu đi thực tập. Em cũng không còn liên lạc nhiều với các bạn bè cũ của mình. Phần là vì cuộc sống ai giờ cũng khác và phần vì em tự ti, em thấy bản thân mình kém cỏi", nam sinh này viết.
Câu chuyện của nam sinh 2k4 trên đã phản ánh rất chân thực về thực trạng thiếu định hướng trong học tập và mong muốn tương lai của nhiều người. Thay vì nhìn vào sự phù hợp về kế hoạch bản thân, một số lại nhìn nhận vào "thực tế ảo" của cuộc sống tưởng chừng "màu hồng" ở nước ngoài.
Bên cạnh việc có được nền tảng kiến thức, cũng như lộ trình học tập rõ ràng và trình độ tiếng Anh tốt, du học sinh cũng cần lưu ý đến vấn đề định hướng của bản thân ở tương lai. Việc không thể hòa nhập vốn là điều rất bình thường mà du học sinh nào cũng phải trải qua, vì vậy việc học thêm kỹ năng thích nghi cũng là điều nên cải thiện trước khi đến môi trường mới.
"Việc học là chạy đường trường mà, cứ bền bỉ mà học. Bây giờ đi làm thêm không đúng ngành sẽ cảm thấy rất kém cỏi, nhưng có cách mà. Em vẫn đang có cơ hội được học, được làm cho thời sinh viên được rực rỡ nhất. Hãy thử đi tìm hiểu tất cả các workshop, event, program liên quan đến ngành của mình đi! Em sẽ tìm thấy cơ hội được học hỏi và phát triển trong đó", một du học sinh khác chia sẻ.
1. Thông tin
Việc lưu trữ giấy tờ, các thông tin cá nhân là điều vô cùng quan trọng giúp du học sinh có thể dễ dàng quản lý và kiểm soát hơn. Đặc biệt là những giấy tờ có liên quan đến bản gốc, bản mềm... những thứ dễ thất lạc và khó có khả năng phục hồi.
Nhiều người đã "vỡ mộng" chỉ sau thời gian ngắn sinh sống ở nước ngoài nếu không được chuẩn bị cẩn thận từ tài chính đến tinh thần (Ảnh minh họa)
2. Giấy tờ
Các loại giấy tờ chứng minh nhân thân, giấy khám sức khỏe hay trình độ học tập như bằng tiếng Anh cần được chuẩn bị kỹ càng trước khi sang nước ngoài. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết trong quá trình xử lý hồ sơ tại một số trường đại học, cũng như giúp sinh viên có được những ưu đãi tại một số đất nước.
3. Tâm lý
Việc chuẩn bị tâm lý là vô cùng quan trọng để tránh việc "vỡ mộng" khi sang nước ngoài bởi cuộc sống thực tế luôn rất khác so với trên truyền thông, phim ảnh. Bên cạnh đó, cần có sự tìm hiểu về văn hóa đất nước, trường sẽ học hay khu vực định cư để tránh những "cú sốc" khi lần đầu đặt chân đến đây.
4. Nhà ở
Vấn đề nhà ở cũng nên được chú ý không kém khi sang nước ngoài, cần xem xét kỹ càng về địa điểm, giá cả và các tiện ích có tại đây. Bên cạnh việc có được môi trường học tập thật sự tốt trong suốt thời gian dài, việc sinh hoạt và có được một nơi ở thoải mái cũng quan trọng vì chúng có liên quan đến sức khỏe tinh thần.
5. Tiền
Tiền tệ và mệnh giá của mỗi quốc gia đều khác nhau nên cần có sự tìm hiểu để chi tiêu hợp lý, cũng như có thể tiêu dùng và mua sắm vừa vặn hơn với điều kiện bản thân.
6. Đồ dùng cá nhân
Các quốc gia đều đã được trang bị các vật dụng cá nhân đầy tiện ích với giá thành hợp lý nên không cần mang quá nhiều sang nước ngoài. Trước khi chính thức rời Việt Nam, nên cân nhắc những đồ dùng thật sự cần thiết, không thể thiếu hoặc khu vực mình sẽ sinh sống không có.
Tổng hợp