Tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra sáng 24/12 tại Hà Nội, chia sẻ về câu chuyện tiền lẻ vào dịp Tết Nguyên đán 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đây là câu chuyện luôn được đề cập mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đặc biệt, năm nay NHNN sẽ siết chặt hơn việc đổi tiền lẻ vì cần phải tiết kiệm ngân sách trong việc in thêm tiền lẻ. Trong mấy năm gần đây NHNN đã tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng từ việc siết chặt này.
“5-6 năm nay, NHNN làm rất quyết liệt và đã có sự phối hợp cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông. Chúng tôi tin tập quán, thói quen của người dân trong việc dùng tiền lẻ để đi lễ đầu năm sẽ dần dần được loại bỏ. Về phía NHNN, chúng tôi vẫn sẽ hạn chế in thêm tiền lẻ để tiết kiệm kinh phí cho nhà nước. Về mặt pháp lý, NHNN không có chức năng phục vụ nhu cầu tiền lẻ trong dịp này” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại buổi họp báo
Ngoài câu chuyện tiền lẻ, việc đảm bảo hoạt động thông suốt của các máy ATM dịp Tết Nguyên đán cũng là câu chuyện được người dân quan tâm. Theo ông Tú, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cố gắng phục vụ tốt nhất, đặc biệt là tại các địa phương có khu công nghiệp tập trung đông người lao động.
“Thậm chí chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại lập các bàn lưu động ở các khu công nghiệp để phát tiền cho khách hàng. Nếu cứ xếp hàng ở các máy ATM thì người dân cũng khổ mà ngân hàng cũng khổ. Những giải pháp này đã được triển khai trong mấy năm gần đây nên câu chuyện tắc nghẽn ATM đã giảm đi nhiều so với mấy năm trước”, ông Tú khẳng định.
Đối với vấn đề tín dụng đen, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng sẽ nỗ lực hết mình để tín dụng đen không có cơ hội để tiếp cận người dân.
Theo ông Tú, vừa qua NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng.
“Nếu làm tốt được việc này, tín dụng đen sẽ không có cơ hội để tiếp cận người dân. Vừa qua NHNN đã phối hợp với Bộ Công an làm thí điểm tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình để truyền thông cho người dân về tín dụng tiêu dùng và đạt kết quả rất tốt. Người dân chúng ta có suy nghĩ việc vay vốn ngân hàng là khó khăn, phức tạp, nhưng đã có những ngân hàng thương mại cổ phần tiếp cận các xã ở vùng nông thôn để cho vay”, Phó Thống đốc cho hay.
Theo Phó Thống đốc, các đối tượng cho vay tín dụng đen không cần biết người vay là ai, chỉ cần biết họ đang sống trong ngôi nhà đó và có người quen thân là những ai là có thể cho vay, sau đó sử dụng cách đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Nhưng tín dụng ngân hàng là đối tượng chịu sự quản lý của pháp luật nên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.