Thương vong tiếp tục tăng
Hãng Tân Hoa xã dẫn thông tin từ chính quyền quân sự Myanmar cho biết, tính đến ngày 2/4, số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng hôm 28/3 đã tăng lên thành 2.886 người. Ngoài ra, còn có 4.639 người khác bị thương và 373 người vẫn đang mất tích.
Trước đó, ngày 1/4, trong bài phát biểu trên truyền hình, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết số người chết đã lên tới 2.719 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 3.000. Bên cạnh đó là khoảng 4.521 người bị thương và 441 người mất tích, nhưng con số thực tế được cho là có thể cao hơn nhiều.
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể ra khỏi đống đổ nát. (Ảnh: AFP)
Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, quy mô tàn phá của thảm họa động đất cũng chưa rõ ràng, khi có những thông tin về một thị trấn gần Mandalay có 80% các công trình bị sập nhưng chưa thể xác minh do gián đoạn viễn thông.
Trong khi đó, kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh thành phố Mandalay bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo của Phòng thí nghiệm AI for Good thuộc Microsoft cho thấy có 515 tòa nhà bị hư hại từ 80-100% và 1.524 tòa nhà khác bị hư hại từ 20-80%.
Nhân viên dịch tễ phun khử trùng những nơi nồng nặc mùi tử khí. (Ảnh: AFP)
Liên hợp quốc đã cảnh báo thảm họa động đất có thể làm trầm trọng thêm nạn đói và nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở một quốc gia vốn đã có gần 20 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo do chìm trong nội chiến liên miên.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết đã nhận được báo cáo về 3 bệnh viện bị phá hủy và 22 bệnh viện bị hư hại một phần, trong số hơn 10.000 công trình bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng ở miền Trung và Tây Bắc Myanmar.
Quy mô tàn phá của thảm họa động đất cũng chưa rõ ràng do sự gián đoạn viễn thông. (Ảnh: AFP)
Lực lượng cứu hộ của Việt Nam, Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu thành công một nam thanh niên mắc kẹt trong đống đổ nát, ngày 2/4.
Thi thể chồng chất tại các lò hỏa táng
Kể từ khi trận động đất xảy ra hôm 28/3, xe cứu thương liên tục đưa thi thể các nạn nhân đến lò hỏa táng ở khu phố Kyar Ni Kan ở ngoại ô thành phố Mandalay.
Khu hỏa thiêu của một lò hỏa táng ở ngoại ô thành phố Mandalay. (Ảnh: AFP)
Một nhân viên của nhà hỏa táng cho biết, khoảng 300 thi thể đã được chở tới đây, riêng ngày 30/3 có tới 100 người, buộc họ phải làm việc thêm sáu giờ so với giờ đóng cửa thông thường. Cho đến hôm nay, lò hỏa táng vẫn trong tình trạng quá tải.
Nay Htet Lin, người đã đưa khoảng 80 thi thể vào lò hỏa táng kể từ trận động đất, cho biết: "Vào ngày đầu tiên của trận động đất, chúng tôi đã giúp những người bị thương đến bệnh viện. Nhưng vào ngày thứ hai, chúng tôi chỉ còn mang theo những người đã mất".
Theo lời kể của một nhân viên, thi thể nhỏ tuổi nhất là một em bé sơ sinh, được sinh ra trong trận động đất ở Myanmar, thậm chí em còn quá nhỏ để được đặt tên.
Một nhóm tình nguyện viên đưa các thi thể từ bệnh viện đến nhà hỏa táng. (Ảnh: AFP)
Hỏa táng là một giáo lý cốt lõi của đức tin Phật giáo, với những người theo đạo Phật tin rằng hình thức hỏa táng giúp giải thoát linh hồn khỏi cơ thể và tạo điều kiện cho sự tái sinh trong một cuộc sống mới.
Công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn
Trận động đất có độ lớn 7,7 đã tàn phá miền Trung Myanmar, khiến hàng chục nghìn người phải di dời và gây ra sự tàn phá trên diện rộng trong khu vực. Tình hình càng trở nên phức tạp do xung đột vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tại khu vực Sagaing, khiến việc đưa hàng cứu trợ tới các vùng bị ảnh hưởng trở nên vô cùng khó khăn.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 1/4, liên minh gồm 3 nhóm vũ trang sắc tộc cam kết ngừng bắn đơn phương trong 1 tháng để tạo thuận lợi cho công tác viện trợ nhân đạo.
Tình hình càng trở nên phức tạp do xung đột vẫn tiếp diễn tại Myanmar. (Ảnh: AP)
Các tổ chức viện trợ quốc tế đã yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar cho phép nhân viên cứu trợ được tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, kể cả những vùng do lực lượng đối lập kiểm soát. Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) cho biết công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn do giao thông gián đoạn và cơ sở hạ tầng bị tàn phá.
Cũng theo UNOPS, có hơn 28 triệu người ở Myanmar đang bị ảnh hưởng và hiện cơ quan này mới chỉ huy động được 12 triệu USD để cung cấp ngay thực phẩm, thuốc men, nước, nơi trú ẩn, vệ sinh, hỗ trợ sức khỏe tâm thần và một số dịch vụ thiết yếu khác.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn. (Ảnh: AFP)
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang tích cực hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Australia ngày 2/4 công bố khoản viện trợ trị giá 6,5 triệu AUD (khoảng 4,1 triệu USD) để hỗ trợ nhân đạo Myanmar thông qua các đối tac quốc tế và địa phương. Chính phủ Trung Quốc cam kết viện trợ khẩn cấp 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 13,7 triệu USD), đồng thời cử đội cứu hộ đến vùng bị ảnh hưởng. Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã chuyển ngay 1,5 triệu nhân dân tệ (gần 207.000 USD) tới Hội Chữ thập đỏ Myanmar.
Tòa nhà bị đổ sập tại Bangkok, Thái Lan, do ảnh hưởng của trận động đất ở Myanmar hôm 28/3. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)