Thực phẩm bẩn làm mất luôn cả niềm tin vào sự tử tế
* Mỹ Linh nói: Tôi nghĩ, thực phẩm bẩn đã có từ lâu. Nó đã thực sự hiện hữu trong bữa ăn của tất cả các gia đình Việt Nam và nguy hiểm nhất là từ đó, người ta mất niềm tin vào xã hội.
Rõ ràng, chỉ có những người tự tay trồng hay nuôi thực phẩm để ăn thì mới có thể tin đó là thực phẩm sạch. Còn những người không có thời gian, điều kiện, thì họ đang sống với kiểu: Chẳng biết điều gì sẽ chờ đợi mình sau từng bữa ăn.
Nó bắt nguồn từ cái thói quen lừa dối của một bộ phận người Việt. Sự lừa dối như một thói quen và họ không nghĩ rằng sự lừa dối đó là nguy hiểm cho đồng loại.
Để rồi bây giờ, kể cả có người làm thực phẩm sạch cũng không mấy ai tin nữa. Mảnh đất sống cho sự lương thiện ở những việc làm cụ thể như thế này gần như hẹp lại.
Khi niềm tin không còn, nó huỷ hoại tất cả mọi thứ. Nó huỷ hoại từ những gì cầm nắm đến những giá trị vô hình. Nó huỷ hoại cả một nền nông nghiệp, gieo những cái chết vô hình, huỷ hoại niềm tin, huỷ hoại luôn cả những nỗ lực làm nên điều tốt đẹp trong lĩnh vực ấy.
* Nhiêu đó thôi, tôi nghĩ, đã đủ để cho niềm tin bị mất?
Chưa đủ. Sự bất lực trong quản lý nữa. Một đám cháy lớn người ta không dập nổi vì có thể người ta không dập ngay từ đầu và để đám cháy quá lớn. Dù là gì cũng đều là không dập được. Tức là anh không quản lý được.
* Nên những điều đó là lý do mà chị "bỏ phố về quê" làm "nông dân", tự chăn nuôi trồng trọt?
Đúng thế. Tôi cũng như không ít người dân Việt Nam, không còn niềm tin vào thực phẩm "đồng loại" bán cho mình.
Tôi nuôi gà, nuôi cá, trồng rau ở Sóc Sơn. Lợn thì em tôi nuôi. Giờ không quá lo bài toán thực phẩm dù lúc đầu chưa biết cách nên cũng mò mẫm nhiều lắm, và khá chật vật.
Bây giờ chúng tôi làm mô hình vườn-ao-chuồng, tự ủ phân xanh để bón, học thêm một số công nghệ của Nhật để phát triển nông nghiệp tại nhà. Không ai cứu mình thì mình tự cứu mình thôi. Nói chung, tự đi tìm nguồn thức ăn sạch thì phải chiụ khó, chịu khổ thôi.
* Chị làm tất cả ư?
À, không, cũng phải có người giúp chứ. Nhưng tôi cũng phải nhúng tay vào làm vì phải tự mình làm thì mình mới biết nó sạch hay là không. Gì chứ chịu khó không phải là điều gì ghê gớm với tôi cả.
Hơn nữa, tôi cũng xem các tài liệu nông nghiệp, bổ sung thêm một số kiến thức cần thiết cho những người làm. Người làm vườn họ vẫn làm theo thói quen chứ chưa hẳn là cập nhật được công nghệ.
Tôi cũng "tầm sư học đạo" các kiểu, cũng hỏi các chuyên gia rồi về tự làm. Khi làm thành công thì tôi lại chỉ dẫn cho người làm để họ làm tốt. Tôi không phải làm thử mà là làm thật. Ở nhà tôi là thế, mình không thể chỉ nói mà là phải làm.
* Câu chuyện Mỹ Linh đảm đang nữ công gia chánh, trong giới văn nghệ sĩ, đã quá nổi tiếng rồi…
Tôi không nghĩ tôi là người đảm đang, mà là người ham học hỏi. Không bao giờ tôi ngại học cái mới, và luôn chịu khó để cập nhật những nguồn thông tin mới. Đặc biệt là những gì liên quan đến bữa ăn của cả gia đình tôi.
Tôi ảnh hưởng nhiều bởi mẹ chồng, một người phụ nữ Bắc rất…phụ nữ. Bà quán xuyến, lo toan toàn bộ việc chăm sóc gia đình và xem đó như là một sứ mệnh của cuộc đời bà. Bà đặc biệt quan tâm đến bữa ăn của gia đình: ngon, an toàn.
Nó không chỉ đơn thuần là ăn cho no, cho ngon, mà nó là sức khoẻ, là tính mạng của cả gia đình mình nữa.
* Nếu tôi đóng vai nhiều người dân bên ngoài, tôi có thể nói chị đang lo lắng quá mức về thực phẩm bẩn. Phải thế không, và vì sao lại thế, thưa chị?
Từ chồng tôi. Chuyện là trước đây, anh ấy bị ngộ độc thực phẩm, tụt huyết áp đến mức không thể đo được. Suốt 6 tháng trời, sức khoẻ của anh ấy hoàn toàn không ổn.
Có những điều người ta nghĩ đơn giản, giống như kiểu "ừ dễ dàng như mua bó rau", hay "ăn uống là chuyện nhỏ", nhưng nó thực sự là tính mạng của mình đấy.
Hát hay, viết nhạc hay cũng chẳng để làm gì nếu không tự bảo vệ được mình từ những thứ "đơn giản", "dễ dàng" như thế.
Những đứa trẻ cần thực phẩm sạch để phát triển bình thường
* Nhân nhắc đến câu chuyện của Anh Quân, tôi chợt nhớ Anh Quân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội từ cái thời Hà Nội chưa nhuốm bởi thực phẩm bẩn. Anh ấy về nước, gặp cú sốc ấy, có bao giờ anh ấy lại muốn quay lại những cánh đồng Nga trong trẻo?
- Cũng chẳng thấy bao giờ anh ấy nói chuyện này, nhưng sau vụ anh Quân ngộ độc, thực sự chúng tôi không thể đánh cược tính mạng của mình với thực phẩm bẩn được nữa.
Chúng tôi về đây (Sóc Sơn, Hà Nội) đã được 8 năm, một nơi rất xa trung tâm thành phố, môi trường trong lành hơn, ăn uống sạch, sức khoẻ ổn hơn.
Quan trọng nhất là con cái. Chúng cần thực phẩm sạch để phát triển bình thường.
* Nhưng nhìn ra bên ngoài, bao nhiêu đứa trẻ có may mắn có được "thực phẩm sạch để phát triển bình thường" đâu ạ?
- Chúng ta nên chia ra hai góc nhìn: Một là những đứa trẻ đó không phát triển bình thường vì thực phẩm bẩn nghĩa đen, và mặt khác chúng không thể bình thường khi chứng kiến những cái ác mà đồng loại đang thể hiện, cái dối trá mà đồng loại đang gieo rắc.
Tôi nghĩ, thực phẩm bẩn không chỉ là một vấn đề xã hội nữa mà đã thành một vấn nạn xã hội, một vấn nạn đạo đức. Điều này đã từ rất lâu rồi. Và đạo đức trong vấn đề thực phẩm song hành cùng những sự xuống cấp đạo đức ở các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế…
Mà xuống cấp nhất là đạo đức gia đình. Trong gia đình, người ta không thể dối nhau cái việc mà họ đang dối trá đồng loại. Và sự dối trá cứ thế lây lan thôi. Thế thì hơi khó khăn cho một đứa trẻ phát triển bình thường.
* Từ gia đình mình, "tự lo được" dẫu sao cũng có điều kiện, nhưng khi nhìn ra xã hội, thấy đồng loại đang sống với những điều mà chị lo sợ, chị nghĩ gì?
- Đau xót. Là người Việt đang giết nhau giữa những điều bình thường nhất, trong cái ăn cái uống mỗi ngày.
Tôi bảo vệ được gia đình mình, nhưng rồi con tôi đến trường, chồng đi ăn tiệc, cũng đâu phải lúc nào cũng tự bảo vệ được trọn vẹn. Chúng tôi cùng sống trong một xã hội, không thể thu mình lại mà sống trong gia đình mình được.
Đau xót cho người khác, nhưng chính mình cũng là nạn nhân.
* Và chị thấy bất lực?
- Một xã hội mà đến cả cái ăn cũng bị đầu độc bởi lòng tham, đạo đức thì xuống cấp như thế, rất nhiều trí thức và văn nghệ sĩ tử tế, cảm thấy bất lực. Và điều đáng buồn, là tiếng nói của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đang bị xem nhẹ.
Những tiếng nói đó đã trở thành yếu ớt, thậm chí bị dập tắt bởi duy nghĩ: Nói không thay đổi được gì nên không buồn nói nữa.
Những người khác thì bị cuốn vào guồng và bị tha hoá cùng. Nhóm cuối cùng đi một nơi khác để tìm sự bình yên cho chính mình.
Thực tế cho thấy, nhiều con người tinh hoa không ở lại dựng xây đất nước nữa. Những kẻ tham lam có cơ hội trỗi dậy. Kẻ tham lam đã hàm chứa cái ác trong vô thức, họ bám lấy cơ chế, vơ vét mặc cho đồng bào mình nguy hiểm đến thế nào.
Làm được. Nhưng vấn đề là có chịu làm không?
* Chị có nhắc đến giới "tinh hoa", trong đó có nói đến văn nghệ sĩ. Nhưng văn nghệ sĩ nhà mình, một số người đã tự phê: Cũng hèn lắm; cũng tham lắm, và họ mải khoe khoang để tồn tại trong cái thị trường giải trí lộn xộn, thì đâu biết cái gì khác của xã hội, ngoài tiền?
-Cái này ở nước nào cũng thế thôi, có rất nhiều loại văn nghệ sĩ. Nhưng nó là bộ phận nhỏ thôi. Đừng lấy bề nổi để đánh giá chung. Còn các hoạ sĩ, nhạc sĩ, các nghệ sĩ lớn…, họ cũng trăn trở nhiều lắm.
Nhưng ở một nơi mà nhiều trí thức nghệ sĩ lớn im lặng vì không buồn nói, giới nghệ sĩ trẻ thì mải chạy theo hào nhoáng, gom lại, thành một trạng thái nguội lạnh. Nguội lạnh trước nỗi đau của đồng bào mình.
Tôi cho rằng, vấn nạn thực phẩm bẩn, nó đang là một nỗi đau. Tóm lại là không ai bảo được ai.
* Có bao giờ chị nghĩ, thực phẩm bẩn hoành hành, một phần không nhỏ vì lối sống, vì ý thức của người ăn ở xứ ta nữa, khi mà cái gì, con gì, dù lớn dù nhỏ cũng có thể cho vào miệng?
-Đó cũng là một phần. Thế nên tôi mới nói không ai bảo được ai, không ông nào nghe ông nào, không có cái gương nào để người khác soi vào cả.
* Có bao giờ chị nghĩ mình sẽ thuộc đối tượng thứ 3 như chị kể, chán đến mức muốn tìm một nơi khác để bảo vệ sự yên bình cho mình và gia đình, khi mà "đến cả cái ăn hàng ngày cũng không còn an toàn"?
- Chán thì có nhưng đi thì không. Chán thì không riêng tôi mà nhiều người cũng chán tương tự, thậm chí chán hơn nhiều.
Nhưng nhìn đi có nhìn lại, mọi đất nước đều có vấn đề của nó. Nên nhìn vấn đề một cách sâu hơn để tìm một thái độ phù hợp và một quyết định đúng đắn.
Không có nơi nào hoàn hảo và tôi chưa bao giờ tôi có ý định ra đi. Nhưng con cái, chúng tôi đã cho chúng học một hệ thống riêng từ lâu rồi.
Không lựa chọn được cho mình, chúng tôi lựa chọn cho con. Còn việc con chọn sống ở xứ nào, thì đó là quyền của nó.
* Và người nghệ sĩ của công chúng – là chị, sẽ làm gì để góp một tiếng nói khi mà "người Việt đang rất ác với nhau"?
Sống cho tử tế để xã hội có một nghệ sĩ tốt, là một cách. Tôi chọn cách đó.
Còn kêu gọi ư? Cũng tốt đấy nhưng nếu luật pháp trong những lĩnh vực như xử thực phẩm bẩn, không thực thi nghiêm được, thì sự kêu gọi đó vô nghĩa.
Kêu gọi mà không được hành động thì cũng chỉ là kêu gọi suông, như đá ném xuống hồ. Tiếng nói của nhiều người phải đặt cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Tôi tin, tất cả người dân đêù nhìn ra vấn đề và hầu hết đều nói không với thực phẩm bẩn, vì ảnh hưởng trực tiếp đến họ, nhưng hầu hết đang hiểu, có rung chuông cũng chẳng lay động được ai.
Mọi quốc gia tiến bộ và người dân sống an toàn cũng từ hệ thống luật pháp. Luật nghiêm. Người thực thi nghiêm.
Những người lãnh đạo yêu nước, vì dân nhìn ra điều này để hành động thay đổi tận gốc. Phải có chính sách, chế tài.
Luật pháp cần nghiêm minh đến mức những cái ghế không mua được, thì may ra mọi thứ tiêu cực, bất công mới được hạn chế. Bởi vì nếu mua được, thì người ta phải lấy lại vốn.
Những con người được bầu ra, có tài có đức thực sự, họ mới lan toả được bằng đạo đức của họ, bằng tài năng của họ. Còn nếu không, chẳng thay đổi gì được. Nói ai nghe?
Mà chẳng riêng thực phẩm bẩn đâu. Giờ cái gì cũng có nguy cơ bẩn. Môi trường, ứng xử, đạo đức, quan hệ người người…, nhuốm bẩn nhiều.
Thôi thì tin, là sẽ có một thế hệ mới làm mọi thứ sáng sủa hơn. Tin và chờ, dù biết cái gì cũng cần thời gian.
* Hà Nội không vội được đâu! Và hình như Việt Nam cũng không vội được!
Ôi, các vị ấy làm được hết ấy mà. Những cái kinh khủng hơn còn dẹp được, dẹp nhanh, nói gì là thực phẩm bẩn?
Thực phẩm bẩn, theo tôi vấn đề ở đây là họ không muốn làm, hoặc làm "lưng chừng". Nếu muốn làm, sẽ làm được. Vấn đề là sự quyết tâm và sự mạnh mẽ ấy đến đâu. Chính quyền có đầy đủ công cụ trong tay mà dân mình thì luôn biết nghe điều phải.
Đấy, muốn toàn dân đội mũ bảo hiểm, dân đội. Muốn cái này cái kia được hết. Thì muốn dân bảo vệ tính mạng của mình, lẽ nào dân không hưởng ứng?
Chưa làm được thấu đáo, chứng tỏ là quyết tâm chưa cao và cái tâm vì cộng đồng chưa đủ lớn. Cái an toàn trong những điều bình thường của người dân như cái miếng ăn, mà không bảo vệ được, thì không ổn!
ĐĂNG KÝ THAM DỰ DIỄN ĐÀN: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH
Sáng 23.8.2016, tại khách sạn Melia Hà Nội, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH, với sự góp mặt của gần 400 đại biểu, nhà quản lý và những chuyên gia hàng đầu:Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển; TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; Doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH; GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; Ca sĩ Mỹ Linh; TS. Hoàng Đình Chân, GĐ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt; Ông Nguyễn Đình Toàn. GĐ cao cấp ngành hàng Café – Masan Consumer; Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tich Ủy ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công; Ông Đoàn Văn Vươn…