Mỹ: Dự luật cho phép trẻ vị thành niên tự quyết định tiêm chủng không cần ý kiến bố mẹ

ZKnight, Theo Trí thức trẻ 10:59 13/03/2019
Chia sẻ

Những đứa trẻ bây giờ còn biết phân biệt thông tin thật giả trên internet tốt hơn cả bố mẹ.

Sau dịch sởi bùng phát ở Brooklyn và Rockland, và trong bối cảnh lo ngại về phong trào chống vắc-xin đang diễn ra tại Mỹ, hai nhà lập pháp tại New York đang đề xuất cho phép trẻ vị thành niên tại tiểu bang này tiêm vắc-xin mà không cần sự cho phép của cha mẹ.

Dự luật sẽ cho phép bất kỳ trẻ em nào từ 14 tuổi trở lên được quyết định tiêm vắc-xin và tiêm nhắc lại cho một loạt các bệnh bao gồm quai bị, bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm, viêm gan B và sởi.

"Chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng", nữ nghị sĩ Patricia Fahy, đảng viên Dân chủ ở Albany cho biết. Bà trích dẫn tỷ lệ tiêm chủng đang giảm xuống thấp hơn mức khuyến nghị ở một số khu vực của Mỹ.

Phong trào chống vắc-xin xuất phát từ một nghiên cứu liên kết vắc-xin với bệnh tự kỷ nhưng đã bị bác bỏ. Qua hơn 20 năm, nó đã lớn mạnh đến nỗi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải liệt kê "do dự vắc-xin" là một trong 10 mối đe dọa toàn cầu vào lúc này .

Mỹ: Dự luật cho phép trẻ vị thành niên tự quyết định tiêm chủng không cần ý kiến bố mẹ - Ảnh 1.

New York đề xuất dự luật cho phép trẻ vị thành niên tự quyết định tiêm chủng không cần ý kiến bố mẹ

Tại Hạt Rockland, New York, cơ quan y tế báo cáo đã có 145 trường hợp mắc sởi được xác nhận, phần lớn là những trẻ em dưới 18 tuổi. Cứ 5 người nhiễm bệnh thì tới 4 người chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi, quai bị và rubella.

Các quan chức y tế thành phố cũng đã báo cáo hơn 100 trường hợp mắc bệnh sởi ở Brooklyn. Tại Rockland, hầu hết các trường hợp mắc sởi xảy ra bên trong cộng đồng Do Thái, nơi tỷ lệ tiêm chủng thường tụt hậu so với tiêu chuẩn khi các bậc phụ huynh không cho con đi tiêm chủng vì lý do tôn giáo.

Nếu được thông qua và ký thành luật, dự luật mà hai nhà lập pháp đề xuất sẽ giúp New York trở thành một phần của một nhóm các tiểu bang - từ Oregon đến Nam Carolina tại Mỹ - cho phép trẻ vị thành niên tự quyết định tiêm chủng mà không cần sự chấp thuận của phụ huynh.

Ở một số tiểu bang khác, trẻ vị thành niên phải được đánh giá xem có đủ chín chắn để đưa ra quyết định như vậy không. Nhưng dự luật của New York không yêu cầu quá trình đánh giá như vậy.

Mỹ: Dự luật cho phép trẻ vị thành niên tự quyết định tiêm chủng không cần ý kiến bố mẹ - Ảnh 2.

Ethan Lindenberger, một cậu bé 18 tuổi ở Mỹ đã phải trốn bố mẹ để tự đi tiêm chủng

Trước đây, nhiều tiểu bang tại Mỹ, bao gồm cả New York, đã cho phép trẻ vị thành niên tự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe về các vấn đề như lạm dụng chất gây nghiện, vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc dịch vụ sức khỏe sinh sản.

Dự luật mới vừa được giới thiệu sau khi Ethan Lindenberger, một thanh niên 18 tuổi ở Ohio đứng trước thượng viện làm chứng rằng cha mẹ cậu đã không cho phép cậu tiêm chủng vì họ là những người chống vắc-xin.

Lindenberger đã phải tự lên mạng tìm kiếm sự giúp đỡ, mong mọi người chỉ cho cậu cách đến cơ sở y tế để tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên của cuộc đời mình . Lindenberger nói rằng cha mẹ mình đã trở thành con mồi của các thuyết âm mưu lan truyền trên internet bịa đặt về sự nguy hiểm của vắc-xin.

Mặc dù thực tế, đã có nhiều nghiên cứu bác bỏ những lý thuyết này, bao gồm một báo cáo lớn của các nhà khoa học Đan Mạch tuần trước nói vắc-xin MMR (phòng sởi, quai bị và rubella) không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.

Mỹ: Dự luật cho phép trẻ vị thành niên tự quyết định tiêm chủng không cần ý kiến bố mẹ - Ảnh 3.

Những người chống vắc-xin biểu tình bên ngoài một cơ quan nhà nước ở Mỹ

Đầu tuần, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ tại New York đã lên tiếng ủng hộ dự luật mới, nói rằng nó phù hợp với xu thế khi những người trẻ tuổi hơn có khả năng nhận thức tốt hơn về những thông tin sai lệch trên internet.

"Nhiều trường hợp [trẻ vị thành niên] có thể không đồng ý với các bậc cha mẹ đã nhiễm phải các thông tin chỉ trích vắc-xin giả khoa học, vô căn cứ và nguy hiểm", học viện viết trong một tuyên bố ủng hộ dự luật. "Những người trẻ này có quyền tự bảo vệ mình".

Tham khảo Nytimes

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày