Mới đây, một số nguồn tin cho biết trong vòng 4 năm qua, SM Entertainment đã lỗ khoảng 4 tỉ won (tương đương 3.7 triệu USD) vào việc tấn công thị trường karaoke. Năm 2006, công ty chuyên về máy móc karaoke SM Bravo đã trở thành công ty con của SM Entertainment nhằm trợ giúp cho SM Entertainment trong quá trình mở rộng tầm ảnh hưởng sang ngành công nghiệp karaoke.
2 năm sau (2008), SM Entertainment tiếp tục bắt tay với SM Amusement – một công ty khác cũng hoạt động trong ngành lĩnh vực karaoke. Cùng với những sự hợp tác này, SM Entertainment tuyên bố sẽ cùng các chuyên gia âm nhạc Hàn Quốc và châu Á thực hiện một cuộc cách mạng đối với ngành công nghiệp karaoke, cũng như mở rộng mạng lưới và tầm ảnh hưởng của mình tại châu Á.
Tuy nhiên, sau 4 năm đầu từ vào lĩnh vực này, chỉ có 2 hệ thống karaoke của SM Entertainment hoạt động có hiệu quả. Thêm vào đó, dù SM Entertainment liên tục rót tiền đầu tư, các công ty con trong lĩnh vực này vẫn không hề có giá hơn chút nào. SM Bravo được đầu tư tổng cộng 6 tỉ won, nhưng đến tháng 8/2010, công ty này chỉ còn lại 3.4 tỉ won. Trong khi đó, SM Entertainment chi cho SM Amusement tổng cộng 1.4 tỉ won, nhưng theo các báo cáo nửa năm thì khoản đầu tư ban đầu cứ thế tiêu tan dần về con số 0.
Như một hệ quả tất yếu của việc kinh doanh thua lỗ, SM Bravo và SM Amusement sẽ bị sáp nhập thành một. Một đại diện của SM Entertainment cho biết: “Vì việc kinh doanh trong lĩnh vực karaoke cần phải được tổ chức lại nên chúng tôi đang trong quá trình sáp nhập các công ty con với nhau. Sau khi hoàn thành việc này, chúng tôi sẽ tính đến một kế hoạch kinh doanh mới mẻ hơn.”
Trước sự việc này, các cư dân mạng không bỏ lỡ cơ hội đưa ra những nhận xét đánh giá của mình: “Chẳng lẽ họ không biết hậu quả của việc ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc hay sao?”, “Hoá ra số tiền các “gà cưng” của họ kiếm ra được đều đổ vào đó cả”, “Thật là một sự lãng phí mồ hồi nước mắt của SNSD, Super Junior, SHINee, f(x)”, “Đây là ví dụ điển hình của việc bố mẹ điều hành công ty và ép con cái làm việc cho mình. Đến lúc con cái kiếm ra tiền và đưa lại cho bố mẹ, thay vì trả nợ, bố mẹ lại chi sạch số tiền đó vào những thứ vô bổ. Khi con cái đề nghị bố mẹ chấm dứt tiêu xài hoang phí, bố mẹ lại quay sang mắng mỏ, cho rằng con cái không được đối xử tệ bạc với những người đã nuôi lớn con cái, trong khi sự thật là con cái luôn tự nuôi sống bản thân mình”, v.v…