Nhạc sĩ Quốc Trung nói về nghi án Sơn Tùng M-TP đạo nhạc

Vietnam+, Theo 16:36 05/12/2014
Chia sẻ

Nhạc sỹ Quốc Trung đã thể hiện quan điểm, góc nhìn của cá nhân nhạc sỹ về vụ việc của Sơn Tùng M-TP.

Đã một tuần trôi qua, sau khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn công bố văn bản xác nhận từ phía Hàn Quốc về nghi án đạo nhạc ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP, những lùm xùm về vụ việc vẫn chưa ngã ngũ, chưa có kết luận nào được đưa ra, dư luận lại nổi bão với những tranh cãi trái chiều, ngay cả giới chuyên môn và cơ quan quản lý.

Trong cục diện, Cục Bản quyền Tác giả âm nhạc khẳng định Sơn Tùng M-TP “đạo nhạc” nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói không, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phải quyết định lập Hội đồng Thẩm định lần hai về ca khúc “Chắc ai đó sẽ về.”

Nói nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP là một trong những lùm xùm bê bối nhất của làng nhạc Việt cũng không ngoa, bởi chưa bao giờ giới chuyên môn, cơ quan thẩm quyền lại phải “đau đầu” đến thế trước một bài hát?!

Nhạc sĩ Quốc Trung nói về nghi án Sơn Tùng M-TP đạo nhạc 1

Để rộng đường dư luận, chúng tôi khởi đăng ý kiến của nhạc sỹ Quốc Trung,  thể hiện quan điểm, góc nhìn của cá nhân nhạc sỹ về vụ việc của Sơn Tùng M-TP:

Bảo vệ bản quyền âm nhạc đã được quan tâm thực sự?

Cả tháng nay, khi nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP rộ lên, dư luận xôn xao, tốn biết bao thời gian, giấy mực, công sức không phải của chỉ riêng báo giới mà còn huy động được rất nhiều cơ quan quản lý.

Chưa bao giờ vấn đề về bản quyền lại được quan tâm đến như vậy, các báo đài đều đưa tin hàng ngày, các cơ quan quản lý vào cuộc, nhiều hội đồng thẩm định được thành lập để phân tích, thẩm định.

Cũng chưa bao giờ người ta lại đề cao về tự trọng, tự hào dân tộc một cách căng thẳng đến như vậy. Và chưa bao giờ các diễn đàn lại mở ra công khai cho các độc giả mà đa phần là các cháu tuổi teen vào bênh vực thần tượng và có lời lẽ lăng mạ các nhạc sỹ uy tín và có thâm niên một cách thoải mái như vậy.

Tất cả chỉ vì một bài hát của một cậu bé ca sỹ nổi tiếng trẻ tuổi và khá là tài năng. Đã có nhiều kết luận và sẽ có thêm nhiều kết luận nữa nhưng sẽ chẳng có kết thúc. Sẽ chẳng bên nào chịu bên nào và cũng sẽ chẳng có mất mát gì vì điều mất mát lớn nhất thì người ta lại chẳng mấy quan tâm.

Nhưng mục đích của một “đại chiến dịch” này là gì? Có thật là chúng ta đã và đang quan tâm đến “công cuộc” bảo vệ bản quyền âm nhạc đến thế?

Nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP đâu phải trường hợp cá biệt, đầu tiên và tinh vi nhất?!

Đừng đẩy vụ việc thành một "trọng án"

Hàng ngày, hàng giờ chúng ta vẫn đang xâm phạm bản quyền đó một cách công khai. Thậm chí, một trong những kênh thông tin tham gia đưa tin, bình luận về vụ việc này đang là nơi vi phạm lớn nhất về bản quyền âm nhạc! Nhưng chẳng hiểu vì lý do nào mà những “siêu trộm” ấy vẫn nhởn nhơ, lộng hành trong các vỏ bọc “vị nghệ thuật.”

Xấu hổ thay, phải đến khi những tập đoàn lớn của thế giới rút quảng cáo và không hợp tác với họ thì chúng ta mới biết đến việc đó. Nhưng cũng chẳng để làm gì, vì nó vẫn ngang nhiên tiếp diễn trong nhiều năm nay. Tại sao không ai nghĩ là đó là nỗi xấu hổ của người Việt? Tại sao chẳng ai quan tâm đó là quốc thể của chúng ta?

Nhưng chúng ta lại phẫn nộ, đổ lên đầu một cậu bé, dù rất nổi tiếng thì vẫn chỉ là một người trẻ cần rèn giũa thêm rất nhiều để trở thành một nghệ sỹ đích thực.

Ngạc nhiên hơn là các cơ quan quản lý từ Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đến bộ Thông tin truyền thông gần đây xử lý rất nhiều vi phạm của các trang web, các báo mạng nhưng rốt cục động thái được cho là siết chặt đó chỉ mang tính “xử phạt hành chính,” dư luận chẳng ai lên tiếng, hay tỏ ý mặn mà.

Thử hỏi, những đứa trẻ sống trong môi trường như vậy, hằng ngày nhìn vào cách những người lớn, những người đi trước hoặc dựa vào những trang chia sẻ âm nhạc như vậy để nổi danh thì họ sẽ tin vào đâu, sẽ dựa vào tiêu chí nào để phấn đấu! Tôi đồ rằng, việc họ chẳng ngại ngần, mảy may lo sợ khi xâm phạm bản quyền, tệ hơn là nghĩ đến lòng tự trọng của một người bình thường chưa nói đến những điều lớn hơn là tự trọng của người nghệ sỹ, tự tôn dân tộc.

Nhạc sĩ Quốc Trung nói về nghi án Sơn Tùng M-TP đạo nhạc 2

“Một nửa sự thật không bao giờ là sự thật,” ăn cắp dù nhỏ đến đâu thì cũng là ăn cắp. Một trào lưu làm âm nhạc theo kiểu chụp giật đã có lâu nay xuất phát từ sự thiếu hụt về kiến thức của người trẻ làm nghệ thuật.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vụ việc của Sơn Tùng M-TP thiên về khía cạnh đạo đức cần được chấn chỉnh chứ chưa đến mức cần phải đẩy lên thành vụ “trọng án” như vậy.

Công chúng mà đa số là những khán giả trẻ sẽ không cảm nhận được đó là sự uốn nắn, giáo dục dành cho những người trẻ làm nghệ thuật, hay thần tượng của họ và dễ dàng hiểu thành đó là sự cổ hủ lạc hậu, bảo thủ hay tệ hơn là hạ bệ trù dập đối với lớp trẻ.

Sự đối đầu khiến họ không cảm thấy sự bao dung, tin cậy cũng như trách nhiệm và tình cảm của người lớn đối với họ và trở nên phản kháng hay thậm chí xúc phạm đối với lớp nhạc sỹ đi trước. Với con trẻ, cần có sự nghiệm khắc uốn nắn nhưng ngay trong việc đó thì “các” người lớn cũng mâu thuẫn, các cơ quan quản lý bất đồng ý kiến. Chính điều đó đã làm dấy lên nghi ngờ về trình độ và tư cách của Hội đồng thẩm định mà các cơ quan yêu cầu thành lập.

Ai là người có lỗi chính?

Sự việc đã quá rõ ràng và chúng ta nên nhìn vào một sự thật, với trình độ của một nhạc sỹ bình thường cũng dễ dàng nhận ra là “sao chép” (tôi dùng từ sao chép ) và bản thân Sơn Tùng cũng đã công nhận là đã lấy beat của Hàn Quốc để sáng tác. Sự việc đã rõ ràng nhưng chính thái độ lúng túng của người lớn vì những lý do khó hiểu đã đặt một dấu hỏi lớn của người trẻ về những nhạc sỹ đáng trân trọng và cả chuyên môn lẫn nhân cách.

Họ là những nhạc sỹ hàng đầu, những người thầy đang trực tiếp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.Vậy chúng ta phủ nhận tất cả để họ trở thành những người “việt vị”, những nhận định, phát biểu của họ bỗng dưng trở thành đề tài “hot.” Trong “cuộc chiến” này, họ bỗng trở thành cái bia hứng “đá” giống như những “con rối”.

Dù chưa có quy định rõ ràng, để trả lời cho câu hỏi “thế nào là một bài hát "đạo"?” thì những hành vi vay mượn không xin phép, không công bố thì không thể cho qua mà không lên án, chấn chỉnh.


Nhạc sĩ Quốc Trung nói về nghi án Sơn Tùng M-TP đạo nhạc 3
Văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn

Nhưng giá như những người lớn biết bỏ qua những quyền lợi của mình, những cái tôi của mình để “rước trẻ”- nghĩ đến lớp trẻ, đến những nghệ sỹ trẻ, khán giả trẻ và tương lai của nền âm nhạc thì có lẽ câu chuyện đã không đến mức phải nhờ cậy sự phân định của người ngoài.

Xây dựng một nền âm nhạc hay văn hoá nghệ thuật người ta phải xây dựng một môi trường văn hoá. Xây dựng một nền công nghiệp âm nhạc thì người ta phải xây dựng những mối quan hệ văn minh, lành mạnh dựa trên luật pháp. Xa hơn muốn xây dựng những lớp nghệ sỹ có trình độ và đạo đức thì người ta cần phải có tâm và làm gương cho lớp trẻ.

Nếu những người đi trước còn đang mâu thuẫn và không đồng lòng giống như trong một gia đình, bố mẹ còn đang đánh chửi nhau thì làm sao đòi hỏi những đứa trẻ lớn lên với những nhận thức đúng đắn?

Môi trường là do chúng ta xây dựng nên và nó tạo ra những con người và sản phẩm mang đặc trưng, tính cách của nó.

Nguyên nhân ở đâu và ai là người có lỗi chính trong việc này?
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày