Trong cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn 2010, có rất nhiều người yêu quý Mỹ Tâm vì cách nói chuyện thẳng thắn và góp ý chân thành. Nhưng các thí sinh, cũng đang là ca sĩ, họ tỏ ra không phục và phản ứng lại khi Tâm nhận xét. Điều đó có làm Tâm buồn không?
Tâm cũng nghĩ nhiều về vấn đề này. Tâm không nghĩ sâu xa họ sẽ phục hay không. Tâm cũng là một người bình thường và họ cũng vậy. Không ai hơn kém ai. Quan trọng, đây là một cuộc thi và họ phải tôn trọng quy luật của nó. Nếu họ cảm thấy không muốn có một hội đồng nghệ thuật, thì họ có thể không cần thi nữa. Nhưng khi đã vào cuộc chơi thì họ phải chấp nhận!
Mỹ Tâm ngồi "ghế nóng" cùng nhạc sĩ Tuấn Khanh và Hồ Hoài Anh tại Sao Mai - Điểm hẹn 2010
Tâm nghĩ vấn đề này không phải bắt nguồn từ việc họ không phục Tâm mà đã bắt nguồn từ rất lâu. Sao Mai - Điểm hẹn dành cho những thí sinh nói bật lại, và nó đã tạo ra một cái luồng như thế. Tâm nghĩ chuyện này không hay một tí nào. Bởi những người ngồi ở ghế hội đồng nghệ thuật như Tâm, anh Hồ Hoài Anh, anh Tuấn Khanh chỉ là những người góp ý để các bạn tốt hơn chứ không phải là những người chê trách.
Tâm nhận nhiệm vụ và ngồi trên chiếc "ghế nóng" của Sao Mai - Điểm hẹn vì Tâm muốn kiếm tìm những ca sỹ tài năng và hỗ trợ hết mình cho họ trở nên nổi tiếng. Chứ không dại gì Tâm phải ngồi đó nói để cho người này thích hay người kia ghét. Chính vì Tâm mong mỏi như thế nên Tâm mới nhận công việc này. Các bạn phải hiểu và dựa vào điều đó để trở nên tốt hơn.
Thực ra việc phản ứng lại với ý kiến của ban giám khảo cũng là một cách thể hiện sự bình đẳng và tự tin của mình. Mỹ Tâm có nghĩ vậy?
Có rất nhiều bạn Tâm cảm thấy rất tự tin. Nếu đã tự tin như thế thì tìm kiếm đến những cuộc thi như thế này để làm gì nữa? Tâm nghĩ đó chỉ là hành động trẻ con. Tâm không giận cũng không buồn. Quan trọng là cách nhìn nhận của khán giả vào cuộc thi này phải khách quan và đúng đắn, chứ không nên cổ súy cho những điều đó. Những người ngồi ở ghế hội đồng nghệ thuật là những người đã tạo cơ hội cho các bạn đó được đi tiếp và cố gắng góp ý để họ trở nên tốt hơn. Nếu khán giả không phải bình chọn cho các bạn ấy và chấm điểm tại chỗ thì chắc họ đã rớt từ vòng ngoài rồi. Được như hiện tại là các bạn ấy quá sướng! Giờ nếu chấm điểm trực tiếp, Tâm giơ bảng điểm và cho các bạn ấy điểm 1 thì sao? Tâm chỉ cho rằng đó là thái độ hiếu thắng và còn non trẻ. Nhiều lúc Tâm cũng thấy thương vì các bạn ấy chưa hiểu thôi.
Còn chuyện phản pháo lại hội đồng nghệ thuật đã có từ các cuộc thi trước, khi các chị Mỹ Linh, Thanh Lam… làm giám khảo. Chẳng qua các chị ấy không nói và thí sinh nghĩ rằng họ được quyền làm vậy và làm vậy là đúng. Thậm chí Tâm còn chưa mở miệng ra phê bình mà các bạn ấy đã bật lại.
Các bạn ấy còn rất thờ ơ với những gì anh Tuấn Khanh và Hồ Hoài Anh nói. Hội đồng nghệ thuật chỉ góp ý để họ tốt hơn mà! Tâm đâu cần phải nói những gì quá chuyên môn, Tâm chỉ là người được khán giả nhìn nhận là thành công trong nghề ca hát này. Nhiệm vụ của Tâm là góp ý, nói những gì dễ hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để cho họ tốt hơn. Ngoài cuộc sống còn rất nhiều thứ khắc nghiệt hơn thế, chứ không phải chỉ là những câu góp ý chân thành như những lời nói của chúng tôi. Các bạn sẽ còn phải gặp và phải trả giá rất nhiều mới mong có được những thành công.
Mỹ Tâm có nghĩ rằng, ngày xưa các cuộc thi hát rất ít nên thí sinh cũng chất lượng hơn. Còn bây giờ nhiều quá, nên thí sinh cũng… bát nháo hơn, ít lắng nghe hơn và cũng khó tìm được những tài năng?
Bây giờ các cuộc thi hát nhiều vô cùng. Tâm ngồi trên ghế hội đồng nghệ thuật và Tâm cảm thấy rất hạnh phúc nếu có một điều gì đó, một thí sinh thực sự đột phá. Mười đêm xuất hiện trên truyền hình đâu phải là dễ, được khán giả cả nước yêu mến, bình chọn thì họ phải tận dụng cơ hội này làm hết sức có thể. Vậy mà các bạn cứ bình bình, khi nói đến một chút là các bạn phật lòng, các bạn không có sự cầu tiến.
Nhìn vào đôi mắt các bạn, Tâm không thấy một chút gì là nhiệt huyết, mãnh lực đam mê. Các bạn cứ nghĩ chỉ cần như vậy là hay, là nhất rồi. Những giọng ca như Mỹ Như, Minh Chuyên đều có thể làm được những điều đó, cộng thêm tư duy âm nhạc, phá cách và phải mạnh dạn hơn nữa. Tâm muốn truyền cái lửa đó cho các bạn. Dù không được bình chọn nhưng họ cũng để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Đó là điều Tâm mong mỏi nhưng vẫn chưa thấy được. Họ mờ nhạt dần ở những đêm sau và chưa có sự bứt phá.
Mỹ Tâm nhận xét gì về hai thời điểm khác nhau, thời của Mỹ Tâm và bây giờ, cho những cuộc thi ca hát như thế này?
Hai thời điểm khác nhau nhiều và ngày đó đâu có nhiều truyền hình như vậy. Lần đầu tiên Tâm được lên truyền hình lúc đó Tâm mới có 16 tuổi, là cũng ghê gớm lắm rồi, nên mong mỏi được lên truyền hình nó cũng khác đi nhiều. Còn bây giờ các bạn muốn là lên truyền hình liền. Thời đó âm nhạc bình thường thì con người cố gắng bứt phá. Còn bây giờ âm nhạc cực kỳ sôi động thì con người lại bình bình, không có gì bứt phá. Nó ngược vậy đó!