Mới đây, cả Inkigayo (SBS) lẫn Music Core (MBC) đều ra thông báo về việc áp dụng hệ thống xếp hạng nhằm mang lại sự mới mẻ cho chương trình, đồng thời “cứu vớt” tỉ lệ người xem khá “lè tè”. Tuy nhiên, sự thay đổi này lại có vẻ như không mấy hiệu quả. Thêm vào đó, hệ thống xếp hạng rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến Kpop.
Xem xét lại vấn đề, có thể nhận thấy lí do lớn nhất dẫn đến việc tỉ lệ khán giả không được như hi vọng của nhà đài là vì sự thiếu hứng thú của người xem truyền hình khi các chương trình ca nhạc đều tập trung vào nghệ sĩ thần tượng.
Công chúng thiếu hứng thú với các chương trình ca nhạc hàng tuần vì đã phát ngán sự lặp đi lặp lại của khung chương trình lẫn các nghệ sĩ thần tượng tham gia biểu diễn
Thêm vào đó, sân khấu ca nhạc hàng tuần nào cũng na ná nhau, từ M! Countdown, Music Bank, Music Core đến Inkigayo, những nghệ sĩ quen thuộc liên tục lặp lại các tiết mục của mình. Pop Music (SBS) có vẻ như đã gây được đôi chút khác biệt với sự xuất hiện của ban nhạc Indie Pepper Tones vào tuần trước. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ như “muối bỏ bể”, nghệ sĩ thần tượng vẫn là nhân vật chính của những chương trình này.
Trên thực tế, tất cả các chương trình ca nhạc hàng tuần đều ngốn chi phí cao, nhưng độ mạo hiểm cũng ngang ngửa, trong khi lợi nhuận thu lại thì không tương xứng. Thế nhưng, bất chấp vô số bất lợi và lùm xùm, nhà đài vẫn không thể xóa sổ những chương trình này, bởi chúng liên quan trực tiếp đến các chương trình tạp kỹ. Chương trình ca nhạc hàng tuần là bước đệm để đến với các chương trình TV khác đối với nghệ sĩ, là công cụ quảng cáo đối với các hãng đĩa, là nơi sản xuất ngôi sao thần tượng cho các chương trình TV nội bộ đối với các nhà đài.
Dù nhàm chán nhưng các chương trình ca nhạc hàng tuần vẫn không bị nhà đài xóa sổ vì nhiều lý do
Lúc này, tỉ lệ người xem thấp là vấn đề nhà đài cần tự giải quyết. Một trong những gợi ý tiêu biểu là áp dụng hệ thống xếp hạng không bao gồm việc bình chọn qua tin nhắn. Đặc biệt, hiện tượng xếp hạng theo mức độ phủ sóng của thần tượng cũng phải được chấm dứt. Thống kê trung bình từ 5 trang web âm nhạc chính thì nhiều khả năng sẽ là sự thay thế ổn thỏa.
Ngoài ra, các nhà đài cũng có thể tiến hành những bảng xếp hạng theo nhiều hạng mục nhỏ, hay thực hiện những chương trình độc đáo nhằm thu hút sự chú ý của người xem. Ví dụ như tổ chức những cuộc khảo sát theo chủ đề, như “Ca khúc được yêu thích trong mùa xuân”… để lôi kéo mọi thế hệ công chúng theo dõi. Chương trình Music Station của Nhật Bản cũng hoạt động theo cách này.
Music Station được thực hiện từ năm 1986, cập nhật thứ hạng single, album hay nhạc chuông di động dựa theo bảng xếp hạng Oricon. Bảng xếp hạng này có sự góp mặt của cả những nghệ sĩ thần tượng tên tuổi lẫn những nghệ sĩ theo đuổi các dòng nhạc khác. Chương trình cũng dành thời gian giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ Indie mới nhằm “đổi gió” cho công chúng.
Vấn đề đặt ra cho các nhà đài là phải tìm ra hướng đi mới cho chương trình của mình, tránh lạm dụng hệ thống xếp hạng, dẫn đến những hậu quả xấu cho Kpop
Được biết, khi thông tin Pop Music sẽ lại áp dụng hệ thống xếp hạng, nhiều hãng đĩa đã lập tức tìm đến các công ty marketing với yêu cầu biến họ trở nên nổi tiếng trên Facebook, Twitter, Youtube và các mạng xã hội khác. Sự trở lại của hệ thống xếp hạng rất có thể sẽ kéo theo các chiến lược marketing khích lệ hình thức bình chọn qua tin nhắn.
Không ai có thể phủ nhận độ phủ sóng của Kpop trong những năm gần dây. Tuy nhiên, nếu các bảng xếp hạng âm nhạc hoạt động dựa trên nền tảng không vững chắc, lạm dụng hệ thống xếp hạng thì Kpop chắc chắn sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.