Mục tiêu riêng của các quốc gia đang làm đình trệ tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu

Mai Trang, Theo VOV 20:53 22/09/2021
Chia sẻ

CNA dẫn lời một giảng viên về kinh tế chính trị cho biết, một số quốc gia đang ưu tiên việc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường hoặc tiêm chủng cho trẻ em hơn là cung cấp vaccine cho những người trưởng thành chưa được tiêm chủng.

Vì sao COVAX “lỡ nhịp” trong phân phối vaccine?

Theo CNA, dự báo mới nhất về nguồn cung cho COVAX, chương trình chia sẻ vaccine Covid-19 trên toàn thế giới, cho thấy việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở các nước có thu nhập thấp sẽ gặp nhiều khó khăn.

COVAX ước tính sẽ phân phối 1,4 tỷ liều vaccine cho tới cuối năm 2021, ít hơn đáng kể so với 2 tỷ liều vaccine mà chương trình này đặt mục tiêu vào đầu năm nay.

Tính đến ngày 15/9, chỉ có 281 triệu liều vaccine Covid-19 đã được cung cấp thông qua chương trình COVAX .

Một số quốc gia có thu nhập cao đang triển khai tiêm mũi tăng cường và tiêm chủng cho trẻ em, trong khi nhiều nước thu nhập thấp vẫn chưa tiêm mũi vaccine thứ nhất cho phần lớn dân số. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng về vaccine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Theo CNA, việc COVAX giảm số lượng vaccine cung cấp tới các nước trên thế giới so với kế hoạch ban đầu không phải là điều bất ngờ.

Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, ban đầu dự kiến là nhà cung cấp vaccine lớn nhất cho COVAX, cho rằng để phân phối được 2 tỷ liều vaccine cần thêm 6 tháng nữa.

Một vấn đề quan trọng là có được nguồn cung vaccine. Trong khi COVAX đang huy động vốn sau khi ra mắt vào tháng 6/2020, nhiều quốc gia có thu nhập cao đã mua phần lớn vaccine từ các nhà sản xuất.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, mặc dù cung cấp hỗ trợ tài chính cho COVAX nhưng các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm suy yếu chương trình này.

Trở ngại lớn nhất đối với COVAX là khi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã tạm dừng xuất khẩu vaccine cho chương trình này vào cuối tháng 3. Ấn Độ đã tạm dừng xuất khẩu vaccine để đáp ứng nhu cầu nội địa do phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng.

Trước đó, SII dự kiến sẽ cung cấp cho COVAX hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 vào năm 2021. Hiện tại, việc xuất khẩu vaccine vẫn chưa được nối lại và SII mới chỉ cung cấp 20 triệu liều vaccine cho COVAX. Bởi vậy, các nước có thu nhập thấp, mục tiêu chính mà chương trình COVAX hướng tới, vẫn bị tụt lại trong việc tiêm chủng.

Bức tranh tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp

Trong dự báo mới nhất, COVAX cho biết, họ đang “liên tục đối thoại với chính phủ Ấn Độ” về nguồn cung vaccine Covid-19. Theo COVAX, “thời điểm và mức độ xuất khẩu vaccine ở Ấn Độ” là nguyên nhân chính gây ra sự không chắc chắn về nguồn cung vaccine.

Trong khi Mỹ cũng thúc đẩy Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu vaccine cho COVAX, kết quả không mấy khả quan. Một quan chức cấp cao cho biết, Ấn Độ sẽ không tiếp tục chia sẻ vaccine cho đến khi tất cả người trưởng thành của nước này được tiêm chủng.

Mặc dù Ấn Độ đã đạt được tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng khi đã tiêm hơn 780 triệu mũi vaccine, nhưng mới chỉ có 196 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Ấn Độ dự kiến sẽ tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số vào cuối năm 2021.

COVAX đã đưa ra các đề nghị về vaccine đối với các nhà tài trợ và nhà sản xuất, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Đồng thời, chương trình này cũng tăng cường quyên góp vaccine từ các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Vào tháng 6, các nước G7 đã cam kết tài trợ 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo, trong đó Anh cam kết tài trợ 100 triệu liều vaccine trong số đó. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh mới chỉ chuyển giao 5,1 triệu liều vaccine cho COVAX và gửi tổng cộng 10,3 triệu liều vaccine cho nước ngoài.

Cũng trong tháng 6, Anh đã nhận được 539.000 liều vaccine từ COVAX, nhiều hơn gấp đôi số lượng vaccine COVAX gửi tới châu Phi trong cùng tháng.

Tranh cãi xung quanh mũi vaccine tăng cường

Trong danh sách chờ mua vaccine, chương trình COVAX đã xếp sau các quốc gia hiện đang triển khai tiêm liều vaccine thứ ba trong chương trình tiêm chủng.

Vào đầu tháng 8, WHO đã kêu gọi tạm dừng tiêm mũi vaccine tăng cường cho đến cuối năm nay, cho rằng điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vaccine giữa các quốc gia. Tuy nhiên, lời kêu gọi này đã không thể ngăn cản Anh triển khai chương trình tiêm mũi bổ sung.

Sarah Gilbert, nhà phát triển chính của vaccine AstraZeneca, cho rằng vaccine nên được phân phối cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, do “mũi vaccine đầu tiên có tác động mạnh nhất”.

Vaccine được sử dụng cho những cộng đồng chưa được tiêm chủng có thể cứu sống nhiều người hơn so với việc tiêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm chủng. Mặc dù vậy, các ưu tiên của quốc gia vẫn được đặt lên hàng đầu.

Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, mô tả việc tiêm mũi tăng cường giống như đưa áo phao cho những người đang mặc chúng trong khi để những người không có áo phao chết đuối.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nói rằng, các chương trình tiêm mũi tăng cường đã “tạo ra sự nhạo báng về công bằng vaccine”.

Hy vọng tiếp cận được nhiều loại vaccine hơn của COVAX càng bị suy yếu do việc đưa trẻ em vào các chương trình tiêm chủng. Việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12-15 tuổi dự kiến ​​sẽ bắt đầu ở Anh trước cuối tháng 9.

Cả hai chuyên gia Gilbert và Ryan đều cho rằng, những nước có thu nhập thấp cần lượng vaccine nhiều hơn.

Ông Tedros đã lên tiếng phản đối hoàn toàn “chủ nghĩa dân tộc vaccine” trong cuộc chiến chống Covid-19. Chủ nghĩa dân tộc vaccine không chỉ vi phạm về mặt đạo đức mà còn có thể khiến virus SARS-CoV-2 lây lan ở một số khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp trên thế giới. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn và có thể kìm hãm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày