Vi Đông Dịch (Trung Quốc) thể hiện đam mê sâu sắc và tài năng toán học từ nhỏ. Thời đi học, anh từng giành nhiều huy chương vàng điểm tuyệt đối tại Olympic Toán quốc tế. Năm 18 tuổi, anh xây dựng "Bất đẳng thức Vi Đông Dịch", giải nhiều bài toán về cơ học chất lỏng theo cách ưu việt hơn các phương pháp truyền thống.
Vi được tuyển thẳng vào Đại học Bắc Kinh mà không cần tham gia kỳ thi đại học, sau đó lấy bằng tiến sĩ và trở thành giảng viên. Anh yêu thích cuộc sống tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy, hiếm khi lên mạng xã hội, chỉ thích nghe radio.
Ở Đại học Bắc Kinh, Vi Đông Dịch đã trở thành một hình ảnh quen thuộc. Ngày ngày anh mang theo chiếc ba lô bạc màu, bên trong chỉ có vài cái bánh bao và chai nước trắng, lặng lẽ di chuyển giữa các giảng đường và phòng thí nghiệm.
Vi Đông Dịch
Văn phòng làm việc của anh gần như không có vật dụng giá trị. Trên bàn là giấy nháp, công thức và mô hình toán học, không hề có bóng dáng của những thứ xa hoa vật chất. Đối với Vi, cuộc sống giản dị là lý tưởng. Toán học là niềm đam mê và là thế giới duy nhất anh muốn sống trong đó.
Năm 2021, anh khiến cả nước chú ý khi trả lời phỏng vấn trên đường phố trong bộ quần áo cũ kỹ, tay cầm chai nước, xách túi nhựa đựng ba chiếc bánh bao. Tài năng toán học và phong cách giản dị khiến người ta trìu mến gọi anh là Vi Thần.
Gần đây, bảng lương của Vi Đông Dịch bất ngờ bị lộ, trong đó ghi rõ mức lương cơ bản 8.800 tệ, tổng thu nhập chưa đến 20.000 tệ/tháng (khoảng 72 triệu đồng). Con số này lập tức gây bão trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến cộng đồng mạng bàn tán không ngớt.
Trái với Vi Đông Dịch là thế giới rực rỡ của các streamer bán hàng. Họ livestream trong studio lộng lẫy, chốt đơn hàng triệu nhân dân tệ trong vài tiếng, sở hữu biệt thự, siêu xe, sống trong sự tung hô của người hâm mộ.
Một nữ streamer mỹ phẩm nổi tiếng từng dễ dàng vượt mốc doanh số 1 tỷ tệ chỉ trong một đợt khuyến mãi. Phần chia hoa hồng cá nhân cũng là con số "không tưởng". Trước sự chênh lệch ấy, cư dân mạng không khỏi thốt lên: "Tại sao người cống hiến cho trí tuệ nhân loại lại thua xa người bán hàng qua mạng?" và "Xã hội ngày nay rốt cuộc đang coi trọng điều gì?".
Một người nói: "Cày học mười mấy năm không bằng hét livestream nửa năm! Một thiên tài như Vi Thần mà lương chỉ hơn hai vạn tệ, đúng là quá lạnh lùng với giới khoa học". Người khác phản biện: "Vi Thần không quan tâm đến tiền bạc, anh ấy sống vì đam mê toán học. Dùng tiền để đánh giá anh là xúc phạm tinh thần của anh ấy".
Có người trung lập thì cho rằng không thể đem giá trị thương mại ra so sánh với giá trị học thuật. Mỗi ngành nghề có tiêu chí riêng, không thể quy về một thước đo.
Thực chất, sự tranh cãi này phơi bày một cuộc khủng hoảng giá trị sâu sắc trong xã hội hiện đại. Trong thời đại "lưu lượng là vua", "tiền là tiêu chuẩn", nhiều người bắt đầu mặc định rằng kiếm được bao nhiêu tiền = thành công bao nhiêu.
Các nền tảng video ngắn tràn ngập tiêu đề kiểu "làm giàu thần tốc" hay "bí quyết thu nhập triệu đô", vô tình gieo vào đầu người trẻ cảm giác: Nếu không giàu có, bạn là kẻ thất bại. Một hệ giá trị méo mó đang dần hình thành.
Khi ta thoát khỏi vòng xoáy tiền bạc để suy nghĩ, sẽ thấy: Dùng tiền bạc để đánh giá con người là phiến diện và nguy hiểm. Công nhân vệ sinh thức dậy lúc 3-4 giờ sáng, quét rác trong gió rét hoặc trời nắng gắt. Lương họ thấp, nhưng chính họ là người giữ gìn vệ sinh thành phố mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu khoa học ngày đêm lặp đi lặp lại những thí nghiệm khô khan, chỉ để làm rõ một chi tiết nhỏ trong cấu trúc vật chất. Thu nhập không cao, nhưng giá trị mà họ tạo ra là cốt lõi cho tương lai nhân loại.
Sự tồn tại của Vi Đông Dịch, theo cách nào đó, là một phản biện không lời đối với xã hội đầy vật dục. Anh không chạy theo tiền tài, không quan tâm danh vọng, chỉ sống cho đam mê thuần túy. Khi người ta mệt mỏi vì tranh đấu ngoài đời, Vi tìm thấy niềm vui trong từng công thức, từng con số. Đó là thứ niềm vui giản dị nhưng sâu sắc, không thể định giá bằng tiền.
Chúng ta không phủ nhận rằng thu nhập trong kinh tế thị trường là một dạng phản ánh giá trị. Nhưng nó không phải là tiêu chuẩn duy nhất.
Xã hội giống như một bức tranh ghép từ hàng ngàn màu sắc. Nếu ai cũng chỉ chọn một màu vàng kim của tiền bạc, thì bức tranh ấy sẽ trở nên vô cùng đơn điệu.
Sự đối lập giữa thu nhập 20.000 tệ/tháng của Vi Đông Dịch và hàng triệu tệ mỗi buổi livestream của streamer nghe thật nghịch lý, nhưng chính điều đó khiến chúng ta cần dừng lại và ngẫm lại hệ giá trị của chính mình.
Học không đảm bảo bạn giàu có, nhưng đảm bảo bạn có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc đời, chọn công việc mình yêu, sống theo lối sống mình muốn, và không bị cuộc sống cuốn đi vô định. Thành công không chỉ là con số trong tài khoản, mà còn là sự chủ động, tự do và bình an trong lòng.
Livestream là hoạt động thương mại, sinh lời nhanh, nhưng ngắn hạn. Giáo dục là đầu tư dài hạn, chậm sinh lời, nhưng bền vững. Không thể lấy giá trị thị trường để đánh giá giá trị tri thức. Không ai livestream mà tạo ra được một loại vaccine hay đưa người lên sao Hỏa.
Hãy học cách tôn trọng sự lựa chọn khác biệt, học cách đánh giá con người không chỉ qua tiền. Dù là nhà khoa học, người lao công, bác sĩ hay tài xế, chỉ cần họ sống có trách nhiệm, sống đúng với đam mê họ đều đáng được gọi là người thành công.