Mấy ngày qua ông Phạm Phú Bền (SN 1965, trú tại thôn Liên Cơ, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) ra hiên nhà, buồn rầu ngồi nhìn người trong thôn tranh cãi với thương lái chuyện giá cả.
Trong tiếng cự cãi ồn ào, ông Bền nói: “Tui có tổng cộng 190 cây sầu riêng Dona trồng xen với hồ tiêu trên diện tích 1,1 ha. Trong đó, có 160 cây đã cho thu hoạch chính vụ năm thứ 3. Dự kiến, năm nay, gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 20 tấn trái sầu riêng. Nếu bán được giá thì cũng bỏ túi gần 2 tỷ đồng. Nhưng mấy nay, giá sầu rớt, xót ruột lắm”.
Theo ông Bền, cách đây khoảng 1 tháng, nhiều thương lái vào đề nghị chốt vườn sầu riêng của gia đình ông với giá 85.000 đồng/kg, thậm chí nhiều vườn khác còn được đề nghị chốt với giá 95.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do thời điểm đó, sầu riêng còn non nên gia đình ông chưa đồng ý. Hiện nay, các thương lái chỉ mua sầu riêng của gia đình ông với giá 73.000 đồng/kg, nhiều vườn chỉ được trả giá 65.000 đồng/kg.
Giá sụt giảm khiến lợi nhuận của người nông dân như ông Bền cũng tụt dốc, giấc mơ về mùa sầu ấm no bỗng như chỉ mành treo chuông. " Năm nay, đầu vụ sầu được giá, cả nhà tôi ai cũng phấn khởi, nhưng qua mấy bận thời tiết không thuận lợi, nhất là vào chính vụ lại mưa nhiều, thương lái dựa vào chuyện thời tiết ảnh hưởng tới chất lượng múi sầu nên ép giá. Ông trời không thương người trồng sầu rồi ”, ông Bền thở dài.
Hướng ánh mắt về vườn sầu còn neo trái, ông Bền lại than " đúng là trời không thương người trồng sầu ”. Đúng dịp sầu đang vào dịp kết trái thì trời không mưa, nguồn nước dần cạn kiệt, ông phải túc trực thường xuyên để bơm tưới cho cây khỏi thiếu nước mà rụng trái. Rồi cơn mưa dông kèm lốc xoáy ập đến, phá nát vườn sầu riêng của nhiều hộ nông dân, gây thiệt hại lớn.
" Lúc thấy mây kéo đến, tôi mừng lắm. Nhưng khi mưa lớn kèm theo gió lốc, tôi nghĩ vườn sầu riêng "tiêu" rồi. Hết mưa, tôi ra kiểm tra thì nhiều cây bên nhà hàng xóm đã gãy đổ, nhiều cây quả rụng la liệt. Vườn nhà tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ" - ông Bền rầu rĩ.
Gia đình ông Bền đã trồng sầu riêng nhiều năm nhưng chưa năm nào phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Hết phải túc trực hằng ngày để tưới nước cứu sầu riêng, thì mưa dông khiến sầu rụng trái non. Đến kỳ thu hoạch lại gió lốc mạnh làm quả rụng hàng loạt. Rồi vào chính vụ, mưa kéo dài, múi sầu sượng nước.
Theo ông Bền, sầu là loài "Nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kị mù sương”. Để có được 1 cây sầu cho trái và thu lợi nhuận cao, người nông dân đã phải chăm bón từng li từng tí trong suốt nhiều năm ròng rã. Ở miền đông thì 4 năm nuôi dưỡng, ở miền tây thì 5 năm dưỡng nuôi, còn ai cưng chúng hơn nữa thì sẵn sàng dung dưỡng tới 6 năm, đợi cây đủ lực rồi mới cho sanh nở (ra quả- PV).
"Không biết trồng các loài cây khác như thế nào, nhưng trồng sầu riêng thì lo lắng nhiều thứ lắm. Từ khi mới trồng cây con, người nông dân đã bắt đầu lo lắng không yên cho những "đứa trẻ" này rồi. Cây thì yếu rễ, cây chết ngọn, vàng lá, lúc lại ốm tong teo, trời nắng quá cũng mệt, mà mưa dầm dề cũng lo. Có bông thì sợ rụng bông, sợ bị trĩ, nhện đỏ, sâu ăn bông, cháy lá…
Rồi khi cây mang trái, nỗi lo lớn nhất đó là hiện tượng rụng trái, có khi theo quy luật có khi thì bất chợt tới mức không thể hiểu nổi, ngay cả người nông dân dày dặn kinh nghiệm cũng trở tay không kịp với những đợt rụng bông, rụng trái non này. Trời mưa nhiều quá cũng rụng, nắng gắt quá cũng rụng, nắng mưa thất thường cũng rụng,...Nói về chuyện rụng trái non, chắc không có loài cây nào qua được tiểu thư sầu riêng rồi. Có khi người nông dân phải rớt nước mắt, ngậm ngùi khi bỏ phí công sức tiền của đầu tư cho cả vụ sầu riêng 1 năm chỉ có 1 lần ", ông Bền bày tỏ.
Không chỉ riêng ông Bền, những ngày tháng 8, nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tất bật bước vào mùa thu hoạch sầu riêng - loại quả được mệnh danh là "vua trái cây". Ngay từ sáng sớm, người dân đã tấp nập kéo nhau ra vườn, leo lên từng tán cây cao vút để hái những trái sầu riêng đủ tuổi.
Dưới gốc, những thùng nhựa, sọt tre, xe rùa lần lượt được chất đầy những trái sầu riêng xanh mướt. Vậy mà nụ cười thì cứ héo hắt trên những khuôn mặt in hằn vệt nắng gió.
Nhà vườn ai cũng than, năm nay khí hậu không ủng hộ người nông dân. Đầu mùa, những đợt giông lốc khiến nhiều gốc sầu bật gốc, trái rụng la liệt, nhiều gia đình đã thiệt hại cả tỷ đồng. Riêng xã Ea Tar (huyện Cư M’ga, Đắk Lắk) cơn dông, lốc diễn ra vào chiều 6/7 có khoảng 220 hộ bị thiệt hại, tổng diện tích khoảng 20 ha với sản lượng sầu riêng bị hư hỏng hơn 130 tấn.
Sau khi bất lực đứng nhìn vườn sầu riêng bị dông lốc quật rụng quả la liệt, nhiều gia đình đã gấp rút tìm nhân công gia cố lại vườn cây, cột lại quả để tránh "thảm cảnh" xảy ra lần nữa.
Cơn ác mộng sầu riêng gãy đổ, trái rụng la liệt dưới gốc vừa qua thì bước vào mùa thu hoạch rộ, Đắk Lắk xảy ra mưa lớn kéo dài khiến hàng loạt trái sầu riêng bị các loại nấm như nấm cuống, nấm bông, rầy đen... tấn công, làm hư hỏng quả với tỉ lệ khoảng 20%.
Giống sầu riêng ngon nhất thế giới Musang King, từng được bán với giá cả triệu đồng khi phải nhập từ Malaysia thì nay, khi người nông dân Việt chưa kịp vui mừng phấn khởi vì đã tự canh tác thì giá loại sầu này lại gặp tình trạng "phú quý giật lùi” khi giảm từ hơn triệu một cân xuống vài trăm nghìn đồng và năm nay chỉ còn vài chục nghìn đồng một cân.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) có 50 cây sầu riêng Musang King 7 năm tuổi, thu hoạch được hơn 1 tấn quả, mỗi trái từ 1,2 - 2,5kg. Sản lượng này thấp hơn 5 - 6 lần so với giống sầu Monthong và Ri 6.
Chị Mai cho biết thêm, nếu trời không mưa kéo dài, quả sầu riêng không bị sượng, nhà vườn có thể bán được 80.000 - 90.000 đồng/kg. Nay gia đình chị bán cả vườn chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với năm ngoái. Những vườn xung quanh thu hoạch trễ, nay sượng trái, thối múi rất nhiều, đa số đều bị lái bỏ cọc, phải bán giá hàng dạt, hàng đông lạnh.
Không riêng gì sầu riêng Musang King, Dona, sầu riêng Ri6 cũng giảm giá so với vụ thu hoạch năm 2023. Vụ thu hoạch năm 2023, sầu riêng Ri6 có giá cao nhất là 60.000 đồng/kg. Năm nay, hiện chỉ có giá 35.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Trần Công Minh (cơ sở thu mua sầu riêng Đại Phúc, Km23, huyện Krông Pắk) cho hay, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài khiến không ít quả sầu riêng bị sượng do dư nước. Chính vì vậy, mùa thu hoạch sầu riêng năm nay, tỉ lệ “hàng dạt” rất nhiều. Mỗi ngày, cơ sở Đại Phúc thu mua từ 10-50 tấn sầu riêng “hàng dạt”, với giá từ 35.000 - 41.000 đồng/kg.
Ông Trương Văn Cao - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk cho hay, năm nay, nhiều vườn sầu riêng xảy ra hiện tượng cơm bị sượng nước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của mưa kéo dài. Từ đó, độ ẩm trong đất tăng cao, khả năng tích nước vào trái rất lớn khiến lượng nước trong trái sầu riêng nhiều.
Mặt khác, sau mưa, các loại nấm bệnh xuất hiện, xâm nhập và lây lan mạnh vào trái sầu riêng từ vỏ hoặc dưới đít trái. Khi lượng nước trong trái dư thừa thì hoạt động của các loại nấm rất mãnh liệt, khó phân hủy, đào thải.
Từ đó, trái sầu riêng bị thối, hư hỏng dẫn đến cơm sầu bị sượng nước. Một số vườn quản lý nấm bệnh không tốt cũng tạo điều kiện khiến cho nấm phytophthora lây lan nhanh trong vườn nên tình trạng cơm sầu riêng sượng nước xảy ra nhiều. Ngoài ra, những vườn có hệ thống thoát nước kém cũng sẽ dẫn đến tình trạng bị sượng nước.
Trong khi người dân tất bật với việc thu hoạch ”vua trái cây” thì trên địa bàn huyện Krông Pắk - "thủ phủ sầu riêng" của tỉnh Đắk Lắk, nhiều kho thu mua sầu riêng lớn trước đây nay vẫn đóng cửa im ỉm.
Dọc theo quốc lộ 26 (đoạn qua các xã Ea Knuêc và Ea Kênh), phóng viên bắt gặp không ít cơ sở, kho thu mua sầu riêng đóng cửa, dán bảng "cho thuê (hoặc bán) kho". Tại nhiều kho thu mua đang hoạt động, không khí cũng rất vắng vẻ, không còn tình trạng mua bán sầu riêng ồ ạt như trước nữa.
Bà Nguyễn Thị Trường Sa (41 tuổi, trú tại thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh) cho biết, vào thời điểm này năm 2023, tình hình mua bán sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắk diễn ra hết sức tấp nập, thậm chí nhiều đơn vị không có kho để thuê. Thế nhưng, vụ thu hoạch năm 2024, tình hình thu mua bán sầu riêng vắng hơn nhiều so với năm trước. Đến thời điểm này, trên địa bàn có hàng loạt kho thu mua vẫn chưa hoạt động. Nhiều kho thu mua đã được thuê nhưng vẫn chưa thấy mở cửa, cũng có kho chỉ mua vài container rồi lại đóng cửa. Thậm chí, nhiều kho không ai thuê.
Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, năm ngoái, tình trạng thu mua sầu riêng diễn ra tấp nập dẫn đến nhiều người không hiểu được tình hình thực tế, ồ ạt xây dựng kho lên nhưng thực tế không có người thuê. Thậm chí, năm 2023, có những đơn vị không rành về sầu riêng nhưng vẫn thuê kho mua ồ ạt dẫn đến bị thua lỗ. Thế nhưng, năm nay những trường hợp này không còn nữa.
Đó chính là lý do có nhiều cơ sở có tên kho nhưng không hoạt động. Hiện nay, huyện chưa thống kê được số lượng kho thu mua sầu riêng không hoạt động, đóng cửa, bởi có những vựa chưa lên hoặc có thể không lên. Do đó, phải chờ đến nửa vụ thì địa phương mới thống kê chính xác được.
Theo bà Trinh, các doanh nghiệp, nhà nông trồng sầu riêng, nhà quản lý (địa phương) và các nhà khoa học cần phải đồng hành, gắn kết với nhau. Đặc biệt, người dân phải có ý thức hợp tác làm ăn lâu dài và đồng hành cùng với doanh nghiệp, tránh tình trạng thấy doanh nghiệp nào đến trả giá cao hơn thì lập tức bẻ cọc, dẫn đến mất uy tín. Đặc biệt, khi người nông dân ngày càng nâng cao chất lượng sầu riêng thì chỉ cần một thời gian ngắn nữa, sẽ không còn phải lo đến giá cả mà chỉ cần làm ra sản phẩm tốt nhất, còn giá cả đã có thị trường lo.
Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ... Trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở Tây Nguyên chín lệch vụ so với những vùng còn lại. Cũng nhờ sáng tạo của bà con, sầu riêng từ cây trồng xen canh trở thành cây ăn quả chủ lực, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh tổng diện tích sầu riêng là 32.785 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Krông Păc, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin và TP Buôn Ma Thuột.
Huyện Krông Pắk hiện có 32.914 ha diện tích cây lâu năm gồm cà phê, cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn quả các loại. Trong đó, năm 2024, diện tích cây sầu riêng toàn huyện khoảng 10.000 ha, sản lượng dự kiến khoảng 92.000 tấn. Số diện tích sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu là 34 mã với diện tích 2.015 ha sầu riêng của 3.761 hộ. Số cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện có 13 cơ sở.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 251 cơ sở thu mua. Trong đó, tập trung tại một số huyện như: Krông Pắk 101 cơ sở, huyện Cư M’gar 64 cơ sở, huyện Krông Búk 11 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 10 cơ sở….
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 37 cơ sở cấp đông, tập trung tại một số huyện như Krông Pắk 15 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 8 cơ sở, huyện Cư M’gar 5 cơ sở, TP Buôn Ma Thuột 3 cơ sở… với tổng công suất 3.170 tấn.