Chiều ngày 19/5, cơn mưa lớn kéo dài hàng giờ khiến Xa lộ Hà Nội (cửa ngõ chính phía đông Sài Gòn) bị ngập nước nghiêm trọng.
Theo ghi nhận, tình trạng nước ngập sâu xảy ra tại khu vực chân cầu Rạch Chiếc (thuộc khu vực Quận 9 và Thủ Đức hướng về trung tâm TP), hàng trăm phương tiện bị chết máy. Trong khi đó, không ít người đi xe máy buộc phải lưu thông trong làn ô tô để tránh cho xe bị chết máy khiến giao thông càng trở nên ùn tắc.
Trong phần đường ô tô cũng bị ngập ở một làn đường khiến giao thông càng trở nên hỗn loạn hơn. Những người thường xuyên lưu thông qua đây cho biết, cầu Rạch Chiếc gần như là điểm "đen" ngập nước mỗi khi có mưa nên rất lo lắng.
Mưa lớn gây ngập nặng trên Xa Lộ Hà Nội, giao thông ùn ứ nghiêm trọng. Thực hiện: Tứ Quý
"Mỗi lần di chuyển qua cầu khi mưa là sợ lắm vì nước ngập hơn bánh xe, di chuyển không được, xe tải, container thì bóp còi inh ỏi. Xe tôi vừa mới bị chết máy giờ phải đẩy bộ qua cầu để sửa", anh Thái (quận 9) chia sẻ.
Ngoài đoạn chân cầu Rạch Chiếc thì cơn mưa chiều cũng khiến một số đoạn của cửa ngõ phía Đông bị ngập nhẹ.
Đến 16h30, đoạn từ trạm thu phí đến chân cầu Rạch Chiếc vẫn còn ngập nặng do mưa khá to.
Cả đoạn đường bị chia cắt vì nước ngập sâu, xe máy không thể di chuyển. Một số phải dắt bộ sát mép lề để tránh bị té.
Anh Thái đang lau chùi bugi nhưng không thành công, xe bị vào nước nên không thể nổ máy.
Xe máy bất chấp nguy hiểm chạy vào làn ô tô để tránh nước ngập.
Làn đường ô tô cũng bị ngập nhưng không ngập sâu bằng làn xe máy.
Hàng trăm phương tiện tô tô, xe máy ùn ứ từ trạm thu phí đến cầu Rạch Chiếc.
Tuy nhiên mỗi lần ô tô chạy qua tạo sóng khiến nhiều người đi xe máy suýt té vì chết máy giữa chừng.
Rất nhiều phương tiện đã chết máy khi đi qua khu vực này.
Đoạn đường ùn ứ vì nước ngập sâu không thể di chuyển.
Trời càng mưa lớn khiến việc đẩy bộ qua vùng ngập cũng gặp nhiều khó khăn vì nước chảy xiết.
Phương tiện chết máy, suýt ngã trước đầu xe buýt.
Quan sát cho thấy cống thoát nước tạm tại khu vực này với đường kính 600mm không đủ thoát nước ra sông Rạch Chiếc nên mỗi khi mưa lại ngập nặng.
Cả hai phần đường đều biến thành sông.