Theo Phòng NN&PTNN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, qua số liệu cập nhật lúc 14 giờ ngày 12/7, số hộ dân bị ảnh hưởng do triều cường dâng cao là 251 hộ, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 187 hộ dân sinh sống ngoài cống Đá Bạc thuộc 2 ấp Kinh Hòn, Kinh Hòn Bắc bị ngập.
Về công tác đê điều, lúc 10 giờ 50 ngày 11/7, mưa lớn kéo dài kèm giông lốc, triều cường dâng cao, mực nước đỉnh điểm là +1.75m.
Cũng trong ngày 12/7, qua rà soát sơ bộ do ảnh hưởng mưa, giông làm sập, tốc mái 40 căn nhà. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện sập, tốc mái 312 căn nhà, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Anh Bùi Hữu Phước (ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: "Hiện tại, nước ngày càng dâng cao mà không có đường thoát ra nên nhà bà con nơi đây đành chịu ngập trong biển nước".
Ông Lê Văn Tòng nói thêm: "Sáng giờ tôi chỉ ăn có được trái chuối lót dạ. Nước ngập nhà hết trơn rồi nên đâu nấu nướng gì được đâu. Mấy hôm nay tôi thức trắng đêm, chứ đâu có chợp mắt được giây phút nào. Lo lắm chứ!".
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau thông tin, trong 2 ngày 11 và 12/7, tuyến đê biển Tây đoạn từ Sông Đốc đến Tiểu Dừa, trong đó có đoạn Kinh Mới - Đá Bạc triều cường dâng cao đột ngột giống và thậm chí cao hơn năm 2019.
"Khi triều cường dâng cao kết hợp sóng lớn làm tràn qua hệ thống đê gây ảnh hưởng sản xuất của bà con bên trong đê và gây sụp lở phần mái ở phía biển. Nếu không có giải pháp kịp thời thì đê biển Tây của tỉnh Cà Mau có khả năng vỡ trận", ông Hoai chia sẻ.
Những ngày qua, UBND các xã, thị trấn phối hợp với thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phụ trách đi thăm hỏi, động viên gia đình chịu ảnh hưởng thiên tai cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; đồng thời hỗ trợ mỗi căn nhà sập hoàn toàn có hoàn cảnh khó khăn 500.000 đồng/hộ.
Từ ngày 16/6-12/7, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu và TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), do ảnh hưởng giông, lốc, sạt lở làm thiệt hại nhiều về nhà cửa, sạt lở bờ bao, lộ giao thông nông thôn.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ giông, lốc làm sập và tốc mái 81 căn nhà, 1 người bị thương nhẹ, diện tích lúa bị ảnh hưởng 696 ha, sạt lở bờ bao, đê cồn 55 đoạn, chiều dài 3.146m; trong đó, bờ bao 19 đoạn chiều dài 821m, đê cồn 36 đoạn chiều dài 2.325m, ước thiệt hại trên 40,3 tỷ đồng.
Mưa lớn kéo dài làm một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngập nặng.
Tại Kiên Giang, mưa giông trong những ngày qua khiến nhiều căn nhà bị sập, tốc mái, 30 ha lúa hè thu ở huyện U Minh Thượng bị đổ ngã.
Do ảnh hưởng của thời tiết, các phương tiện tàu đưa rước khách từ đất liền ra vào đảo Phú Quốc, các dịch vụ vui chơi, tắm biển phục vụ khách du lịch đã tạm ngưng do ảnh hưởng của mưa gió. Hiện nay, lượng khách còn đang lưu trú là trên 41.000 khách, trong đó có 2.154 khách quốc tế.
Anh Nguyễn Minh Nhựt, ở đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) thông tin: Hiện nay trên đảo đang mưa rất to, gió mạnh, người dân ở trong nhà không dám ra ngoài...
Một số căn nhà trên đảo Hòn Tre bị tốc mái.
Vùng biển Tây Nam có gió cấp 5-6, giật cấp 7-8, biển động. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang yêu cầu phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và có biện pháp ứng phó kịp thời với tình hình mưa, gió do vùng áp thấp gây ra.
Mưa to, lốc xoáy trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang đã làm sập hoàn toàn 15 căn nhà, tốc mái 116 căn nhà, chìm 7 tàu cá và làm mất tích 2 ngư dân, thiệt hại ước tính trên 7 tỷ đồng.
Những ngày qua, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang đã huy động trên 320 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản, giúp bà con nhân dân ổn định cuộc sống. Bộ CHQS tỉnh đã trao hỗ trợ mỗi gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra 1 triệu đồng và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống.
Tại Hậu Giang, ông Trần Thanh Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho hay, mưa dầm kèm theo gió giật mạnh trong những ngày qua đã gây ảnh hưởng, thiệt hại cho sản xuất lúa, đồng thời gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của người dân. Chỉ tính từ ngày 9-12/7, giông lốc đã làm sập 1 căn nhà dân, tốc mái 15 căn, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Theo ngành Nông nghiệp Hậu Giang, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 20.000/76.400ha lúa Hè Thu. Trong số diện tích chưa thu hoạch thì hiện có khoảng 40.000ha ở giai đoạn trổ - chín, đây sẽ là áp lực không nhỏ cho bà con, nhất là những hộ đang chờ cắt lúa nhưng gặp khó khăn về điều kiện mưa dầm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 10.000ha lúa Thu Đông, trong đó lúa ở giai đoạn mới gieo sạ đến mạ là hơn 4.000ha. Do đó, để hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con tích cực bơm rút nước.
Tại Cần Thơ, từ ngày 9/7 - 12/7, giông lốc đã làm sập 5 căn nhà; làm sập một phần, tốc mái, xiêu vẹo 14 căn nhà tại huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và quận Cái Răng. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 242 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, hiện nay đang vào cao điểm mùa mưa, tình trạng mưa lớn kèm giông lốc, gió mạnh sẽ tiếp tục xảy ra. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ cũng yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân chủ động gia cố nhà cửa chắc chắn, an toàn nhằm hạn chế thấp nhất khả năng bị thiệt hại.