Đã 12 năm qua, lớp học 0 đồng nằm bên cánh đồng làng thôn Thọ Trung (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn rộn rã tiếng ê a. Đây là lớp học đặc biệt, bởi học sinh đủ mọi lứa tuổi (từ 6 tuổi đến 18 tuổi) và mỗi em một dạng khuyết tật khác nhau như bệnh down, câm điếc bẩm sinh, thiếu năng trí tuệ, suy giảm trí nhớ,…
Thầy Trần Đình Vương (70 tuổi), Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là người mở ra lớp học này.
Thầy Vương từng là một chiến sĩ, những năm 1970, tham gia giao liên rồi làm du kích, giáo viên kháng chiến tại huyện Sơn Tịnh. Đến năm 1975, thầy được nhà nước cho đi học cao đẳng sư phạm.
Sau 40 năm giảng dạy và làm Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Thọ, năm 2012, thầy về hưu. Thay vì an hưởng tuổi già, thầy lại chọn tiếp tục nghề cầm phấn và học trò là những đứa trẻ chưa một lần được đến trường.
Việc làm ý nghĩa của thầy được nhiều đồng nghiệp ủng hộ, tham gia. 12 năm qua, lớp học có gần 30 thầy, cô giáo về hưu luân phiên nhau đứng lớp. Họ đến với lớp học bằng lòng trắc ẩn, với mong muốn giúp các em học sinh vơi đi những thiệt thòi, bất hạnh.
Những ngày đầu mở lớp, các thầy cô rất vất vả, từ việc vận động cho các em tới lớp đến sắp xếp lớp học trật tự, nề nếp và việc giảng dạy cũng rất nhọc nhằn.
"Ban đầu, sĩ số của lớp là 16 em, từ 7 đến 22 tuổi. Dù tất cả thầy cô đều đã có kinh nghiệm giảng dạy nhưng ai cũng phải bối rối khi lần đầu đến với lớp học học này. Bởi các em không biết phân biệt lúc nào học, lúc nào chơi, luôn ồn ào và trò dù bao nhiêu tuổi vẫn không chịu lớn. Vì vậy, thầy cô thay vì nghiêm khắc thì phải luôn ngọt ngào, dỗ dành, xuề xòa, bỏ qua cho những hành vi bất nhã, giận dữ của trò", thầy Vương trải lòng.
Giai đoạn đầu khi các em mới đến lớp, do khó khăn trong ổn định trật tự, dạy dỗ nên mỗi buổi học sẽ có 2 thầy cô cùng đứng lớp. Đến nay, mỗi buổi học chỉ cần một người giảng dạy.
Lớp học mở cửa vào buổi sáng các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần. Mỗi tháng sẽ có một thầy cô đứng lớp. Lớp cũng nghỉ 3 tháng hè như các trường học chính quy khác.
Đồng hành với lớp học đặc biệt này từ những ngày đầu tiên, thầy Đoàn Thanh Lên (68 tuổi) cho biết, học sinh ở đây, mỗi em mang một khiếm khuyết nên việc dạy cũng phải linh động và có giáo trình riêng, em học nói, học hát, em học chữ, có em đến chỉ để chơi với bạn. Nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu giúp các em hòa nhập với cộng đồng.
Với những trẻ "lâu nhớ mà mau quên" này thì thành tích mà thầy, cô giáo ở đây mong đợi đôi khi chỉ là một chuyển biến nhỏ từ phía các em như: biết đọc, biết viết và làm phép tính đơn giản hay biết chào hỏi ông bà, cha mẹ, thầy cô, biết quét sân, rửa ấm chén, biết giữ gìn vệ sinh…
“Trước khi đến lớp, tất cả các em đều không biết đọc, không biết viết và hầu hết đều suy giảm trí nhớ. Do đó, lớp học chỉ dạy 2 môn Toán, Tiếng Việt và những kỹ năng giao tiếp. Có những phép tính, con chữ mà các thầy, cô phải dạy đi, dạy lại cả tháng để các em nhớ mặt chữ. Nhiều lúc cũng nản lòng nhưng tôi chưa bao giờ có ý định nghỉ dạy, bởi tôi thương các em như con cháu ruột của mình”, thầy Lên bộc bạch.
Dù về hưu đã nhiều năm nhưng những thầy cô giáo này vẫn miệt mài đem con chữ và tình thương đến với các học trò khuyết tật
Dù việc giảng dạy cực nhọc nhưng các thầy cô giáo đều không nhận bất kỳ khoản bồi dưỡng nào. Vào các ngày lễ Tết, các thầy cô ở lớp học đặc biệt này cũng chưa một lần được nhận hoa hay quà. Với họ, niềm vui chỉ giản đơn là được dạy học và chứng kiến học trò của mình ngày càng tiến bộ.
"Vui vì được phụ huynh yêu quý và các em ngày càng tiền bộ chính là động lực để mình tiếp tục gắn bó với công việc này. Tôi rất hạnh phúc khi thấy các em bước ra từ lớp học đã có thể hòa nhập và tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân. Đó chính là món quà ý nghĩa nhất…", cô Nguyễn Thị Bích (57 tuổi), đồng hành với lớp học 3 năm nay, chia sẻ.
Cứ thế, hằng ngày, các thầy cô âm thầm, khó nhọc gieo từng con chữ, dạy các em biết những nguyên tắc đơn giản trong cuộc sống đời thường...
Trải qua 12 năm, đến nay đã có 9 em “tốt nghiệp” và hòa nhập xã hội, có em làm công nhân tại các khu công nghiệp, có em đã lập gia đình.
Hiện, lớp còn 7 em theo học. Em nhỏ nhất 13 tuổi, em lớn nhất đã 26 tuổi. Nhờ sự tận tình của các thầy cô, từ những đứa trẻ khờ khạo nay hầu hết đã biết đọc, viết, làm toán... và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Mỗi ngày học, em Quý đều được thầy Vương đến tận nhà đón đưa đến lớp
Em Đỗ Thị Cẩm Tiên (20 tuổi, trú thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ), bị mắc bệnh down. Suốt 12 năm qua, Tiên được mẹ đưa, đón đến trường trên chiếc xe đạp cà tàng. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của các thầy cô, đến nay Tiên đã biết mặt chữ, làm một số phép toán và vệ sinh cá nhân...
Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (57 tuổi, mẹ Tiên) xúc động: “Từ ngày được đi học, con gái tôi tiến bộ rõ rệt, giờ cháu đã hòa nhập được cộng đồng, lúc nào cũng vui vẻ, ngoan ngoãn, không bị trầm cảm, ức chế, biết chào hỏi, biết quét nhà, rửa chén… Không chỉ dạy miễn phí, các thầy cô còn thường xuyên góp tiền lương hưu để mua sách, vở, bút tặng cho học trò. Gia đình tôi thật sự rất biết ơn các thầy cô rất nhiều”.
Quá nửa cuộc đời gắn bó với nghề "đưa đò", các thầy cô tại lớp học 0 đồng này vẫn khẳng định sẽ đi dạy tới lúc nào "nhắm mắt xuôi tay", chỉ mong sẽ thắp lên những hy vọng cho học sinh khuyết tật.
WeChoice Awards là giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức từ năm 2014, có ý nghĩa nhân văn lớn, nhằm tôn vinh những con người, sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, cũng như chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng nhất trong suốt một năm.
Tiếp nối hành trình 10 năm, WeChoice Awards trở lại với niềm cảm hứng lớn lao nhất, nhưng cũng thân thuộc và chân thành nhất: Việt Nam tôi đó. Cổng đề cử của WeChoice Awards 2024 đã chính thức mở từ ngày 11/12/2024.
Truy cập wechoice.vn và gửi đến chúng tôi những nhân vật, câu chuyện xứng đáng được tôn vinh và đủ sức lan tỏa niềm cảm hứng Việt Nam tôi đó.
Thời gian gửi đề cử của bạn: Từ ngày 11/12/2024 đến ngày 24/12/2024.