Mọi chuyện bắt đầu từ hôm 16/2 vừa qua, khi lực lượng cảnh sát ở Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, bất ngờ đối mặt với hàng loạt câu hỏi về những tin đồn đang lan rộng trên mạng xã hội. Câu chuyện xoay quanh bức ảnh chụp màn hình của một “thông báo”, tuyên bố rằng từ ngày 1/3 tới, toàn thành phố sẽ chấm dứt chính sách phân bổ lưu lượng giao thông đang được áp dụng, trong đó có quy định hạn chế các phương tiện lái xe trên đường dựa trên biển số xe.
“Thông báo” không chỉ liệt kê ba lý do chi tiết của việc thay đổi chính sách, mà nó còn cho biết: “Mặc dù chính sách như vậy đã làm giảm ùn tắc ở một mức độ nhất định sau nhiều năm thực hiện kể từ năm 2006, nhưng nó cũng gây ra sự bất tiện cho công chúng”.
Thành phố Hàng Châu. Ảnh Internet
Thông tin gây xôn xao một phần bởi thành phố này đã đình chỉ các hạn chế giao thông kể trên vào tháng 12 năm ngoái ngoại trừ đường cao tốc và nói rằng các hạn chế sẽ tiếp tục vào tháng 2 này tùy thuộc vào điều kiện giao thông vào thời điểm đó.
Nhưng bất chấp các văn bản đưa ra trước đó, trên mạng xã hội, thông báo giả mạo đã lan truyền chóng mặt. Và không lâu sau đó, các phương tiện truyền thông địa phương mới nhận ra rằng thông báo giả mạo được viết bởi ChatGPT, ứng dụng đã trở thành cơn sốt trên toàn cầu kể từ khi ra mắt.
Đài phát thanh Chiết Giang hôm 17/2 đã tuyên bố rằng ảnh chụp màn hình nói trên bắt nguồn từ một khu dân cư. Cụ thể, một người dân tại đây đã yêu cầu ChatGPT viết một “báo cáo tin tức” về việc hủy bỏ chính sách hạn chế đi đường. Người này đã ghi lại toàn bộ quá trình và sau đó chia sẻ ảnh chụp màn hình thông tin phản hồi của chatbot AI cho một nhóm bạn trên WeChat. Từ đó, bức ảnh đã lan truyền khắp mạng xã hội.
“Chính quyền thành phố hoàn toàn không công bố những thay đổi đối với chính sách”, báo cáo trên đài phát thanh nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng người tạo ra bản thông báo giả đã xin lỗi mọi người trong nhóm, nơi mà anh ta đã chia sẻ bức ảnh chụp màn hình.
Sự việc càng tăng thêm nỗi ám ảnh về sức mạnh của các chatbot AI. Ảnh Internet
Vụ việc sau khi được phanh phui lại càng gây náo động, khi nhiều người bày tỏ lo ngại về khả năng của các chatbot Ai. “Thật đáng sợ khi nó được viết bởi AI theo đúng nghĩa đen,” một bình luận được đánh giá cao trên nền tảng Weibo cho biết.
Với khả năng tạo phản hồi giống con người một cách thuyết phục, mức độ phổ biến của ChatGPT đã nhanh chóng tăng lên khắp Trung Quốc trong những tuần qua, mặc dù về mặt kỹ thuật công cụ không có sẵn để sử dụng ở quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều người đã tìm ra cách truy cập dịch vụ, thậm chí một số người còn tìm cách sử dụng chatbot để thu về lợi ích cho riêng mình.
Công nghệ tiên tiến này và các ứng dụng đang phát triển của nó cũng đang khiến các chuyên gia pháp lý ở Trung Quốc lo ngại. Họ đã cảnh báo rằng vì được tạo ra dựa trên các tập dữ liệu khổng lồ nên nó có thể trở thành một nguồn cung cấp tin đồn và thông tin sai lệch mạnh mẽ nếu không có cơ chế kiểm tra thực tế. Các nhà chức trách cũng lo ngại việc đang thiếu các quy định để quy trách nhiệm cho người vi phạm.
“Nội dung do công nghệ AI tạo ra không phải lúc nào cũng chính xác và cần có một số kiến thức chuyên môn để xác định xem thông tin do ChatGPT cung cấp có đúng hay không”, Xie Lianjie, một luật sư chuyên về luật Internet tại Bắc Kinh, chia sẻ. Ông nói thêm rằng những công cụ như vậy có thể được đào tạo và sử dụng để tạo ra thông tin lừa đảo hoặc cung cấp cho các trang web lừa đảo.
Các cơ quan quản lý internet của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường cảnh giác với những tin đồn và thông tin sai lệch trực tuyến bằng cách nhấn mạnh vào việc tìm ra nguồn gốc của thông tin. Năm 2022, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã xử lý tới 172 triệu trường hợp liên quan đến việc phát tán thông tin bất hợp pháp và không phù hợp, cao hơn 3,6% so với năm trước.
Tham khảo SixthTone