Một "phương pháp thần thánh" dân gian có thể giết chết điện thoại của bạn: Hóa ra bấy lâu nay chúng ta đều làm sai!

Nhật Minh, Theo Thể thao & Văn hoá 09:16 07/03/2023

Bạn có nghĩ rằng cho một chiếc điện thoại ướt vào thùng gạo sẽ giúp nó khôi phục trạng thái hoạt động không? Thật không may, cách làm này sẽ không phát huy tác dụng.

Vì sao gạo được cho là "thần hút ẩm"?

Nếu tìm kiếm trên internet các mẹo tự khắc phục khi thiết bị điện tử (như điện thoại, laptop…) bị dính nước, bạn có lẽ đã thấy một phương thức phổ biến được lan truyền rộng rãi, đó là "cho vào thùng gạo".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ, đây chỉ là một "phương thức thần thánh" không có tác dụng thực.

Một số bài báo giải thích rằng gạo là loại ngũ cốc "hút ẩm", song không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

Một phương pháp thần thánh dân gian có thể giết chết điện thoại của bạn: Hóa ra bấy lâu nay chúng ta đều làm sai! - Ảnh 1.

Lợi bất cấp hại

Có lẽ bạn đang băn khoăn: "Dùng gạo để khắc phục các thiết bị dính nước thì có hại gì đâu?". Thế nhưng, rất nhiều thứ có thể đi sai lệch với tính toán của bạn.

Hạt gạo rất nhỏ và có thể lọt vào các khoảng trống hoặc cổng kết nối trên thiết bị - những nơi vốn đã có độ ẩm bên trong. Theo thời gian, chúng có thể sinh ra nấm mốc. Đối với các thiết bị điện tử, nấm mốc chưa bao giờ là một điều tốt.

Trong trường hợp này, gạo mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích. Nó có thể giữ độ ẩm trong thiết bị của bạn lâu hơn và tăng khả năng ăn mòn. Ngoài ra, một số hạt gạo trương lên sẽ gây áp lực lên các bộ phận nhạy cảm của mạch điện trong thiết bị, khiến thiết bị không thể hoạt động.

Tốt nhất là bạn đừng vùi điện thoại của mình vào thùng gạo. Có những lựa chọn tốt hơn đấy.

Một phương pháp thần thánh dân gian có thể giết chết điện thoại của bạn: Hóa ra bấy lâu nay chúng ta đều làm sai! - Ảnh 2.

Làm gì để khắc phục thiết bị dính nước?

Hư hỏng do nước gây ra có thể khắc phục được nếu thiết bị của bạn được "giải cứu" sớm và không bị vùi trong đống gạo. Dưới đây là một số bước đơn giản mà bạn cần thực hiện:

Tắt thiết bị

Nước hoặc hơi ẩm bên trong có thể là một trong những nguyên nhân khiến laptop của bạn gây giật điện. Điều này rất nguy hiểm, vì vậy bạn cần tắt máy ngay lập tức. Nếu có thể, hãy tháo pin và các bộ phận có thể tháo rời khác, chẳng hạn như khay chứa thẻ SIM (đối với điện thoại). Những thao tác trên sẽ cho phép thiết bị của bạn được tiếp xúc với không khí ở mức tối đa, giúp chúng khô đi.

Một phương pháp thần thánh dân gian có thể giết chết điện thoại của bạn: Hóa ra bấy lâu nay chúng ta đều làm sai! - Ảnh 3.

Thấm khô

Dùng vải mềm thấm nhẹ nhàng lên thiết bị để loại bỏ hơi ẩm còn sót lại. Bạn cũng có thể lau thiết bị bằng cồn tẩy rửa để kích thích làm khô nhanh, tuy nhiên, hãy dùng lượng nhỏ thôi.

Ngoài ra, nên tránh sử dụng giấy ăn để thấm nước, bởi chúng có thể để lại các hạt nhỏ, gây hư hỏng thêm thiết bị của bạn.

Hút ẩm

Máy hút bụi cầm tay hoặc quạt tốc độ thấp sẽ giúp hút hơi ẩm còn sót lại sau khi bạn đã làm khô thiết bị bằng vải mềm. Các gói silica cũng giúp hút ẩm, ngoài ra, bạn có thể sử dụng một ứng dụng giúp đẩy nước ra khỏi loa và micro của iPhone.

Không nên sử dụng máy sấy tóc, lò vi sóng hoặc các nguồn nhiệt nhân tạo để làm khô thiết bị, vì điều này có thể gây ra nhiều tác hại hơn là mang lại lợi ích.

Một phương pháp thần thánh dân gian có thể giết chết điện thoại của bạn: Hóa ra bấy lâu nay chúng ta đều làm sai! - Ảnh 4.

Nhờ tới chuyên gia

Sau khi thiết bị tương đối khô, bạn hãy kiểm tra xem nó có dấu hiệu hư hỏng nào không. Nếu phát hiện ra bất cứ vấn đề nào, hãy mang thiết bị tới các dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp.

Ngay cả khi không nhận thấy điều gì bất ổn, bạn vẫn có thể tìm tới các chuyên gia để kiểm tra lại cho chắc chắn. Hẳn nhiên là bạn sẽ không muốn mất cả ngày ngồi nghĩ rằng chiếc Macbook của mình vẫn ổn để rồi nó bất ngờ phát sinh vấn đề do bị dính nước trước đó.

Tốt nhất là nên cẩn thận

Một phương pháp thần thánh dân gian có thể giết chết điện thoại của bạn: Hóa ra bấy lâu nay chúng ta đều làm sai! - Ảnh 5.

Ngăn chặn các thiệt hại do nước gây ra vẫn tốt hơn là để xảy ra rồi mới cứu vãn. Việc sửa chữa các thiết bị điện tử dính nước có thể rất tốn kém, thậm chí dẫn tới tình huống tệ nhất là bạn phải từ bỏ cả thiết bị của mình.

Tốt nhất là nên cẩn thận khi sử dụng thiết bị điện tử gần môi trường nước. Các thiết bị dù có chỉ số chống nước đi chăng nữa vẫn không thể cho phép bạn vô ưu vô lo khi để chúng rơi xuống nước.

Bạn cũng cần tránh môi trường ẩm ướt để tránh hơi ẩm hình thành bên trong thiết bị.