Vào mùa hè năm 1962, trong một hang băng giá sâu 130 mét dưới lòng đất thuộc dãy Alps của Pháp, một người đàn ông đơn độc đã rời khỏi vực thẳm sau hơn hai tháng sống biệt lập hoàn toàn với thế giới.
Đôi mắt ông được che kín bởi kính râm tối màu để bảo vệ khỏi ánh sáng Mặt Trời mà ông không nhìn thấy suốt 63 ngày. Đó là Michel Siffre, nhà địa chất trẻ tuổi người Pháp, người không ngờ rằng mình vừa đặt nền móng cho một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới: thời sinh học của con người.
Michel Siffre không phải là một nhà sinh học hay chuyên gia y học. Sinh ra tại Nice năm 1939 và tốt nghiệp ngành địa chất tại Đại học Sorbonne, ông ban đầu chỉ muốn thực hiện một nghiên cứu về một sông băng mới được phát hiện.
Tuy nhiên, khi quyết định sống dưới lòng đất không đồng hồ, không ánh sáng, không liên lạc trong hai tháng để quan sát hiện tượng địa chất, Siffre đã vô tình bước vào hành trình khám phá bí mật của nhịp sinh học con người – một "đồng hồ bên trong" chưa từng được hiểu rõ trước đó.
Siffre bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà thám hiểm hang động và nhà địa chất, khám phá nhiều hang động trên khắp thế giới. Ông thành lập Viện Spéléologie Pháp (Institut français de spéléologie) vào năm 1962.
Siffre mô tả trải nghiệm sống trong bóng tối ấy là “như một con rối nửa điên nửa dại, rời rạc”. Trong suốt 63 ngày, ông sống trong điều kiện nhiệt độ dưới mức đóng băng và độ ẩm gần như tuyệt đối, với trang thiết bị sơ sài và chân luôn ướt.
Không có bất kỳ thiết bị đo thời gian nào, ông buộc phải dựa vào cảm nhận cá nhân để ước lượng thời gian. Nhưng chính sự tách biệt hoàn toàn khỏi chu kỳ tự nhiên của ánh sáng và thời gian này đã tạo nên bước đột phá quan trọng trong hiểu biết khoa học: cơ thể con người có một nhịp sinh học riêng, không phụ thuộc vào Mặt Trời .
Khi trở lại mặt đất vào ngày 14 tháng 9, thời điểm ông tin rằng mới chỉ là ngày 20 tháng 8, Siffre kinh ngạc khi nhận ra đồng hồ tâm lý của mình đã lệch gần một tháng so với thực tế. Trên thực tế, nhịp sinh học của ông không bị ràng buộc bởi chu kỳ 24 giờ mà dần chuyển sang mô hình “ngày” kéo dài tới 48 giờ, bao gồm 36 giờ thức và 12 giờ ngủ.
Trong các bài kiểm tra tâm lý đơn giản, việc đếm đến 120 có thể mất đến 5 phút, cho thấy đồng hồ sinh học bên trong của ông hoạt động chậm hơn thời gian khách quan gần 2,5 lần.
Siffre nổi tiếng nhất với các thí nghiệm tự cô lập dưới lòng đất trong thời gian dài mà không có bất kỳ dấu hiệu nào về thời gian (đồng hồ, ánh sáng Mặt Trời, v.v.).
Sự khám phá này đã khiến giới khoa học thời đó ngỡ ngàng, không ít người nghi ngờ độ chính xác và giá trị của kết quả. Họ chỉ trích Siffre là liều lĩnh, là “tay mơ khoa học” với những phương pháp đầy rủi ro và thiếu chuẩn mực.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, những gì ông phát hiện đã chứng minh giá trị to lớn, không chỉ đặt nền móng cho lĩnh vực thời sinh học, mà còn có những ứng dụng thực tế trong y học, hàng không, du hành vũ trụ và nghiên cứu quân sự.
Trong suốt sự nghiệp, Siffre tiếp tục thực hiện các thí nghiệm sống cô lập dưới lòng đất, trong đó có lần ở tới sáu tháng vào năm 1972. Ông hợp tác cùng quân đội Pháp và NASA, những tổ chức có nhu cầu cấp thiết về hiểu biết cách con người phản ứng với việc tách khỏi chu kỳ ngày-đêm, đặc biệt trong không gian vũ trụ và trong tàu ngầm hạt nhân.
Nhịp sinh học không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn chi phối quá trình phiên mã gen, hoạt động của hệ miễn dịch và thậm chí cả sự phát triển và lây lan của ung thư. Những đóng góp của Siffre ngày nay đã trở thành nền tảng cho nhiều khám phá y sinh học hiện đại và thậm chí là các nghiên cứu được trao giải Nobel.
Các thí nghiệm của Siffre đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nhịp sinh học của con người, hay còn gọi là "đồng hồ sinh học" bên trong cơ thể. Ông phát hiện ra rằng khi không có các yếu tố bên ngoài để điều chỉnh, chu kỳ ngủ-thức của con người có xu hướng kéo dài hơn 24 giờ.
Mặc dù những cuộc thử nghiệm khắc nghiệt kiểu Siffre ngày nay hiếm khi được lặp lại (phần vì rủi ro tâm lý quá lớn, phần vì có nhiều phương tiện đo lường hiện đại hơn) nhưng sức ảnh hưởng của công trình đó vẫn vang vọng.
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, khi không còn sự chỉ dẫn từ đồng hồ và ánh sáng tự nhiên, mỗi người có thể phát triển nhịp sinh học khác nhau một cách đáng kinh ngạc. Một người có thể thức ba ngày liên tiếp mà không cảm thấy khác thường; người khác có thể ngủ 33 tiếng liền khiến nhóm nghiên cứu tưởng rằng đã tử vong.
Chính sự đa dạng này hé lộ nhiều điều về cách mà đồng hồ sinh học tác động đến tâm trạng, hành vi, trí nhớ và sức khỏe.
Dù từng bị chỉ trích nhưng Michel Siffre giờ đây được công nhận là người tiên phong, là "nhà thám hiểm của thời gian bên trong con người". Những gì ông thực hiện không đơn thuần là một cuộc mạo hiểm cá nhân mà là một minh chứng cho sức mạnh của sự tò mò, sự bền bỉ và khả năng khám phá ra điều phi thường từ những điều tưởng như tầm thường nhất.