Vào năm 1979, vì quá lo lắng tình trạng xói mòn đất ở quê nhà mà một thiếu niên tên Jadav Payeng quyết định trồng cây mỗi ngày. 4 thập kỷ sau, ông Jadav vẫn cần mẫn tiếp tục công việc và thành công tạo ra một cánh rừng có diện tích lớn hơn cả Công viên Trung tâm của New York - Mỹ.
Được biết, quê nhà của ông Jadav, đảo Majuli, là hòn đảo trên sông lớn nhất thế giới. Theo lời các chuyên gia, nơi này rất dễ bị xói mòn đất và có thể biến mất hoàn toàn trong vòng 20 năm. Sau những trận lũ kinh hoàng trong năm 1979, cậu thiếu niên Jadav quyết định trồng cây mỗi ngày để giúp đỡ quê nhà. 40 năm sau, khu rừng mà ông một tay gầy dựng rộng tới 550 héc-ta.
Điều đặc biệt là công việc suốt 40 năm của ông trên đảo Majuli không hề được ai biết đến. Chỉ đến khi phóng viên Jitu Kulita vào cuộc, bí mật của ông Jadav mới được tiết lộ ra thế giới vào năm 2007. Câu chuyện đáng kinh ngạc của ông hiện đang được công khai trên một trang hồ sơ trực tuyến có tên gọi Forest Man (tạm dịch: Người đàn ông rừng) và thu hút được gần 2,8 triệu lượt xem.
Ông Jadav cần mẫn trồng cây trong suốt 40 năm. Ảnh: Shutterstock
Ông vẫn còn nhớ vị trí chính xác của cái cây đầu tiên. Ảnh: Shutterstock
Ông Jadav giải thích: "Nơi này đã có rất nhiều cây cối và tôi tự làm tất cả mọi thứ. Ban đầu, việc trồng cây rất tốn thời gian nhưng giờ mọi chuyện đã dễ dàng hơn vì tôi lấy hạt giống từ chính những cây có sẵn".
Được biết, khi cánh rừng hình thành, những loài động vật hoang dã như voi, hổ Bengal, tê giác bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, vì sự quý hiếm của chúng và vì khu rừng ngày càng nổi tiếng, dự án của ông Jadav trở thành mục tiêu của những kẻ săn trộm và lâm tặc.
Người được mệnh danh là "Người đàn ông rừng của Ấn Độ" cho biết giờ đây mối đe dọa của đảo Majuli đến từ loài người, những người sẵn sàng "phá rừng để có lợi ích kinh tế". Ông nói: "Chẳng có con quái vật nào trong tự nhiên ngoại trừ con người. Con người tiêu thụ mọi thứ cho đến khi chẳng còn lại gì".
Ảnh: Shutterstock
Khu rừng do ông Jadav một tay gầy dựng rộng đến hơn 550 hectare. Ảnh: Shutterstock
Xói mòn đất vẫn còn là một vấn đề lớn của đảo Majuli nhưng dường như chính quyền địa phương không muốn nghe theo đề xuất của ông Jadav. Ông muốn trồng dừa vì loại cây này có thân rất thẳng và giúp ngăn ngừa tình trạng xói mòn đất nếu được trồng dày đặc. Ngoài ra, trái dừa cũng có thể đem lại lợi ích kinh tế.
Mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng ông Jadav vẫn hết sức tận tụy với khu rừng và muốn tiếp tục trồng cây, gieo hạt đến "hơi thở cuối cùng" vì mơ ước của ông là phủ xanh hòn đảo Majuli. "Tôi thích sự tĩnh lặng của rừng cây hơn sự nhộn nhịp của thành phố, nơi con người không thể hít thở hay suy nghĩ thông suốt vì tình trạng ô nhiễm". Hiện các nhà khoa học đang kêu gọi người dân noi theo tấm gương của ông Jadav.
Đảo Majuli vốn là một vùng đất trống cằn cỗi. Ảnh: Shutterstock
Theo Metro