Trong số 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4% (sản xuất thịt lợn trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn).
Tiêu thụ thịt lợn kg/đầu người trong những năm gần đây của Việt Nam đã dần tăng lên, cụ thể: Năm 2021 khoảng 30 kg thịt lợn xẻ/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg thịt lợn xẻ/người/năm và năm 2023 khoảng 33,8 kg thịt lợn xẻ/người/năm.
Từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023 Việt Nam đã được biết đến là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt.
Theo USDA, Trung Quốc hiện chiếm 48%, EU 20%, Mỹ 11%, Brazil 4%, Nga 4%, Việt Nam 3%.
Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của Việt Nam có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2019 - 2023, đàn lợn (không bao gồm lợn con theo mẹ) mặc dù giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng đã dần khôi phục lại như thời điểm trước khi xảy ra dịch.
Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiến tiến gia tăng.
Do đó, thời điểm cuối năm 2023, tổng đàn lợn đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 05 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình 6,0%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2024 đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong các tháng đầu năm 2024 chỉ thấp hơn so với quý 1/2023 và tương đương các tháng của các quý 2-4/2023 ở cùng thời điểm.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2019 - 2023, cơ cấu đàn vật nuôi của nước ta như sau: chăn nuôi lợn chiếm 60 - 64%; gia cầm 28 - 29% (trong đó, gà lông màu 11%, gà trắng 11%, ngan, vịt 7%) còn lại là trâu, bò, dê, cừu (chiếm 9%).
Trong khi, cơ cấu sản lượng thịt thế giới năm 2022, thịt lợn chiếm 41%, thịt gia cầm 37% và thịt trâu, bò (22%).
Như vậy, cơ cấu thịt lợn của Việt Nam cao hơn trung bình chung của thế giới khoảng 20%.
Giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta.
Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi.
Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
Là nguyên liệu phổ biến ở Việt Nam, thịt lợn luôn có mặt trong mâm cơm của người Việt, từ những bữa cơm gia đình đến những bữa tiệc lớn.
Trang chuyên về ẩm thực Taste Atlas công bố danh sách 100 món làm từ thịt lợn ngon nhất thế giới, trong đó có 4 món Việt Nam là: Nem rán, bánh mì thịt, cơm tấm và bún bò giò heo.
Thịt lợn là nguồn cung cấp 8 chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể con người là: niacin, phosphorus, potassium, protein, riboflavin, selenium, vitamin B6 và kẽm (theo Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ - AFIA.