Có một tên buôn lậu tên là Wheeler đã cướp hai ngân hàng ở Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) giữa ban ngày và không hề bịt mặt. Tuy nhiên, hắn đã bị cảnh sát khống chế và bắt giữ.
Khi bị bắt, hắn vẫn còn bối rối: "Làm thế nào mà các người tìm thấy tôi? Rõ ràng là tôi đã bôi chất lỏng vô hình lên mặt mình!".
Viên cảnh sát cười hỏi: "Chất lỏng vô hình?".
Tên cướp nghiêm túc đáp: "Nước chanh".
Hóa ra sau khi biết hiện tượng "tàng hình" của chữ viết bằng nước chanh, hắn đã ngu ngốc tin rằng bôi nước chanh lên mặt cũng có thể khiến mình trở nên vô hình.
Tên trộm ngu ngốc này đã thành công thu hút sự chú ý của David Dunning, giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell. Ông và nhóm của mình đã cùng nhau nghiên cứu thực nghiệm và phát hiện rằng:
Trình độ nhận thức càng thấp thì khả năng nhận thức được những khiếm khuyết của bản thân và phân biệt đúng sai càng kém. Đây cũng là "Hiệu ứng Dunning-Kruger" nổi tiếng.
"Hiệu ứng Dunning-Kruger" mô tả rất rõ 4 giai đoạn nhận thức của con người:
Giai đoạn 1, đỉnh núi ngu ngơ - không biết bản thân thiếu hiểu biết.
Giai đoạn 2, thung lũng tuyệt vọng - biết bản thân thiếu hiểu biết.
Giai đoạn 3, dốc giác ngộ - biết bản thân có hiểu biết.
Giai đoạn 4, cao nguyên bằng phẳng - không biết bản thân có hiểu biết.
Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều ở giai đoạn đầu tiên của nhận thức, họ thường nghĩ rằng mình biết tất cả mọi thứ và tự cho là đúng. Rất nhiều có nhận thức hạn hẹp nhưng lại cảm thấy bản thân xuất chúng. Nhưng núi cao còn có núi cao hơn.
Ví dụ, khi bạn chân thành chia sẻ một bài viết hay, nhưng họ giội gáo nước lạnh và nói: "Đọc mấy bài này thật lãng phí thời gian, câu cú rất bình thường, không bằng một đứa sinh viên viết...".
Họ luôn vui vẻ tìm thấy cảm giác vượt trội sai lầm bằng cách phủ nhận người khác, nghĩ rằng họ rất mạnh mẽ và biết nhiều hơn bất kỳ ai. Song, thói quen này lại vô tình phơi bày sự yếu kém trong nhận thức của họ.
Người xưa có câu: "Ếch trong giếng không thể nói về biển, hạ trùng không thể biết băng tuyết là gì".
Ếch ngồi đáy giếng, nhận thức của nó chỉ lớn bằng miệng giếng, do đó, biển là điểm mù nhận thức của nó.
Hạ trùng, hay là những con sâu chỉ sống trong mùa hè, chưa bao giờ trải qua băng tuyết và băng tuyết chính là điểm mù trong nhận thức của nó.
Người có trình độ nhận thức càng thấp thì điểm mù càng nhiều, họ không biết cách lắng nghe ý kiến của người khác và mù quáng khăng khăng ý kiến của mình. Đồng thời, kiểu người này cũng càng thiếu óc phán đoán, lại càng ngoan cố.
Điều đáng buồn nhất là những người cứng đầu này không biết mình thiếu hiểu biết, họ bảo thủ với ý kiến riêng, tự mãn khi là ếch ngồi đáy giếng.
Duy trì sự kiên trì tích cực là đúng nhưng nếu không chịu lắng nghe và không ngừng học hỏi, bạn không thể tiến bộ và trưởng thành đúng nghĩa.
Nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer từng nói: "Nhà tù lớn nhất trên thế giới là tư duy con người".
Nếu một người không thoát ra được gông cùm trong thế giới quan của chính mình, thì đi đâu họ cũng là "tù nhân" của tư duy.
Vì vậy, làm thế nào để phá vỡ "tư duy tù nhân" này?
1. Học cách nhìn nhận lại bản thân
Nhiều người thích phàn nàn hoặc đổ lỗi cho thế giới khi họ gặp vấn đề. Ai cũng hiểu, nhìn nhận lại chính mình, "tiên trách kỷ hậu trách nhân" là tiền đề của sự trưởng thành, nhưng không phải người nào cũng làm được.
Từ bỏ lối tư duy tự cho mình là đúng, chúng ta mới có thể tìm thấy phiên bản tốt hơn của bản thân.
2. Nâng cao nhận thức
Nếu muốn cải thiện nhận thức, bạn phải duy trì "tâm lý chiếc cốc rỗng" và liên tục đặt bản thân về con số không để không ngừng cải thiện, tránh cảm giác thỏa mãn với hiện tại.
Trong cuộc sống thực tế, một số người đã đạt được thành tựu nhất định, họ nghĩ rằng bản thân có trình độ rất cao, từ đó tự mãn và không muốn bước tiếp.
Chỉ khi biết khiêm tốn, tích cực đón nhận cuộc sống mới, tiếp xúc với tri thức mới, lĩnh hội những điều mới, chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân.
3. Học tập suốt đời
Một người dùng Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự) đã hỏi: "Tại sao sinh viên tốt nghiệp cùng một trường đại học, cùng một chuyên ngành, lại có thể khác biệt rất lớn chỉ trong vài năm?".
Có người cho rằng đó là do gia cảnh, cũng không ít người cho rằng do may mắn.
Một trong những câu trả lời nhận về nhiều lượt thích nhất:
"Vì nhiều người đến lớp không đều, sau giờ học, họ chơi game, xem phim và đi mua sắm, trong khi một số người sống có kế hoạch như đi thư viện mỗi tuần, tập trung vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, những người từng đến lớp không đều cũng bắt đầu đi làm mà vẫn chơi game, đi mua sắm và lướt mạng xã hội sau giờ làm việc; trong khi những sinh viên bắt đầu làm việc chăm chỉ ngay từ năm nhất đại học đã có thể độc lập tài chính vài tháng sau khi tốt nghiệp và bắt đầu công việc kinh doanh riêng…".
Những người mạnh mẽ này có một điểm chung: Họ luôn chuẩn bị cho tương lai và thực hành học tập suốt đời.
Hãy có tư duy cầu tiến và phát huy hết tác dụng của tri thức để không bị thời đại đào thải.