Bố mẹ có con trong độ tuổi dậy thì phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là mất kết nối với con yêu của mình.
Tại sao bố mẹ không hiểu con? Đây dường như là câu nói quá đỗi quen thuộc sau những cuộc trò chuyện hoặc cãi vã giữa bố mẹ và con tuổi dậy thì. Trên thực tế, con trong giai đoạn dậy thì có nhiều sự thay đổi thể chất, cảm xúc và hành vi khiến đôi khi bố mẹ không hiểu con cái của mình; hoặc thậm chí "không nhận ra con". Nhưng họ đôi khi không biết, mọi vấn đề của trẻ hầu như đều xuất phát từ bố mẹ.
Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Tiểu Du (Trung Quốc), kể lại một cuộc trò chuyện cùng người họ hàng là bác sĩ tâm lý, khiến nhiều phụ huynh giật mình.
Ảnh minh họa
Tôi trở lại Thành Đô để gặp gỡ ba người anh em họ, và gặp nhau uống trà sau bữa tối. Quán trà bên cạnh Tu viện Wenshu trang nhã và yên tĩnh, trong hương hoa và gió tháng Tư khiến tôi - một người đã bận rộn ở Thâm Quyến suốt 20 năm, cuối cùng cũng lấy lại được chút thư thái nho nhỏ trong mình.
Là thế hệ con một, bốn chúng tôi lớn lên cùng nhau, thường tụ tập vui chơi và chứng kiến hành trình cuộc đời của nhau. Thật may mắn khi nói rằng chúng tôi, những người bình thường khi còn trẻ, giờ đã có sự nghiệp của riêng mình và sống một cuộc sống hạnh phúc. Dù đã ở độ tuổi trung niên nhưng đều tận hưởng hiện tại mà không hề cảm thấy phiền muộn.
Cũng như mọi nơi trên đất nước, chủ đề trò chuyện yêu thích của cha mẹ luôn không thể tách rời "những đứa trẻ". Một người chị họ nói: "Tôi không bao giờ đặt nặng vấn đề thành tích học hành của bọn trẻ".
Người chị họ này của tôi làm bác sĩ tại một bệnh viện tâm thần nổi tiếng ở Thành Đô. Chị cũng nói với chúng tôi rằng các nữ bác sĩ trong bệnh viện của mình rất cởi mở trong việc giáo dục trẻ em. "Họ rất bình tĩnh và thoải mái, sẽ không quá áp đặt những đứa trẻ của mình bởi đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện buồn".
Chị nói rằng chuyên ngành của mình mặc dù là tâm thần lão khoa, nhưng ở phòng khám ngoài giờ, mỗi tuần, chị vẫn sẽ khám cho 3-4 đứa trẻ vị thành niên hoặc cha mẹ của những đứa trẻ muốn hiểu hơn về con mình. Và trong những cuộc gặp gỡ hàng tuần đó, chị đã nhìn thấy rất nhiều "những đứa trẻ tội nghiệp" và "những bậc cha mẹ tồi tệ".
Điều khó chấp nhận nhất đối với chị họ của tôi, là nhiều trẻ em đến gặp bác sĩ với ý định tự tử nhưng cha mẹ chúng không hề hay biết, thậm chí cả giáo viên trong trường cũng không biết. Mỗi đứa trẻ đều đó đều rất cô đơn và giấu mình.
Im lặng, ít nói và ngoan ngoãn, mỗi đứa trẻ không khác gì một đứa trẻ vị thành niên bình thường. Nhưng, số trường hợp "tự gây thương tích nhưng không tự tử" rất lớn, thậm chí đến mức gây sốc. Trẻ dùng vật nhọn để "vẽ" những vết sẹo trên cánh tay và đùi. Khi được đưa đến khám, trẻ thường được cho là do mất ngủ, không muốn đến trường, giảm cân hoặc phát hiện vấn đề trong quá trình kiểm tra tâm lý ở trường.
Gặp bác sĩ, cha mẹ luôn nói: "Con tôi ngoan mà sao có thể suy sụp được?"; "Bình thường bất cẩn chút thôi, không có vấn đề gì đâu"; "Cô giáo không nói có vấn đề gì". Những đứa trẻ ấy cứ âm thầm chịu đựng nỗi đau, tự dằn vặt và tự làm tổn thương mình, cho đến ngày chúng không thể chịu nổi.
Chị họ tôi nói rằng, đằng sau mỗi đứa trẻ "trầm cảm" đều có cha mẹ. Hai tuần gần đây có một em nữ sinh cấp 2 (nữ mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam) đến khám ngoại trú, em rất xinh.
Để em dễ dàng nói ra tình trạng thực sự, chị tôi đã mời mẹ của em ra ngoài ngồi đợi. Trong phòng tư vấn, chỉ có hai người, em nói rằng mình đã nhiều lần định tự tử. Khi tay áo bị kéo bung ra, có thể dễ dàng thấy trên cánh tay đầy sẹo.
Vài ngày trước, khi đứng trên mép mái nhà cộng đồng và muốn nhảy xuống, em đã sợ. Em sợ rằng nếu rơi từ độ cao như vậy, khuôn mặt sẽ bị đập nát và trở nên xấu xí, vì vậy đã đi xuống.
Chị tôi gọi mẹ em vào và yêu cầu nhập viện. Nữ sinh này vốn đang trong tình trạng rất nguy hiểm, không ai có thể canh giữ 24/24, nếu cô ấy xảy ra chuyện thì sẽ to chuyện, ít nhất phải nằm viện điều trị một tháng.
Nhưng câu hỏi đầu tiên của mẹ em là: "Con đang học năm thứ hai THCS, nằm viện một tháng có ảnh hưởng đến việc học không?". Là một người mẹ, nghe câu nói đó chị tôi gần như phát điên.
"Bây giờ rồi chị còn hỏi ảnh hưởng việc học không? Sống quan trọng hơn học hay học quan trọng hơn tính mạng?", chị tôi nói. Người mẹ rất do dự, sau khi hỏi chi phí nằm viện một tháng là bao nhiêu và có thể tham gia các lớp học trực tuyến hay không, cô đã cùng con ra về. Cuối cùng, vẫn nhất quyết không nhập viện vì sợ làm chậm việc học của con.
Đó là một người cha trung niên. Anh đưa con gái đi khám vì điểm số năm đầu cấp 3 của con sa sút rất nhiều, trước mỗi kỳ thi lại mất ngủ, kèm theo mệt mỏi về thể xác. Em càng không muốn đi học thêm.
Trong phòng tư vấn, khi chuyên gia đang hỏi về các triệu chứng, cô gái chưa kịp nói thì người cha đã gầm lên chửi: "Giả bệnh".
"Con bé chỉ giả vờ thôi. Khi không học thì không thấy vấn đề gì. Khi học thì khó chịu. Khi làm bài kiểm tra, con bé nói rằng bị ốm! Nếu không bị mẹ nó ép buộc, tôi đã đánh cho một trận ra trò thay vì mất thời gian đi thăm khám thế này".
Cô gái im lặng, nước mắt chảy dài trên mặt.
Chị tôi mời người bố ra ngoài, để đứa trẻ nói chuyện với chị một mình.
Em nói rằng mình đã đạt điểm cao từ khi còn nhỏ, đậu vào trường trung học trọng điểm trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Cha em giám sát việc học của con cực kỳ nghiêm khắc, dù đã 16 tuổi nhưng nếu ở nhà mà không nghiêm túc trong việc học, hoặc hơi mâu thuẫn với cha mình, em sẽ bị đánh bằng móc quần áo hay dây nhảy... Em không bao giờ được phép đóng cửa, chỉ cần làm vậy, người cha sẽ đập cửa thô bạo và đánh con sau đó.
Mỗi ngày, khi lái xe đến đón con, ông sẽ hỏi con đã học được gì trong mỗi môn học. Sau đó, điều đầu tiên bố em ấy làm sau khi về nhà là mở cuốn sách ra và so sánh những gì con nói xem có đúng không. Nếu có thiếu sót hay sai sót sẽ không tránh khỏi bị mắng mỏ. Không thể tưởng tượng được đứa trẻ này sẽ sống sót như thế nào trong môi trường tiêu cực đến vậy.
Sau khi nghe trải nghiệm thực tế của người chị họ, tôi đã không thể bình tĩnh trong một thời gian dài. Thế hệ trẻ em này vất vả hơn thế hệ xưa rất nhiều.
Tôi thấy ai đó trên mạng nói đùa rằng: "Trẻ em sinh ra đã có sứ mệnh". Sứ mệnh gì? Chẳng lẽ sinh mệnh bé nhỏ đáng yêu và đáng quý đó được sinh ra chỉ để dành cho các kỳ thi thôi sao? Khi những bi kịch lần lượt xảy đến, có bao giờ cha mẹ chúng ta nghĩ đến: Trẻ em không yêu cầu đến thế giới này, chúng ta đã cho con ra đời mà không cần sự đồng ý. Vậy thì, tại sao chúng ta lại áp đặt chúng vì mục tiêu, kỳ vọng và sĩ diện của chính mình?